MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không còn hưởng lãi đột biến nhờ chính sách, Petrolimex sẽ gặp khó trong năm 2017?

30-03-2017 - 15:42 PM | Doanh nghiệp

2 năm qua, lợi nhuận Petrolimex liên tục tăng vọt nhờ hưởng lợi từ cách tính giá bán xăng dầu trong nước. Mặc dù vậy, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ cùng với các chính sách ổn định dự báo sẽ khiến Petrolimex không còn đột biến như trước.

Năm 2016, giá dầu thế giới giảm đã khiến doanh thu Petrolimex giảm mạnh 16%, xuống còn 123 nghìn tỷ. Mặc dù vậy, lợi nhuận ròng năm qua của Petrolimex vẫn tăng vọt so với các năm trước, lên tới 4.665 tỷ đồng.

Tại sao trong khi doanh thu giảm, lợi nhuận lại tăng? Nguyên nhân là do Petrolimex được hưởng lợi từ Nghị định 83/2014 của Chính phủ, quy định về các hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, nghị định này cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước như Petrolimex tính giá bán theo sát giá dầu thế giới, hơn là tuân thủ các quy định của Bộ Công thương như trước đó.

Thực ra, Nghị định 83 có hiệu lực từ quý 4/2014, nên về lý thuyết, biến động lợi nhuận 2 năm 2015 và 2016 của Petrolimex sẽ ổn định. Tuy nhiên, trong năm 2015, Bộ Công Thương vẫn có những quy định theo từng giai đoạn về giá bán lẻ đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, mà cụ thể là khoảng 20 hướng dẫn trong năm 2015. Trong khi đó, sang năm 2016, Bộ Công Thương đã áp dụng chính sách quản lý linh hoạt hơn và tạo khác biệt về lợi nhuận trong năm qua.

Vì vậy, sang năm 2017, khi không còn khác biệt về chính sách, Petrolimex năm nay sẽ khó tạo được lợi nhuận đột biến.


Năm 2014, doanh thu Petrolimex cao nhưng công ty lỗ ròng. 2 năm gần đây, doanh thu giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh

Năm 2014, doanh thu Petrolimex cao nhưng công ty lỗ ròng. 2 năm gần đây, doanh thu giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh

Trên thị trường xăng dầu hiện nay, Petrolimex đang giữ vị thế số 1, với thị phần khoảng 48-50%, hệ thống kho cảng 2,2 triệu m3, đường ống vận chuyển xăng dầu 570km, là đơn vị duy nhất có kho ngoại quan tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn.

Petrolimex hiện có hơn 5.200 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên tổng số 14.000 cửa hàng xăng dầu của cả nước.

Tuy đang nắm vị trí dẫn đầu nhưng về dài hạn, áp lực cạnh tranh trong ngành này sẽ tăng lên. Sự cạnh tranh sẽ đến từ cả những đối thủ truyền thống là PV Oil, Saigon Petro và đối thủ mới như Idemitsu Q8.

Hồi tháng 4/2016, Idemitsu Q8 đã được cấp phép phân phối và bán lẻ xăng dầu tại thị trường Việt Nam. Đây là liên doanh do Tập đoàn Idemitsu Kosan và Công ty dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) thành lập. Idemitsu Kosan và KPI đang nắm tổng cộng hơn 70% vốn tại dự án lọc dầu Nghi Sơn, vì vậy từ giữa năm 2017 Idemitsu Q8 sẽ bán xăng từ Nghi Sơn.

PV Oil, đối thủ lớn nhất của Petrolimex cũng đang có tham vọng bành trướng trong tương lai khi muốn tăng thị phần lên tới 35% trong vòng 5 năm tới thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập.

So sánh petrolimex với một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cùng ngành

Trong thời gian tới, chiến lược của Petrolimex là mở rộng mạng lưới trạm xăng và nâng cao dịch vụ giá trị gia tăng tại các trạm xăng này.

Hiện nay, các trạm xăng của Petrolimex không chỉ đơn thuần bán xăng, dầu mà còn bán kèm các dịch vụ như bảo hiểm cho các phương tiện vận tải, thẻ mua xăng dầu, dầu nhờn và dịch vụ chăm sóc xe ô tô/xe máy. Ngoài ra, Petrolimex còn cho thuê chỗ kinh doanh như dịch vụ rửa xe hoặc hiệu thuốc.

Một nhà thuốc được đặt tại trạm xăng ở Quận 1 TPHCM

Theo thông tin tại buổi Roadshow vừa được tổ chức tại Hà Nội, Petrolimex sẽ lên sàn với giá không thấp hơn 39.000 đồng/cổ phiếu (giá phát hành cho JX Nippon), cổ tức 2016 sẽ không thấp hơn 12%. Ngoài ra, Chủ tịch Petrolimex cho biết, Petrolimex sẽ tìm kiếm cơ hội niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore trong tương lai, bởi đây là thị trường lớn và là nơi tập trung nhiều công ty năng lượng lớn.

Khi lên sàn chứng khoán, Petrolimex sẽ có vốn hóa khoảng 2 tỷ USD, ngay lập tức lọt top 10 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường.

Theo Hà My

Trí thức trẻ

Trở lên trên