Không lấy 3 triệu liều Sinovac, từ chối cả AstraZeneca, không thèm đáp lời Nga: Triều Tiên ẩn ý gì?
CHDCND Triều Tiên đến nay đã từ chối đề nghị cung cấp vaccine và viện trợ phòng chống dịch Covid-19 từ nhiều quốc gia, tổ chức.
- 14-07-2021Trong lần hiếm hoi, Triều Tiên thừa nhận đang đối mặt tình trạng thiếu đói tồi tệ nhất thập kỷ
- 30-06-2021Triều Tiên nói về sự cố nghiêm trọng trong phòng chống dịch Covid-19
- 28-06-2021Lý giải lần hiếm hoi truyền thông Triều Tiên nói về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong Un
Thông báo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nói rằng Triều Tiên từ chối nhận 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc), được phân bổ theo cơ chế Covax dành cho các nước có thu nhập thấp.
Lý do Bình Nhưỡng đưa ra là nguồn cung vaccine toàn cầu đang hạn chế và nước này muốn "nhường" vaccine cho những quốc gia khác đang bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề hơn. Triều Tiên chưa báo cáo ca mắc Covid-19 nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát trên thế giới vào năm ngoái.
Theo UNICEF, Bộ Y tế Triều Tiên cho biết sẽ tiếp tục trao đổi với cơ chế Covax về việc tiếp nhận các đợt vaccine tiếp theo "trong những tháng tới".
Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng từ chối các đề nghị cung cấp vaccine. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ tổ chức nghiên cứu có liên hệ với cơ quan tình báo Hàn Quốc tiết lộ hồi tháng 7 rằng Triều Tiên đã từ chối đề nghị cung cấp vaccine AstraZeneca.
Cùng tháng 7, Bộ Ngoại giao Nga cho hay Moskva đã đề nghị hết lần này đến lần khác với Triều Tiên về việc cung cấp vaccine do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa tỏ bất cứ thái độ nào cho thấy sẽ đón nhận sự trợ giúp này.
Trước đó, Nga từng cảnh báo Triều Tiên rằng "không phải ai cũng có thể chống chọi được với các biện pháp hạn chế mạnh mẽ và rộng rãi chưa từng thấy" mà nước này đang áp dụng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/7 xác nhận Moskva đã nhiều lần đưa ra đề nghị cung cấp vaccine cho Triều Tiên.
Triều Tiên thực thi biện pháp phong tỏa biên giới từ tháng 1/2020.
Kee Park, giảng viên tại Trường Y Harvard, người từng tham gia các sứ mệnh nhân đạo tại Triều Tiên, tin rằng Bình Nhưỡng muốn gửi đi thông điệp rằng biện pháp cách ly mà nước này tự áp đặt đang bảo vệ đất nước an toàn.
"Lòng tin của họ với các biện pháp y tế công cộng cũng cho phép họ tiếp cận một cách kiên nhẫn hơn, để xem có bất kỳ vấn đề gì nổi lên với các loại vaccine mới khi họ tiến hành tiêm chủng hay không," ông Park nói.
"[Triều Tiên] đã lên tiếng về sự bất bình bằng vaccine trước Đại hội đồng y tế thế giới (WHA) vào mấy tháng trước. Cử chỉ này của họ (từ chối vaccine) nhất quán với mối lo ngại rằng các nước nghèo có dịch bệnh bùng phát đáng kể cần được cung cấp vaccine trước."
Nhân viên y tế xịt nước khử khuẩn cho mọi người ở cửa ngõ thành phố Pyongsong, tỉnh Pyongan Nam, Triều Tiên (Ảnh: AP)
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ngày 2/9 yêu cầu giới chức nước này củng cố các biện pháp cống dịch theo "cách thức của chúng ta" - hãng tin nhà nước KCNA cho biết.
Trong các phát biểu thời gian qua, ông Kim xác nhận những khó khăn mà Triều Tiên phải đối mặt khi thực thi nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch, bao gồm tình hình lương thực "căng thẳng" trong nước.
SCMP dẫn số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại giữa Triều Tiên với Trung Quốc - được cho là chiếm đến 90% quy mô thương mại của quốc gia bán đảo - rơi xuống mức thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang nước láng giềng này giảm hơn 85%, xuống 56.77 triệu USD, trong khi nhập khẩu giảm 67% xuống 8.96 triệu USD.
Doanh nghiệp và tiếp thị