MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không như Elon Musk cảnh báo, đây là 5 mối đại họa với loài người đáng sợ hơn nhiều so với trí tuệ nhân tạo

26-07-2017 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo vị tỷ phú nổi tiếng ngông cuồng, trí thông minh nhân tạo (AI) là mối đe dọa lớn nhất với văn minh nhân loại. Tuy nhiên, có nhiều mối nguy còn hiện hữu hơn thế.

Tuần trước, nhà sáng lập Tesla và SpaceX Elon Musk cho rằng trí thông minh nhân tạo là nguy cơ lớn nhất mà nền văn minh của nhân loại phải đối mặt. Tuy AI đang gây ra những phiền toái cho con người, chẳng hạn như robot thay thế công nhân trong các nhà máy, nhưng nó có thể giúp nhân loại tiến được những bước vượt trội. Xét cho cùng, nó cũng chỉ là một trong hàng loạt mối đại họa mà loài người đang phải đối mặt.

Biến đổi khí hậu

Nhiều năm gần đây, thế giới ngày càng thấy rõ những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, có thể tác động lên sự sống con người nêu không muốn nói là nguy cơ với nền văn minh nhân loại. Nếu không có những biện pháp hợp lý, loài người sẽ biến mất trước khi chúng ta tìm thấy một nơi mới để định cư.

Nguy cơ dễ nhìn thấy từ biến đổi khí hậu chính là hiện tượng nóng lên toàn cầu, đe dọa làm tan băng ở 2 cực trái đất, dẫn tới nước biển dâng. Thời tiết cực đoan hơn cũng khiến môi trường sống của con người ngày càng thu hẹp, năng suất nông nghiệp giảm và tình trạng thiếu nước ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới, đã quyết định quay lưng với Hiệp định Paris, thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Sự ra đi của Mỹ để lại lỗ hổng lớn và khiến nhiều nhà khoa học bày tỏ quan ngại về nguy cơ trái đất nóng lên khi Mỹ tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thiên thạch

Là nhà sáng lập SpaceX, có lẽ Elon Musk cũng hiểu những mối đe dọa từ thiên thạch. Dù công nghệ vô cùng phát triển nhưng ở thời điểm hiện tại, con người chưa thể làm gì để chuyển hướng một thiên thạch đang lao về phía trái đất. Chúng ta vẫn chỉ có thể đứng nhìn, giống như những gì loài khủng long từng đối mặt hàng triệu năm trước.

Hiện tại, loài người đã sở hữu công nghệ biết trước hướng đi của những thiên thạch lớn. Trong tương lai không xa, những công cụ làm thay đổi hướng đi của thiên thạch có thể sẽ ra đời. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ dự án đang được nghiên cứu, phát triển.

Chiến tranh hạt nhân

Kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, chiến tranh hạt nhân đã trở thành một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất với sự tồn tại của loài người. Song hành cùng tiến bộ khoa học, công nghệ, vũ khí hạt nhân ngày nay sở hữu sức công phá lớn. Bất chấp các thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ, lượng vũ khí còn lại trong kho chứa vẫn đủ hủy diệt trái đất nhiều lần.

Trong trường hợp chỉ một vài vũ khí hạt nhân được sử dụng, nó vẫn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng với cả thế giới, chẳng hạn như bụi phóng xạ trong khí quyển gây mùa đông hạt nhân làm thay đổi khí hậu, gián tiếp làm chết hàng triệu người.

Mối nguy hạt nhân đang lớn hơn bao giờ hết bởi Triều Tiên, quốc gia bị cả thế giới cô lập, đang ngày càng tiến gần hơn với công nghệ chế tạo loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này và đe dọa sẵn sàng sử dụng nó.

Dịch bệnh

Theo một báo cáo năm 2016, sự bùng phát các loại bệnh truyền nhiễm trong tương lai có thể là nguy cơ lớn với loài người và kinh tế toàn cầu. Trong vài thập kỷ qua, nhân loại phải chứng kiến hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như H1N1, MERS, SARS hay Ebola. Bài học từ quá khứ cho thấy dịch bệnh lan truyền bất chấp biên giới ngăn cách giữa các quốc gia.

Để đối phó với tình trạng này, thế giới cần sự đồng nhất về cơ sở hạ tầng ở các quốc gia. Tuy nhiên, chênh lệnh giàu nghèo giữa các nước làm giảm khả năng phòng ngừa bệnh tật của loài người. Chỉ khi dịch bệnh nguy hiểm thực sự xảy ra, cả thế giới mới bắt đầu phản ứng. Rất may, tới thời điểm hiện tại, loài người chưa phải trả giá đắt cho sự thụ động này.

Bất bình đẳng và áp bức

Ngoài những nguyên nhân khách quan, mối đe dọa với sự tồn tại của con người còn bắt nguồn từ chính chúng ta. Người da màu thiệt mạng vì phân biệt chủng tộc, phụ nữ đối mặt với quấy rối, bạo lực và kỳ thị giới tính hay những cuộc chiến tranh đẫm máu vì tôn giáo, lợi ích và khác biệt về tư tưởng đẩy loài người tới sự chia rẽ nghiêm trọng.

Thế giới vẫn đang loay hoay trong cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Xung đột vũ trang, tôn giáo hay khủng bố cuốn cản thế giới vào vòng xoáy bạo lực. Châu Âu cũng lao đao vì những người tị nạn chạy trốn bạo lực, đói nghèo ở Trung Đông và châu Phi.

Trong nội tại các quốc gia, bất bình đẳng cũng đang ngày một trở nên nghiêm trọng. Nước Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, cũng không tránh khỏi thực tế này. Nó tiềm ẩn nguy cơ thổi bùng cuộc khủng hoảng, đủ khả năng đảo lộn nền dân chủ ở quốc gia này.

Có lẽ con người cần xử lý những mối đe dọa này trước khi lo lắng tới AI.

Linh Anh

Mashable

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên