MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải dầu thô, đây mới là mặt hàng giá rẻ của Nga đang khiến cả thế giới “thèm khát”, xuất khẩu vượt Mỹ chiếm 1/3 của thế giới

18-10-2023 - 07:24 AM | Thị trường

Nga đang trên đà chiếm lĩnh thị trường toàn cầu với sản lượng dồi dào và giá rẻ hấp dẫn.

Không phải dầu thô, đây mới là mặt hàng giá rẻ của Nga đang khiến cả thế giới “thèm khát”, xuất khẩu vượt Mỹ chiếm 1/3 của thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Nikkei Asia, giá lúa mì toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 3 năm qua do Nga đẩy mạnh xuất khẩu từ vụ mùa bội thu, giảm bớt áp lực về khủng hoảng lương thực tuy nhiên cũng dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào lúa mì của Nga.

Giá lúa mì chuẩn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đang dao động ở mức cao 5 USD/bushel. Vào cuối tháng 9, giá đã bắt đầu chạm mức đáy 5 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2020.

Giá thị trường hiện tại thấp hơn gần 60% so với mức 13 USD đạt được vào tháng 3 năm 2022, ngay sau khi Nga xảy ra xung đột tại Ukraine. Lúa mì của Nga đang thay thế lượng xuất khẩu sụt giảm từ Ukraine và mùa màng thu hoạch yếu ở Australia.

Một chuyên gia lúa mì tại một công ty thương mại lớn của Nhật Bản cho biết: “Giá tăng vọt ngay sau khi xung đột xảy ra do các thương nhân tính đến rủi ro gián đoạn nguồn cung ở mức độ tối đa có thể. Thị trường hiện đang tiến tới bình thường hóa."

Tuy nhiên rủi ro về nguồn cung vẫn chưa biến mất hoàn toàn.

Vào tháng 7, Nga đã rút khỏi một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian cho phép vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen. Chính phủ Ukraine tuần trước cho biết khoảng 300.000 tấn ngũ cốc đã bị mất kể từ tháng 7 chưa rõ nguyên nhân. Theo dữ liệu của Refinitiv, xuất khẩu lúa mì của Ukraine trong tháng 9 đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng lúa mì của Australia dự kiến giảm 38% trong năm nay do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra.

Không phải dầu thô, đây mới là mặt hàng giá rẻ của Nga đang khiến cả thế giới “thèm khát”, xuất khẩu vượt Mỹ chiếm 1/3 của thế giới - Ảnh 2.

Xuất khẩu vượt Mỹ

Bù đắp cho những trở ngại này là xuất khẩu ngày càng tăng của Nga. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) gần đây đã nâng dự báo xuất khẩu của Nga trong tháng thứ năm liên tiếp. Dự báo mới cho năm thị trường 2023-2024 là 50 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 9.

Trong khi Nga tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đang cản trở xuất khẩu nông sản của nước này thì lúa mì của nước này chiếm khoảng 24% xuất khẩu toàn cầu - tăng từ mức chỉ 16% trong năm tài chính 2021-2022 (trước thời điểm diễn ra xung đột).

Nhu cầu lúa mì trên toàn cầu tăng vọt trong 20 năm qua, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được hỗ trợ bởi sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine.

Ông Kenji Nagatomo thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết: “Nga đã đi từ nhập khẩu một lượng lớn ngũ cốc trở thành một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Những cải tiến về hiệu quả trong cả sản xuất và tiêu thụ ngũ cốc của ngành chăn nuôi đã tạo ra khả năng xuất khẩu dư thừa”.

Cho đến đầu những năm 2010, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu với khoảng 20% thị phần thế giới thì nay đã giảm xuống dưới 10%. Sự sụt giảm một phần là do đồng USD mạnh làm xói mòn khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Mỹ.

Theo USDA, giá xuất khẩu lúa mì của Nga là 232 USD/tấn tính đến ngày 9/10, rẻ hơn 20% so với giá 305 USD/tấn của Mỹ. Ông Hideki Hattori thuộc công ty xay xát Nippn của Nhật Bản cho biết: “Để vận chuyển số lượng lớn ngũ cốc, họ đang thúc đẩy xuất khẩu với giá thấp”.

Nga dự kiến năm 2023 sẽ là một vụ mùa bội thu khác, sau mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022. Nước này đang tìm cách xuất khẩu càng nhiều càng tốt để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước.

Theo Nikkei Asia

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên