Không mắc Covid-19 nhưng bố tôi suýt mất mạng vì nó: Đau yếu, kiệt sức nhưng không thể tới bệnh viện bởi ai cũng nghĩ đó là lựa chọn nguy hiểm nhất
Những tin đồn, tin giả về Covid-19 có thể khiến tâm trí chúng ta rối bời, đưa ra quyết định sai lầm, đẩy người thân yêu vào tình trạng nguy hiểm vì không được điều trị kịp thời.
- 13-04-2020Những con số "biết nói" về tinh thần đồng lòng chống dịch Covid-19 của người dân Việt Nam
- 12-04-2020Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách thế giới vận hành, muốn không bị vòng xoáy "nghiền nát" bạn buộc phải lựa chọn
- 12-04-2020Doanh thu tăng ấn tượng nhưng nhân viên của Amazon luôn thấp thỏm với nỗi lo mưu sinh giữa mùa dịch: Liều mình đi làm hoặc cay đắng chấp nhận nguy cơ mất việc
“Chúng tôi đã lo lắng về những nguy cơ lây nhiễm virus tại bệnh viện và tin vào những lời đồn đoán để rồi khiến bố tôi ở trong tình trạng nguy hiểm. Chúng tôi chỉ muốn điều tốt nhất cho ông thế nhưng lại suýt khiến ông mất mạng”.
Bài viết là nỗi day dứt của Ronen Bergman, một phóng viên người Israel khi chứng kiến người cha 85 tuổi suýt mất mạng vì đã không đưa ông tới phòng cấp cứu sớm hơn:
Đó là vào nửa đêm ngày 24 tháng 3, tại Bệnh viện Rambam - bệnh viện lớn nhất ở thị trấn Haifa phía bắc Israel. Tôi đã chứng kiến người cha 85 tuổi của mình nằm bất tỉnh trong phòng cấp cứu. Cha tôi đã sốt rất cao, các xét nghiệm máu cho thấy số lượng tế bào bạch cầu của ông ấy vượt ngưỡng cho phép và bị nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ và y tá đang cố gắng tìm ra nguyên nhân vấn đề của ông và giải pháp để ổn định tình hình.
Bác sĩ đã hỏi rằng tại sao chúng tôi không đưa ông ấy vào bệnh viện sớm hơn, như ngụ ý rằng chúng tôi đã không đủ quan tâm tới một người già không thể tự chăm sóc bản thân. Tôi đã không thể trả lời.
Nhìn vào đối mắt nhắm nghiền của bố tôi trên giường bệnh, lắng nghe tiếng bíp từ màn hình, tôi tự hỏi tại sao chúng tôi lại đưa ông ấy đến bệnh viện muộn như vậy. Sự chậm trễ đã khiến chúng tôi suýt nữa đã phải trả giá bằng mạng sống của bố.
Bố mẹ tôi là những người Do Thái. Họ nuôi nấng chị em chúng tôi theo một nguyên tắc tuyệt vời đó là không bao giờ đầu hàng số phận. Mẹ tôi bị ung thư khi tôi còn là một đứa bé. Bà mất khi tôi 20 tuổi. Sau đó gia đình tôi chịu thêm một cú sốc khi bố tôi được chuẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến vào 11 năm trước và một năm sau đó ông mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer.
Kể từ đó, chị em chúng tôi luôn ở bên chăm sóc ông. Chúng tôi đã tìm những bác sĩ, nhà vật lý trị liệu giỏi nhất. Mặc dù chúng tôi biết rằng không một ai hay không một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh cho ông, thế nhưng những việc chúng tôi làm chỉ với mong muốn duy nhất rằng sức khỏe của cha tôi có thể duy trì được lâu hơn.
Ban đầu cha tôi đã từ chối việc chữa trị vì không muốn làm phiền con cái. Bất cứ khi nào các nhà vật lý trị liệu tới, ông ấy từ chối hợp tác và nói rằng ông ấy đang rất khỏe. Tôi đã phải thuyết phục cha tôi bằng cách đe dọa rằng tôi sẽ từ bỏ mọi công việc và tới chỗ ông.
Cuối cùng ông ấy cũng chấp nhận trị liệu. Nhờ đó tình trạng của bố tôi đã có những tiến triển. Ông ấy đã bước sang tuổi 85 vào đầu tháng trước. Mặc dù sức khỏe của ông ấy đã yếu đi thế nhưng đối với một người già mắc nhiều bệnh thì tình trạng của bố tôi vẫn đang khá ổn. Cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát.
Các hướng dẫn nghiêm ngặt đã được ban hành, cùng với các cảnh báo nhằm bảo vệ người già - những người dễ bị nhiễm virus nhất. Các cơ quan chức năng khuyến cáo những người cao tuổi không được ra ngoài và gặp gỡ nhiều người. Gia đình tôi đã tranh luận rất nhiều xung quanh việc làm thế nào để bảo vệ bố khỏi nhiễm bệnh. Hầu hết chúng tôi đều nghĩ rằng bố tôi nên cách ly hoàn toàn tại nhà. Chúng tôi quyết định dừng các buổi vật lý trị liệu của bố với bác sĩ. Chúng tôi cũng nghĩ rằng mình không nên tới thăm bố để tối thiểu nguy cơ lây nhiễm virus cho ông.
Sau ba tuần cách ly, tôi thuyết phục gia đình cho phép tôi tới thăm bố. Tôi đã nhận ra rằng có điều gì đó sai một cách nghiêm trọng. Bố tôi đang yếu đi rất nhiều. Tôi đã không biết phải làm gì. Liệu có nên gọi bác sĩ tới kiểm tra? Sẽ như thế nào nếu bố tôi bị nhiễm virus từ các nhân viên y tế?
Cuối cùng tôi đã nhấc máy gọi bác sĩ. Bác sĩ khuyên tôi phải đưa ông tới phòng cấp cứu ngay lập tức. Các thành viên trong gia đình tôi thì không muốn đưa ông tới bệnh viện bởi những tin đồn rằng các bệnh viện đang quá tải, nhân viên y tế thì kiệt sức, không có đủ máy thở, và họ sẽ không quan tâm hay ưu tiên chữa trị cho một người già 85 tuổi. Thêm vào đó, chúng tôi cũng sợ rằng bố có thể bị lây nhiễm virus từ ai đó ở bệnh viện.
Vài giờ sau đó, tình trạng của bố tôi tệ đi rất nhiều. Buổi sáng sau đó ông vẫn có thể trả lời chúng tôi với giọng yếu ớt thế nhưng vào 4 giờ chiều ông ấy hầu như không mở mắt, cho tới 6 giờ thì hoàn toàn mất nhận thức. Nhiệt độ cơ thể của ông ấy tăng nhanh. Tôi đã cố lục tìm những hiểu biết về y học của tôi để lý giải tình trạng hiện tại của ông chỉ là tạm thời, rằng ông đã trải qua một ngày dài nên cơ thể mệt mỏi, hay đó là những chuyển biến xấu của căn bệnh ung thư hoặc Alzheimer. Tôi đã đấu tranh với những suy nghĩ nên đưa bố tới phòng cấp cứu hay tiếp tục quan sát tại nhà.
Cuối cùng tôi quyết định đưa ông tới một phòng khám gần nhà. Bác sĩ ở phòng khám nhìn tôi và nói rằng: “Tôi không biết tại sao anh lại tới đây. Anh cần phải đưa ông ấy tới phòng cấp cứu khẩn cấp”. Tôi đã lái xe như một kẻ điên tới bệnh viện Rambam. Những lời đồn đoán về bệnh viện là vô căn cứ. Các khu cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 được cách ly riêng, hoàn toàn đảm bảo sức khỏe cho các bệnh nhân khác trong khi đó, các bác sỹ và y tá luôn túc trực đầy đủ. Bố tôi đã được tiếp nhận điều trị ngay lập tức.
May mắn rằng chúng tôi đã đưa bố tới phòng cấp cứu kịp thời. Chúng tôi đã đến bệnh viện vào những giây phút cuối cùng khi còn có thể chữa trị. Bố tôi bị viêm đường tiết niệu nặng và nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy giảm sức khỏe trầm trọng. Bốn ngày sau đó, bố tôi khỏi bệnh và được xuất viện.
Chúng tôi đã lo lắng về những nguy cơ lây nhiễm virus tại bệnh viện và tin vào những lời đồn đoán thất thiệt để rồi khiến bố tôi ở trong tình trạng nguy hiểm. Chúng tôi chỉ muốn điều tốt nhất cho ông thế nhưng lại suýt khiến ông mất mạng. Tôi không phải là bác sĩ. Tôi không thể đưa ra các lời khuyên về sức khỏe. Thế nhưng tôi lo lắng về một mối đe dọa khác từ những tin đồn. Đó là những lời đồn thất thiệt khiến tâm trí chúng ta rối bời và có thể sẽ khiến người thân yêu rơi vào tình trạng nguy hiểm vì không được điều trị kịp thời.
Theo NYTimes
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19