Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, hàng loạt quỹ đầu tư trên TTCK Việt Nam cũng thua lỗ vượt xa Vn-Index trong năm 2018
Trong năm qua, hầu hết các quỹ hàng đầu thị trường đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng/ccq (NAV/share) âm, thậm chí còn giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm của chỉ số Vn-Index.
- 01-01-2019Vn-Index sẽ hồi phục từ vùng hỗ trợ “cứng” 880 – 890 điểm trong tuần đầu năm mới?
- 31-12-2018Thị trường gặp khó, nhà đầu tư Việt Nam đổ hàng nghìn tỷ vào các quỹ trái phiếu trong năm 2018
- 31-12-2018VN-Index được dự báo trong khoảng 900 – 1.000 điểm năm 2019, nhà đầu tư cân nhắc phân bổ danh mục vào trái phiếu, tiền gửi
Năm 2018 khép lại với những diễn biến không thực sự tích cực của TTCK Việt Nam. Chỉ số Vn-Index kết thúc năm giao dịch tại 892,54 điểm, giảm 9,3% so với năm trước đó và giảm khoảng 26% so với đỉnh được thiết lập trong năm.
Việc thị trường bất ngờ giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp khiến phần lớn nhà đầu tư thua lỗ và ngay cả các quỹ đầu tư hàng đầu thị trường được quản lý bởi những "lão làng" cũng không ngoại lệ.
Trong năm qua, hầu hết các quỹ hàng đầu thị trường đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng/ccq (NAV/share) âm, thậm chí còn giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm của chỉ số Vn-Index.
Cụ thể, Pyn Elite Fund có mức tăng trưởng NAV/share âm 10,15%, VEIL Dragon Capital âm 11,3%, JPMorgan VOF âm 12%, các quỹ ETFs như FTSE Vietnam ETF âm 11%, VFMVN30 ETF âm 11,4%, VNM ETF âm gần 13%...
Bộ đôi "đình đám" trong giai đoạn 2016 đến đầu 2018 Passion Investment (PIF) và Hestia cũng có một năm gây thất vọng khi NAV/share âm lần lượt 16% và 24%. Đây là những quỹ/công ty đầu tư có hiệu quả kém nhất thị trường khi gần như tất tay vào cổ phiếu VPB trong nửa đầu năm 2018.
Các quỹ đầu tư cổ phiếu có một năm không như mong đợi
Các quỹ có thành tích khả quan hơn Vn-Index năm qua có thể kể tới như Tundra Vietnam Fund, VOF VinaCapital, SSIAM VNX50 ETF, LionGlobal Vietnam Fund hay bộ đôi TVGF và TVGF2.
Trong đó, TVGF và TVGF2 của Thiên Việt (TVAM) là những quỹ có hiệu quả tốt nhất thị trường năm qua khi tăng trưởng NAV/share lần lượt âm 3,7% và âm 6,5%, thấp hơn đáng kể so với mức giảm 9,3% của Vn-Index. Tính tới cuối năm 2018, tổng danh mục TVGF đạt 196,5 tỷ đồng, còn với TVGF2 là 157,4 tỷ đồng.
SSIAM VNX50 ETF cũng khá tích cực so với mặt bằng chung thị trường khi có mức tăng trưởng NAV/share âm 6%. Trước đó, trong năm 2017, SSIAM VNX50 ETF cũng ghi nhận mức tăng trưởng 60% và là quỹ nội có hiệu quả tốt nhất trên TTCK Việt Nam. Mặc dù hiệu quả khá tốt, tuy nhiên dòng tiền đổ vào quỹ này là khá hạn chế. Tổng tài sản quỹ tính tới cuối năm 2018 chỉ đạt gần 120 tỷ đồng.
Quỹ trái phiếu chiến thắng thị trường năm 2018
Trái ngược với tình cảnh bi đát của các quỹ cổ phiếu, các quỹ đầu tư trái phiếu đã khá thành công trong năm 2018. Thành tích tốt nhất thuộc về VFMVFB do VFM quản lý với mức tăng trưởng giá trị NAV/share hơn 11%. Con số này là rất tích cực so với các quỹ cổ phiếu trong năm 2018 và vượt xa lãi suất gửi ngân hàng (7,2% cho kỳ hạn 12 tháng).
Nhiều quỹ trái phiếu vượt qua lãi suất gửi tiết kiệm năm 2018
BVFB của Bảo Việt Fund cũng có một năm thành công với mức tăng trưởng NAV/share 10,1% trong năm 2018 và là quỹ tăng trưởng tốt thứ 2. Một vài quỹ trái phiếu như VTBF do VietinBank Capital quản lý hay TCBF do TCBS quản lý cũng tăng trưởng khá tốt với mức tăng lần lượt 9% và 8,2%.
VFF VinaWealth có thành tích không quá nổi trội, nhưng tăng trưởng NAV/share trong năm 2018 cũng đạt 7,1%, tương đương gửi ngân hàng. SSIBF của SSI có thành tích kém hơn chút với tăng trưởng 6,6%, tuy nhiên đây cũng là con số khá tích cực so với các quỹ đầu tư cổ phiếu.
Năm 2018, thị trường cổ phiếu ghi nhận những biến động khá mạnh và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các quỹ trái phiếu. Thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất là TCBF đã gia tăng quy mô tài sản tới 185% so với đầu năm. Từ tháng 9 tới tháng 11 năm 2018, TCBF đã thu hút được khoảng 700 tỷ đầu tư mới mỗi tháng.