MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không nên quá bức xúc về tăng trưởng, 6% là được, 6,3-6,5% là rất tốt"

Mục tiêu 6,7% tăng trưởng GDP trong năm nay đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý kinh tế vĩ mô.

Cũng bởi vậy mà trong cuộc họp điều hành Chính phủ với các bộ ngành, địa phương diễn ra vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trước tình hình diễn biến khá phức tạp của thế giới, trong nước lại có nhiều yếu tố không thuận lợi, tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhiều chuyên gia cho rằng: "Không nên quá bức xúc về tăng trưởng, 6% là được, 6,3-6,5% là rất tốt".

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, chưa bao giờ gặp thách thức lớn đến như vậy khi 6 tháng đầu năm, tăng trưởng mới chỉ đạt 5,52%, giảm so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ nông nghiệp chịu thiệt hại gần 17.000 nghìn tỷ đồng do tác động của thiên tai, mà nhiều ngành chủ lực khác cũng bị tác động, khiến cho bức tranh kinh tế chung thiếu đi nhiều điểm sáng.

Khó đạt mục tiêu?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng với mức tăng GDP trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm khó mà đạt được. Phân tích về điều này, ông Thành cho biết, phía tổng cung, sản xuất công nghiệp chế biến vẫn tăng trưởng cao, song suy giảm nằm ở nông nghiệp và khai thác dầu khí.

Trong khi đó, ở phía tổng cầu, tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng dân cư đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhập khẩu ròng cũng thu hẹp. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng thay vì mở rộng chính sách tài khóa/tiền tệ để kích thích tăng trưởng, mục tiêu tăng trưởng nên được Chính phủ và Quốc hội mới điều chỉnh giảm xuống.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cũng đưa ra nhận định trong “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016" rằng tăng trưởng 6,7% trong năm nay khó đạt được. Theo đó, hai kịch bản được đưa ra là 6% cho kịch bản thấp và dưới 6,5% trong trường hợp có nhiều yếu tố thuận lợi.

Theo phân tích của chuyên gia này, trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ mới, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư (cả trong khu vực tư nhân lẫn nước ngoài) thì tăng trưởng mới có thể đạt trên 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội.

Trở lại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, câu chuyện tăng trưởng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các thành viên Chính phủ khi mà trải qua 6 tháng đầu năm, nhiều diễn biến không thuận lợi đang đe dọa mục tiêu.

Nỗ lực cứu tăng trưởng

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: "Để đạt được tốc độ tăng trưởng, dự kiến giữ nguyên 6,7% thì 6 tháng cuối năm ta phải đạt được là 7,57%. Đây là vấn đề rất là khó, đòi hỏi phải có nỗ lực hết sức cao và giải pháp đồng bộ, cụ thể, điều hành quyết liệt".

Trong đó, những ngành được xem là trọng tâm, cần phải lấy lại đà phục hồi để thúc đẩy tăng trưởng là nông nghiệp, xuất khẩu và công nghiệp khai khoáng. Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cái hạn của nông nghiệp đã qua, khi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã giảm và sự cố môi trường đã từng bước được làm rõ. Thị trường cũng có khởi sắc hơn, nên ông Phát tin rằng ngành sẽ có được sự tăng trưởng tốt hơn trong những tháng còn lại.

Trong khi đó, với thương mại xuất khẩu và nội địa, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, thì cho rằng nếu không quyết liệt khai thác tốt thị trường mới cũng như thị trường truyền thống, xuất khẩu nhiều khả năng không đạt mục tiêu 10% mà chỉ cán mốc 8%. Do đó, việc tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu tại thị trường nước ngoài là vấn đề được đặt ra hàng đầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần theo dõi sát diễn biến giá dầu, khi hiện nay giá đang tăng lên việc đẩy mạnh khai thác thêm là vấn đề được tính tới. Đồng thời, cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng của nhiều ngành có dư địa tăng trưởng, nhưng chưa được khai thác đúng mức như giao thông, điện, gas... tận dụng giá dầu thế giới đang rẻ.

Đặc biệt, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu các thị trường, tập trung vào khai thác thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN, cần khai thác tốt thương mại nội địa, khi hiện nay mức tăng trưởng không bằng cùng kỳ năm ngoái, trong khi dư địa thị trường còn rất nhiều, đi kèm đẩy mạnh thị trường biên mậu.

Trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu GDP mà Quôc hội đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tập trung mọi giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung chú ý đến đẩy nhanh vốn giải ngân cho các hoạt động đầu tư công, không để tình trạng có vốn mà không được đưa vào sử dụng. Đồng thời, các bộ ngành và các cấp thực hiện nghiêm và tích cực chỉ đạo theo Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 để thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên