MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ cung cấp ODA "3 nhất", đối tác này còn đứng số 1 về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam

Trong 8 năm thực thi Hiệp định VKFTA, tổng kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng gần 2,5 lần, tổng vốn đầu tư của quốc gia này vào Việt Nam tăng gần 2 lần.

Đối tác cung cấp ODA "3 nhất" cho Việt Nam

Hàn Quốc đứng ở vị thế số 1 về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng vốn lũy kế đạt 86 tỷ USD, đứng thứ 2 về hợp tác phát triển và du lịch; thứ 3 về hợp tác lao động và thương mại (thương mại song phương đạt 76 tỷ USD năm 2023). Hợp tác trên các lĩnh vực phát triển thực chất, đưa hai nước trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.

Cùng với đó, đây cũng là quốc gia có nguồn tài trợ ODA (viện trợ phát triển chính thức) lớn của Việt Nam. Thành lập năm 1991, KOICA phụ trách các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc. Tính đến hết năm 2023, nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA cho Việt Nam đạt khoảng 600 triệu USD.

Không chỉ cung cấp ODA

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) Chang Won-sam - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) Chang Won-sam cho biết, Chính phủ Hàn Quốc và KOICA rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và dự kiến ngay trong năm 2024 sẽ nâng quy mô vốn ODA cho Việt Nam lên hơn 52 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2023.

Các dự án ODA của KOICA tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực hành chính công, y tế, giáo dục. Hai bên đang xem xét sẽ mở rộng sang các lĩnh vực mới như thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số. Trong các dự án của KOICA tại Việt Nam là phía Hàn Quốc luôn lắng nghe Việt Nam để tìm ra các dự án phù hợp nhất với điều kiện và nhu cầu của Việt Nam.

Tại buổi tiếp ông Chang Won-sam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA với 3 nhất: Tốc độ nhanh nhất, chất lượng nhất, hiệu quả nhất, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn và tin tưởng Hàn Quốc sẽ sớm trở thành đối tác cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam trong tương lai gần.

Phó Thủ tướng đề nghị KOICA tiếp tục tăng quy mô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao.

Quan hệ thương mại Hàn Quốc - Việt Nam

Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. 8 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 2,5 lần từ 36,5 tỷ USD năm 2015, lên 87 tỷ USD vào năm 2022. Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng gần 2 lần, từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên trên 84 tỷ USD năm 2023 (tính đến tháng 11/2023).

Trong năm 2023, kim ngạch thương mại 2 chiều Hàn Quốc - Việt Nam đạt gần 80 tỷ USD. Việt Nam đã 2 năm liên tiếp vượt Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của quốc gia này sau Trung Quốc và Mỹ. Tính từ năm 1992 - thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay, Thương mại Hàn Quốc - Việt Nam tăng trưởng theo cấp số nhân – từ 500 triệu USD lên gần 80 tỷ USD.

Không chỉ cung cấp ODA

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc (Hình minh họa).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại 2 chiều của Hàn Quốc - Việt Nam đạt gần 13 tỷ USD. Hàn Quốc nhập khẩu 4 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, trong khi Việt Nam nhập 7,7 tỷ USD hàng hóa từ xứ sở kim chi.

Hàn Quốc là thị trường cung cấp máy móc thiết bị và nhiều nguyên liệu đầu vào cho các ngành xuất khẩu, như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, sắt thép... cho Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, đồ gỗ, hạt tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cà phê, rau quả... sang thị trường này.

Việt Nam - Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp, năng lượng, hướng tới mục tiêu kim ngạch đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Theo Pha Lê

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên