MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Apple, đáng lẽ đây mới là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, dự định thực hiện vụ IPO "lớn nhất trong lịch sử nhân loại"

15-09-2019 - 15:18 PM | Tài chính quốc tế

Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia sở hữu 20% lượng dự trữ xăng dầu của thế giới, có sản lượng khai thác lớn hơn cả tổng sản lượng của 4 công ty dầu mỏ niêm yết lớn nhất thế giới.

Công ty giá trị nhất thế giới có lẽ không phải là Apple. Vương miện đó nên thuộc về Aramco, hay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Saudi Arabian Oil Co. Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia sở hữu 20% lượng dự trữ xăng dầu của thế giới, có sản lượng khai thác lớn hơn cả tổng sản lượng của 4 công ty dầu mỏ niêm yết lớn nhất thế giới.

Thái tử Mohammed bin Salman, người đứng sau kế hoạch cải tổ kinh tế đầy tham vọng của Saudi Arabia, cho rằng tập đoàn này trị giá hơn 2.000 tỷ USD, gần gấp đôi giá trị vốn hóa của Apple.

Năm 2018, Aramco gây sốt với kế hoạch lên sàn bằng 1 vụ IPO khổng lồ nhưng cuối cùng đã bị hoãn lại. Sự kiện làm dấy lên đồn đoán rằng Aramco sẽ mãi mãi không thể lên sàn. Nhưng Thái tử Mohammed vẫn một mực khẳng định vụ IPO lớn nhất "trong lịch sử loài người" chắc chắn sẽ diễn ra.

Được thông báo năm 2016, kế hoạch ban đầu của vương quốc là sẽ bán ra khoảng 5% cổ phần của Armaco trên sàn chứng khoán Saudi và 1-2 sàn chứng khoán khác ở nước ngoài hoặc chỉ ở trong nước. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch đã bị hoãn lại đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 để Aramco có thêm thời gian tìm nguồn vốn tài trợ và hoàn thành việc

Các nhà đầu tư toàn cầu cũng khá quan tâm đến vụ IPO này, với một số ngân hàng định giá 5% cổ phần của Aramco có giá trị từ 50 đến 75 tỷ USD - thấp hơn đáng kể so với con số hơn 100 tỷ USD mà Thái tử đưa ra. Tuy nhiên, mức định giá thấp nhất cũng sẽ nuốt chửng vụ IPO lớn nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại là của Alibaba trị giá 25 tỷ USD.

Mục đích của việc IPO là để cải tổ nền kinh tế Saudi Arabia theo hướng không còn phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ hậu hydrocardbon.

Vụ nhà báo Jamal Khashoggi của Saudi bị sát hại tháng 11 năm ngoái đã từng đe dọa sẽ làm trật bánh tham vọng cải cách kinh tế xã hội của Thái từ và khiến các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy. Tuy nhiên đến nay thì các nhà đầu tư đã trở lại và tháng trước Aramco cho biết đã tuyển chọn 2 ngân hàng đầu tư làm cố vấn trong lần thứ 2 cố gắng IPO.

Những nhà thăm dò của Standard Oil, đế chế dầu mỏ cai quản bởi gia tộc Rockefeller, là những người đầu tiên phát hiện ra dầu mỏ ở Saudi Arabia vào năm 1938. Sau đó liên doanh Arabian American Oil ra đời và thăm dò ở vùng Ghawar, nơi hiện nay vẫn là mỏ dầu trên đất liền lớn nhất thế giới.

Năm 1980, chính phủ Saudi loại bỏ những cổ đông ban đầu (tất cả những người này sau đó đều trở thành những nhà sáng lập của Exxon Mobil và Chevron) và đổi tên công ty.

Aramco chính là động lực chính tạo ra thịnh vượng của Saudi Arabia trong suốt mấy thập kỷ vừa qua. Tập đoàn đóng góp gần 90% tổng thu nhập của chính phủ và xây dựng các nhà máy lọc dầu, hóa dầu cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác tạo nên xương sống của nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới. Saudi Arabia còn là lãnh đạo không chính thức của OPEC suốt từ khi tổ chức này ra đời năm 1960.

Mọi quyết định tăng hay giảm sản lượng của Aramco đều ảnh hưởng rất lớn giá dầu. Hiện cứ 9 thùng dầu thô được sản xuất ra trên thế giới thì có 1 thùng đến từ Saudi và thùng dầu này có thể được tinh chế với mức chi phí chỉ bằng 1/3 so với Mỹ. Saudi Arabia luôn cố gắng giữ giá ở mức thấp để duy trì thị phần trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Thái tử Mohammed muốn vụ IPO của Aramco trở thành trụ cột của kế hoạch cải cách kinh tế lớn nhất mà Saudi Arabia thực hiện kể từ khi lập quốc năm 1932. Tuy nhiên, niêm yết trên những sàn lớn như New York hay London cũng đồng nghĩa Aramco phải công khai rất nhiều thứ. Đó sẽ là một bước nhảy vọt cho một quốc gia khá kín như Saudi Arabia. Tuy nhiên cho đến nay Aramco đã có những bước đi đầu tư để công khai hoạt động của mình bằng cách công bố hạn chế một vài con số về kết quả kinh doanh.

Vụ IPO của Aramco cũng tạo ra nhiều câu hỏi về khả năng bảo vệ vai trò của mình trên thị trường dầu mỏ thế giới cũng như tầm ảnh hưởng của hoàng gia. Bên cạnh đó còn là khả năng chính phủ Saudi phải tăng thuế đánh vào Aramco để có thể tài trợ cho các chi tiêu quân sự và xã hội. Xu hướng nhà đầu tư rời khỏi những ngành tạo ra nhiều carbon như dầu mỏ cũng tạo nên nỗi hoài nghi về nhu cầu đối với cổ phiếu Aramco cũng như đà tăng giảm của cổ phiếu này sau khi đã lên sàn.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên