Không phải căng băng rôn, đây mới là phương án tốt nhất để giúp cư dân đòi lại quyền lợi
Nhiều chuyên gia khuyến cáo việc căng băng rôn có thể mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Do đó, khi không thể đối thoại với chủ đầu tư thì cư dân nên nhờ đến luật sư, tìm đến chính quyền để đòi quyền lợi.
Căng băng rôn chỉ là phương án giải tỏa bức xúc
Khi tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư lên đến đỉnh điểm nhưng không thể giải quyết, chúng ta thường thấy xuất hiện cảnh tượng các dải băng rôn màu đỏ được treo kín các tòa nhà cao tầng. Thậm chí, nhiều người còn dán kín các xe ô tô và treo dọc các tuyến phố để gây áp lực buộc chủ đầu tư phải ngồi xuống đàm phán. Điều đó cho thấy bức xúc của người dân đã dồn nén quá lâu, việc họ tìm ra một phương án giải tỏa là hợp lý.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tại các chung cư như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bất đồng về đóng góp kinh phí quản lý vận hành, xác định quản lý chung riêng, thu - chi tài chính của ban quản lý, không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chất lượng công trình có vấn đề, chủ đầu tư không xây dựng công trình hạ tầng trong khu vực dự án theo quyết định được duyệt…
Con theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nguyên nhân dẫn tới tranh chấp chung cư là một số quy định pháp luật chưa đầy đủ về thời điểm nộp kinh phí bảo trì, quy định chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, quy định về hành vi vi phạm, chế tài chưa kịp thời, chưa có quy định về kinh phí bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính. Một số người mua nhà không xem xét kỹ hợp đồng, trong đó chủ đầu tư đưa ra các điều khoản có lợi cho mình.
Từ những bất đồng trên mà hiện nay số lượng chung cư có tranh chấp chiếm khá nhiều trong tổng số chung cư hiện có trên địa bàn Tp.HCM. Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, trong 935 chung cư cao tầng trên địa bàn, thì có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, rất phức tạp.
Tuy nhiên, liệu việc căng băng rôn có phải là phương án tốt nhất để giúp cư dân đòi lại quyền lợi chính đáng hay không. Bởi lẽ, khi căng băng rôn sẽ dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực của những thành phần quá khích, việc treo băng rôn trên các tòa nhà cao tầng cũng gây nguy hiểm cho người đi đường. Mặt khác, thực tế cho thấy hầu hết cư dân mất thời gian nhiều cho việc căng băng rôn nhưng chủ đầu tư vẫn “án binh bất động”.
Nếu không căng băng rôn thì cư dân phải làm gì?
Nhiều chuyên gia khuyến cáo việc căng băng rôn có thể mang đến những hệ lụy tiêu cực. Thậm chí, khi quyền lợi còn chưa đòi được nhưng nhiều người đã phải vướng vòng lao lý do không kiểm soát được hành vi. Do đó, khi xảy ra mâu thuẫn với chủ đầu tư thì cư dân cần bình tĩnh họp bàn để tìm ra phương án tốt nhất. Việc căng băng rôn chỉ giúp giải tỏa bức xúc, hành động trên đôi khi khiến chủ đầu tư hoang mang và tìm cách “đánh bài chuồn”.
Bàn về giải pháp khi có tranh chấp, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM khuyên cư dân nên tìm đến chính quyền là phương án đầu tiên.
“Cư cân thì thường xử lý bằng cách gây áp lực với chủ đầu tư là cách giải quyết không phù hợp. Tôi cho rằng, cứ khởi kiện ra toà vì mình kêu gọi căng băng rôn, thì chủ đầu tư có ở đây đâu và đến lượt mình họ cũng xử sự như vậy. Quan điểm tôi cho rằng, cơ chế có nhưng cần nhận thức rõ hành vi để khi xảy ra có hành xử phù hợp”, Luật sư Trần Đức Phượng mách nước.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam lại khá gay gắt khi nêu quan điểm về vấn đề này. Theo ông Hà, việc cư dân căng băng rôn không đúng chỗ là hết sức nguy hiểm nền cần tiết chế, thậm chí cần phải có chế tài cho những trường hợp quá khích.
“Cứ hễ có tranh chấp là cư dân lôi băng rôn treo đầy trên các tòa nhà, cửa sổ, điều này vừa gây nguy hiểm tính mạng bản thân vừa ảnh hưởng người đi đường. Treo như thế cửa sổ rơi xuống đầu người khác thì làm thế nào. Chưa kể đến việc cư dân dàn hàng ngang, đứng dọc lề đường gây cản trở giao thông, khổ người khác chứ nào có giải quyết được gì.
Tranh chấp, đòi quyền lợi những phải đúng chỗ quy định. Tòa án, Nhà nước, Luật pháp đều đã có quy định rõ ràng về các sai phạm của chủ đầu tư. Việc của cư dân là tìm đến chính quyền chứ không phải đứng ra giữa đường căng băng rôn khắp nơi như thế”, ông Ngyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Luật sư Lương Ngọc Đinh – Giám đốc Công ty Luật Thịnh Việt Trí cũng nhận định việc cư dân căng bang rôn là hành động thể hiện sự bức xúc chính đáng. Tuy nhiên, việc làm trên chỉ mang ý nghĩa tạm thời, không có giá trị về mặt pháp luật. Nếu muốn đòi quyền lợi, việc trước tiên là cư dân phải tập hợp hồ sơ, có văn bản gửi lên chính quyền và vạch được lỗi sai của chủ đầu tư chứ không chỉ nói suông.