Không còn nhiều "vũ khí" đối phó và còn bị ông Trump "đổ thêm dầu vào lửa", kinh tế thế giới đang tiến sát đến thảm họa?
Chúng ta không có nhiều thời gian. Kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn nguy hiểm và cần đến sự dẫn dắt hiệu quả hơn, thông minh hơn.
- 16-10-2019IMF: Kinh tế thế giới 2019 sẽ tăng yếu nhất 1 thập kỷ
- 15-10-2019Chiến tranh thương mại và Trung Quốc đang vùi dập 3 "ngôi sao" của kinh tế thế giới?
- 11-10-2019Hơn 1/3 người tiêu dùng thế giới bất ngờ "thắt lưng buộc bụng", kinh tế toàn cầu thêm phần lao đao
Cuối tuần trước, các bộ trưởng tài chính và thống đốc NHTW từ nhiều nước đã họp mặt tại Washington và tất cả có chung 1 nhận xét rằng kinh tế toàn cầu đang rất cần một "liều thuốc". Tuy nhiên, dù họ hiểu rõ những mối nguy đang rình rập, bất chấp những số liệu khá rõ ràng và sự cần thiết phải thay đổi chính sách hiện lên rõ nét, dường như họ không thể hiện bất cứ sự cấp bách nào, thậm chí là có rất ít dấu hiệu sẽ hành động.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Năm 2019, kinh tế thế giới được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 3%, thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 và sẽ vẫn tiếp tục trì trệ với tốc độ 3,4% trong năm 2020. Với gần như tất cả các nền kinh tế đều mất đà, IMF gọi đây là sự "giảm tốc đồng bộ".
Trong bất kỳ trước hợp nào thì những con số này sẽ gây nên rất nhiều lo ngại, nhưng ở thời điểm hiện tại tình hình còn nghiêm trọng hơn. Đà phục hồi yếu ớt mà kinh tế thế giới có được trong thập kỷ vừa qua đã làm cạn kiệt tất cả các công cụ điều hành chính sách vĩ mô truyền thống. Ở nhiều nước, kích thích tài khóa và thâm hụt ngân sách khiến tỷ lệ nợ công tăng cao. Nếu suy thoái ập đến, các chính phủ sẽ phải suy nghĩ thật kỹ nếu như muốn sử dụng biện pháp tăng vay mượn để kích cầu. Chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều đất dụng võ khi mà lãi suất đang ở mức siêu thấp.
Một hệ lụy khác của lần suy thoái gần nhất là hệ thống tài chính trở nên mong manh sau khi sử dụng nhiều biện pháp chưa từng có tiền lệ. Các gói nới lỏng định lượng quy mô khổng lồ và lãi suất siêu thấp khiến các điều kiện tài chính trở nên lỏng lẻo để có thể hỗ trợ giá tài sản, gây sức ép lên lợi suất trái phiếu và kích cầu. Những biện pháp này là cần thiết, nhưng lại gây ra tác dụng phụ là bóp méo giá tài sản và làm tăng rủi ro tín dụng.
Giá nhà tăng cao phi lý là nguyên nhân chính gây nên khủng hoảng, và ở nhiều nước giá đang tăng trở lại nhờ nguồn tín dụng giá rẻ. Các ngân hàng đã tăng vốn kể từ năm 2009 đến nay, nhưng chừng đó là chưa đủ để đảm bảo an toàn nếu suy thoái ập đến. Lỗ hổng nợ công và làn sóng ngân hàng vỡ nợ vẫn được coi là những rủi ro lớn nhất sau khủng hoảng 2008 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để ở Italy và nhiều nước khác.
Trong khi kinh tế thế giới đã có quá nhiều mối đe dọa rình rập và các nhà hoạch định chính sách không có nhiều lựa chọn để đối phó với suy thoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chọn phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đe dọa sẽ làm tương tự với nhiều quốc gia khác. Đã kéo dài gần 2 năm, chiến tranh thương mại gây ra những thiệt hại kinh tế khổng lồ không chỉ ở Mỹ và Trung Quốc mà là trên cả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu cuộc giảm tốc đồng bộ hiện nay biến thành một cuộc suy thoái sâu rộng trên toàn cầu, Mỹ sẽ là nguyên nhân chính, nhưng trách nhiệm cũng thuộc về rất nhiều nước. Ví dụ, Trung Quốc đã phản ứng quá chậm chạp trong việc cân bằng lại tình hình tài chính của mình. Cuộc chiến thương mại khiến việc này khó khăn hơn, nhưng Bắc Kinh đạt được rất ít tiến bộ về sửa chữa hệ thống phân phối tín dụng.
Trong khi đó nước Anh đang tự hủy hoại nền kinh tế và cả hệ thống chính trị khi theo đuổi Brexit. EU đã có quá nhiều năm để trang bị cho eurozone 2 yếu tố cần thiết nhất của một khu vực đồng tiền chung – ngân sách chung để phòng chống khủng hoảng và 1 ngân hàng chung – nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành cả 2 điều này. Ở nhiều nơi trên thế giới, các chính phủ không chịu thực hiện các cuộc cải cách mà sẽ giúp cho nền kinh tế của họ khỏe mạnh hơn và năng suất hơn. Những xung đột chính trị càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.
Tất cả những vấn đề nêu trên đều có thể giải quyết được, thậm chí một số còn có thể được giải quyết nhanh chóng. Ví dụ, những nguy cơ gây ra bởi các cuộc chiến tranh thương mại sẽ biến mất nếu như ông Trump hoàn toàn tránh gây ra các xung đột. Những vấn đề còn lại phức tạp hơn nhiều. Để giảm độ mong manh của hệ thống tài chính thì cần phải có những quy tắc chặt chẽ hơn, và phải nhận thức rõ những rủi ro xuất phát từ một hệ thống không ngừng vận động biến đổi. Để điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả trong thế giới lãi suất siêu thấp thì cần phải có những suy nghĩ mới mẻ cả về tài khóa và tiền tệ.
Chúng ta không có nhiều thời gian. Kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn nguy hiểm và cần đến sự dẫn dắt hiệu quả hơn, thông minh hơn. Nếu không, rủi ro vẫn luôn trực chờ ở đó và có thể ập đến bất cứ lúc nào.