Không có tôm hùm Alaska và cũng chẳng có tiệc chiêu đãi, cuộc gặp ngoại giao Mỹ - Trung kết thúc trong căng thẳng và sự mông lung
Tương lai mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Sau màn đấu khẩu ở họp báo, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc bước vào đàm phán đằng sau cánh cửa khép kín. Dù không ai nói gì về kết quả các cuộc gặp nhưng việc đôi bên không thể ngồi chung bàn ăn tối, điều vốn là thông lệ của các sự kiện ngoại giao tương tự, đã nói lên nhiều điều.
Theo SMCP, sau nhiều nỗ lực đàm phán, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan mới có thể ngồi lại với các lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị, để bàn về tương lai 2 nước.
Tuy nhiên, sóng gió đã xảy ra ngay từ phút đầu tiên sau khi Mỹ lên tiếng công kích Trung Quốc trong quãng thời gian đáng lẽ chỉ để chụp ảnh. Người ta nghe thấy ông Vương Nghị nói rằng "chẳng ai đối xử với khách kiểu này". Điều đó cũng đã được một quan chức ngoại giao giấu tên của Trung Quốc than phiền với truyền hình quốc gia nước này.
"Đây chẳng phải là cách tiếp đón và cũng không phù hợp với các nghi thức ngoại giao", vị quan chức này cho biết trên CCTV.
Tiếp sau đó, cũng không có tiệc chiêu đãi nào diễn ra trong buổi tối cùng ngày theo thông lệ ngoại giao thông thường bởi những căng thẳng đã khiến phía Mỹ và Trung Quốc không thể ngồi cùng bàn với nhau. Kết thúc 2 ngày làm việc, giới chức Mỹ - Trung cũng "ai về nhà nấy" mà không có họp báo chung, thậm chí còn không bên nào trả lời câu hỏi từ các phóng viên.
Theo Reuters nhận định, cuộc đàm phán dường như không mang lại đột phá ngoại giao nào như dự kiến. Thay vào đó, sự bất đồng sâu sắc được hai bên thể hiện cho thấy có rất ít điểm chung để có thể khôi phục lại mối quan hệ, vốn đã chìm xuống mức tệ nhất nhiều thập kỷ qua của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc gặp ở Anchorage, Alaska diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới hai đồng minh châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy Washington đang thể hiện lập trường kiên định. Sau khi đoàn Trung Quốc rời đi, cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói rằng họ đã có một cuộc đàm phán "khó khăn nhưng trực diện vào nhiều vấn đề".
Các thành viên đoàn Trung Quốc rời khách sạn mà không nói chuyện với các phóng viên. Tuy nhiên, sau đó ông Dương Khiết Trì đã có cuộc trao đổi với Đài truyền hình CGTN của Trung Quốc, trong đó nói rằng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng và có hiệu quả nhưng "tất nhiên, vẫn có những khác biệt".
"Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và sự phát triển của đất nước", ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken cho biết ông không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc phản ứng một cách phòng thủ sau những cáo buộc của Mỹ về các vấn đề đã được nêu trong cuộc họp báo. Dẫu vậy, vị Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh 2 nước có những lợi ích đan xem về các vấn đề như Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu. Ông Blinken cũng nói rằng Mỹ đã hoàn thành những gì cần phải làm trong cuộc họp.
"Về kinh tế, thương mại và công nghệ, chúng tôi đã nói với các đối tác của mình rằng chúng tôi sẽ xem xét những vấn đề này với sự tham vấn chặt chẽ Quốc hội Mỹ, các đồng minh và đối tác của mình. Chúng tôi sẽ tiến lên để bảo vệ toàn bộ lợi ích của người lao động và các doanh nghiệp Mỹ", ông Blinken chia sẻ.
Việc không có tiến bộ rõ ràng nào cho thấy việc sửa chữa mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc không phải nhiệm vụ dễ dàng, nhất là đôi bên đều thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình nhưng lại đối nghịch với lợi ích của bên còn lại. Các nhà lập pháp ở Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang gây sức ép rất lớn lên chính quyền của ông Biden nhằm duy trì quan điểm cứng rắn từ thời ông Trump và họ đã làm được điều đó.
Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế tại Washington, cho biết: "Cuộc gặp ở Anchorage sẽ chỉ trở nên có ích nếu có điều gì mà mọi người không biết được nói ra đằng sau cánh cửa khép kín, điều mà họ không muốn công khai cho công chúng". Về phần mình, bà Glaser cảnh báo mối quan hệ Mỹ - Trung chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn.
"Chúng ta sẽ có nhiều các dự luật được Quốc hội đưa ra chứ không phải ít hơn. Chúng ta sẽ có nhiều người tiếp tục yêu cầu Mỹ phải chống lại Trung Quốc", bà Bonnie Glaser cho biết.
Về mặt kinh tế, cuộc gặp Mỹ - Trung rõ ràng vẫn để lại nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ ở phía sau. Trong khi Mỹ vẫn đang tăng cường các biện pháp chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei hay SMIC, số phận các công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vẫn chưa được làm rõ. Thuế quan nhằm vào hàng tỷ USD hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc cũng chưa rõ số phận.
Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, cho biết: "Hoạt động công khai của ông Dương dường như chỉ dành cho người Trung Quốc thấy và đằng sau cánh cửa khép kín, đôi bên vẫn có thể đạt được tiến bộ. Tuy nhiên, có một cách giải thích đơn giản hơn là Trung Quốc hiện tự tin vào sự phát triển vượt bậc của mình đến mức họ không thấy lợi ích gì khi hợp tác ngoại trừ nó đáp ứng các mục tiêu của riêng họ".
Hiện nay, chưa thể xác định số phận cuộc gặp tiếp theo của giới chức Mỹ - Trung. Với những gì xảy ra ở Alaska, cuộc gặp thượng đỉnh của ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình mà nhiều người kỳ vọng diễn ra vào tháng tới gần như chắc chắn sẽ không xảy ra.