Không “hứa” thời gian vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc lắp đặt thiết bị đường sắt Cát Linh-Hà Đông cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý.
- 19-01-2020Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bao giờ vận hành thương mại?
- 16-01-2020Vỉa hè, sân nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thành chợ hoa Tết
- 06-01-2020Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại lỡ hẹn: 13 đoàn tàu chưa được kiểm định an toàn
- 21-12-2019Đang nghiệm thu từng phần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Trong báo cáo gửi tới kỳ họp 9, Quốc hội khó XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết có rất nhiều lý do khiến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cùng nhiều dự án khác chậm tiến độ, và lần này dịch bệnh Covid-19 lại là lý do khiến dự án này chậm càng thêm chậm.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn gấp 3 lần, chậm tiến độ rất nhiều lần và vẫn chưa hẹn ngày khai thác.
Không đưa ra lời hứa cụ thể như trước đây, lần này, Tư lệnh ngành Giao thông chỉ báo cáo “đang chỉ đạo” xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác “trong thời gian sớm nhất” khi đủ điều kiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, công tác vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống vẫn đang được thực hiện, đồng thời khắc phục một số tồn tại để đảm bảo yêu cầu.
Một trong những lý do mới phát sinh tác động đến dự án được Bộ trưởng GTVT nêu ra là tình hình dịch bệnh Covid-19. Đại dịch toàn cầu này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.
Đến nay, các nhân sự tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án. Bộ đã có văn bản gửi các Bộ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn, tránh lây lan dịch bệnh.
Liên quan đến lĩnh vực giao thông, cử tri Hà Nội một lần nữa nhắc đến dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông và đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.
Đây cũng là hai dự án bị đội vốn khủng và liên tục lùi thời gian hoàn thành, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước.
Tư lệnh ngành GTVT cho biết "đang chỉ đạo” xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông“trong thời gian sớm nhất” khi đủ điều kiện. |
Trước tình hình trên, cử tri nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể và cho nhà thầu.
Vào thời điểm này năm ngoái, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cam kết sẽ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019. Sau nhiều lần lỗi hẹn, dự án này vẫn chưa thể đưa vào vận hành chính thức, mặc dù nó đã được hoàn thành tới 99%.
Trong báo cáo gửi Quốc hội vào năm ngoái, Bộ GTVT cho hay, hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Dự án đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.
Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.
Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chuẩn bị khai mạc, Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị chậm tiến độ do 6 nguyên nhân chủ quan và 4 nguyên nhân khách quan.
Trong đó, do thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật; do công tác GPMB tại trung tâm thành phố Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ của Dự án và do yếu tố khác biệt về quy định giữa 2 quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện./.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc.
Ðường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông dài 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017.
Dự án khởi công tháng 10/2011, ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích, Bộ GTVT vẫn nói “phấn đấu” hoàn thành trong năm 2019.
Đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích và đã 8 lần lỡ hẹn từ chạy thử đến khai thác thương mại các đoàn tàu với người dân Thủ đô.
VOV