Không phải Intel, Samsung hay Apple, Google, công ty nhỏ bé ít ai biết đến của Hà Lan mới là ông lớn độc quyền giữ vai trò quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu
Một công ty nhỏ bé ít ai biết đến ở Hà Lan đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghệ toàn cầu.
- 14-11-2019"Thung lũng Tử thần" - Rào cản khó vượt đối với các nhà sản xuất vật liệu chip Hàn Quốc
- 21-06-2019Bill Gates và nhiều tỷ phú khác đầu tư 9 triệu USD vào startup chip quang học, mở đường cho AI tương lai
- 07-03-2019Cuộc chiến Thung lũng Silicon: Trí tuệ nhân tạo đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua "chip" giữa Amazon và Google như thế nào?
Khi được hỏi đâu là trung tâm của nền kinh tế kỹ thuật số, câu trả lời của nhiều người sẽ là thung lũng Silicon, nơi có Apple, Google, Facebook và nhiều startup đầy hấp dẫn. Hoặc một số người sẽ chỉ sang khu vực quanh Seattle, nơi Amazon và Microsoft đặt đại bản doanh. Thậm chí một số còn cho rằng đó là Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc.
Ít ai nhắc đến vùng ngoại ô yên bình bên rìa Eindhoven, thành phố lớn thứ 5 của Hà Lan. Tuy nhiên đó là nơi đặt trụ sở của ASML – công ty duy nhất trên thế giới sản xuất loại thiết bị tiên tiết nhất đặc biệt quan trọng đối với ngành sản xuất chip hiện đại. Có thể so sánh như thế này: nếu các con chip giúp thế giới vận hành, ASML chính là đinh chốt trục xe, là yếu tố cốt tử của ngành công nghệ toàn cầu.
Một trong những công đoạn quan trọng nhất của quá trình sản xuất chip chính là việc tạo nên các đường khắc vô cùng nhỏ - chỉ bằng vài chục phần triệu bề rộng của sợi tóc người – trên bề mặt chất bán dẫn, để từ đó tạo nên các điện cực cũng như các cổng điều khiển dòng điện qua các cực đó. ASML không phải là công ty duy nhất trên thế giới hiện nay sản xuất được những cỗ máy quang khắc thực hiện công đoạn đó. Hãng phải cạnh tranh với Canon và Nikon của Nhật Bản, nhưng thị phần của công ty đã tăng gần gấp đôi kể từ 2005 đến nay, lên 62%.
Thêm vào đó chỉ riêng ASML có thể sử dụng ánh sáng tia cực tím (euv) với độ dài bước sóng chỉ là 13,5 nanomet. Bước sóng ngắn hơn sẽ cho phép gắn được các linh kiện nhỏ hơn – điều tối quan trọng đối với các nhà sản xuất chip đang cố gắng đuổi theo định luật Moore, định luật cho rằng cứ mỗi 2 năm thì số lượng linh kiện có thể được gắn vào 1 diện tích nhất định bề mặt chất bán dẫn sẽ tăng gấp đôi. 3 nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới – Intel của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan – giờ đang phụ thuộc vào công nghệ của ASML, trong khi phần còn lại của thế giới công nghệ lệ thuộc vào họ.
Năm 2019, doanh thu của ASML đã tăng trưởng 8%, lên 11,8 tỷ euro (tương đương 13,2 tỷ USD), bất chấp ngành chip bán dẫn thế giới bước vào chu kỳ suy thoái. Mặc dù các thiết bị euv chỉ chiếm 26 trên tổng số 229 máy quang khắc mà công ty đã bán ra trong năm ngoái, chúng đóng góp 1/3 doanh thu. ASML dự tính đến năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ lên 3/4, trong bối cảnh các công ty khác cũng đang tiến bộ.
Vì cả Canon và Nikon đều không theo đuổi công nghệ euv, các nhà đầu tư kết luận rằng ASML được hưởng lợi thế độc quyền trong một thời gian. Kể từ 2010, giá trị vốn hóa của công ty đã tăng gấp 10 lần, lên mức 114 tỷ euro. Chỉ riêng trong năm ngoái con số đã tăng gấp đôi. Hiện ASML có giá trị vốn hóa cao hơn cả Airbus, Siemens hay Volkswagen. Giá cổ phiếu cũng chịu chung số phận với các công ty cùng ngành khi dịch bệnh làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu, nhưng triển vọng dài hạn của công ty rất tươi sáng. Hiện chỉ số P/E của cổ phiếu này là 32 lần, cao gấp đôi so với chỉ số P/E của những khách hàng lớn nhất.
Không phải lúc nào mọi chuyện cũng xuôi chèo mát mái đối với ASML. Công ty ra đời năm 1984, ban đầu là 1 liên doanh giữa ông lớn trong ngành điện tử Philips và công ty sản xuất chip ASM International. Ban đầu, một lượng ít ỏi các nhân viên làm việc ngay tại cơ sở ở Eindhoven của Philips. Jos Benschop, giám đốc công nghệ của ASML, vẫn nhớ như in những rắc rối thuở ban đầu. Những sản phẩm đầu tiên trở nên lỗi thời ngay sau khi ra mắt, và rất khó tìm được khách hàng. Philips, dù lúc đó cũng đang gặp khó khăn về tài chính, đã giúp đỡ ASML rất nhiều. Ngoài ra công ty còn nhận trợ cấp từ chính phủ Hà Lan và tiền thân của liên minh châu Âu.
Năm 1995, công ty niêm yết cổ phiếu ở New York và Amsterdam. Không lâu sau đó, ASML đặt cược rằng công nghệ quang khắc bằng tia cực tím sẽ là tương lai của ngành sản xuất chip. Các công ty chip lớn bắt đầu sử dụng máy móc của hãng từ khoảng năm 2007. Họ nhiều lần thất vọng, và cả các cổ đông cũng vậy khi mà ASML nhận ra rằng công nghệ này quá khó để sử dụng. Những chiếc máy mẫu đầu tiên được gửi đến viện nghiên cứu IMEC ở Bỉ từ năm 2006 nhưng mãi đến năm 2018 các khách hàng thương mại mới có thể bắt đầu sử dụng công nghệ này.
Những thiết bị thế hệ trước sử dụng tia laser để tạo ra ánh sáng trực tiếp. Nhưng khi bước sóng ngắn lại, việc đó trở nên khó khăn gấp nhiều lần, và những cỗ máy của ASML có thể xử lý được việc đó.
Những cỗ máy nặng 180 tấn và to bằng cả 1 chiếc xe buýt 2 tầng có thể được ví như cuốn kinh thánh của chuỗi cung ứng chằng chịt trong ngành công nghiệp điện tử. ASML có khoảng 5.000 nhà cung ứng. Carl Zeiss, 1 công ty quang học của Đức, giúp "làm đẹp" cho các thấu kính. VDL, công ty của Hà Lan, cung cấp những cánh tay robot hỗ trợ. Nguồn ánh sáng đến từ Cymer, 1 công ty Mỹ mà ASML mua lại năm 2013.
ASML chỉ là một trong số hàng trăm công ty cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất chip. Nhưng vai trò của nó quan trọng đến mức Intel, Samsung và TSMC đều rót tiền cho bộ phận R&D của hãng để đổi lấy cổ phần.
Không chỉ các khách hàng và nhà đầu tư nhận thức được vị thế độc quyền của ASML. Các chính trị gia cũng vậy. Công nghệ quang khắc euv nằm trong danh sách các công nghệ được ứng dụng cả trong quân sự và dân sự. Trung Quốc đang nóng lòng muốn phát triển công nghệ của riêng mình – nỗ lực mà Mỹ đang cố gắng dập tắt. Năm 2018, ASML đã nhận được đơn đặt hàng máy quang khắc từ 1 khách hàng Trung Quốc nhưng dưới áp lực của Mỹ chính phủ Hà Lan vẫn chưa cấp cho ASML giấy phép xuất khẩu.
ASML có thể ghét việc bị ngăn cản tiếp cận Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới. Về dài hạn, không thể bước vào Trung Quốc sẽ đe dọa vị thế thống trị của ASML. Tháng 4 năm ngoái ASML tuyên bố 6 nhân viên, trong đó có vài người quốc tịch Trung Quốc, ăn cắp bí mật thương mại từ văn phòng ở Mỹ từ năm 2015, dù không xác nhận mối nghi ngờ rằng vụ này có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.
Tuy vậy, hiện nay Trung Quốc cần ASML hơn là ASML cần Trung Quốc. Trong số tất cả những yêu cầu từ các nhà cung ứng, công nghệ của ASML là khó bắt chước nhất, theo Pierre Ferragu, chuyên gia phân tích công nghệ tại New Street Research. Malcolm Penn, chuyên gia của Future Horizons, cho rằng cần ít nhất là 1 thập kỷ để Trung Quốc đuổi kịp công nghệ của ASML hiện nay, và đến khi đó thì ASML đã lại tiến bộ hơn rất nhiều. Hiện công ty Hà Lan đang nghiên cứu máy quang khắc mới với thấu kính tốt hơn có thể xử lý nhiều bề mặt chất bán dẫn hơn trong mỗi giờ. Theo kế hoạch, những máy này sẽ được xuất xưởng vào năm 2023, và lần này ASML hi vọng sẽ không có sự kiện nào khiến họ phải trì hoãn.