MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải những karoshi làm việc đến chết, đây mới là “nỗi lo” lớn nhất của kinh tế Nhật Bản

16-02-2017 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Thiếu ngủ đang trở thành “nỗi lo” lớn của nền kinh tế Nhật Bản. Các số liệu thống kê cho thấy mỗi năm quốc gia này thiệt hại 138 tỷ USD (khoảng 2,9% GDP) vì… thiếu ngủ.

Đối với một cường quốc như Nhật Bản, hội chứng thiếu ngủ gây ra thiệt hại cho nền kinh tế lớn hơn rất nhiều so với việc ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của con người. Và điều bất ngờ hơn cả, thiếu ngủ chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Vấn để càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. Theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản về hội chứng karoshi (làm việc đến chết) thì gần một nửa người lao động toàn thời gian nói rằng họ không ngủ đủ giấc và nguyên nhân chính là do giờ làm thêm quá dài.

Còn theo nhà kinh tế học Junko Sakuyama thuộc Viện nghiên cứu Dai-Ichi tại Tokyo, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ nền văn hóa làm việc không ngừng nghỉ, trong đó có giờ làm thêm quá nhiều.

“Có một bầu không khí tại nơi làm việc luôn đòi hỏi bạn phải làm việc liên tục nhiều giờ và không được rời văn phòng sớm; dẫn đến hệ quả là thiếu ngủ và người lao động rất khó để duy trì hiệu suất lao động”, Tiến sĩ Sakuyama cho biết.

Trước tình hình đó, một vài công ty đã bắt tay vào cải thiện môi trường làm việc bằng cách yêu cầu số giờ nghỉ ngơi tối thiểu hoặc số giờ công nhân phải “off” trước khi quay trở lại công việc.

Chẳng hạn, từ tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Sumitomo Mitsui quy định giờ nghỉ tối thiểu cho toàn bộ nhân viên là 9 tiếng, bao gồm cả nhân viên thời vụ. Hãng sản xuất tã Unicharm Corp cũng yêu cầu nhân viên nghỉ ít nhất 8 tiếng và không được ở lại làm thêm đến quá 10 giờ đêm kể từ đầu năm nay.

Không giống như Liên minh Châu Âu quy định thời gian nghỉ ngơi là 11 giờ liên tiếp trong khoảng thời gian 24 tiếng mỗi ngày, Nhật Bản không có luật quy định thời gian nghỉ ngơi tối thiểu đối với người lao động. Chỉ khoảng 2% trong tổng số 1.700 công ty tham gia khảo sát của Chính phủ Nhật Bản là có quy định về thời gian nghỉ ngơi tối thiểu hàng ngày cho nhân viên.

Theo Bộ Lao động Nhật Bản, trong năm tài chính tiếp theo, Chính phủ sẽ dành ra 400 triệu yên (tương đương 3,5 triệu USD) cho một chương trình khuyến khích các công ty vừa và nhỏ nước này áp dụng chính sách thời gian nghỉ ngơi tối thiểu đối với nhân viên. Mức trợ cấp khoảng 500.000 yên cho mỗi công ty để trang trải chi phí bao gồm cả việc sửa đổi quy định tuyển dụng, đào tạo và cập nhật phần mềm quản lý dữ liệu công việc.

Dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt giảm năng suất lao động của Nhật Bản, nhưng thiếu ngủ vẫn được xem là nguyên nhân khiến quốc gia này “tốn kém” hơn so với các nước G7 khác. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại 138 tỷ USD mỗi năm, tương đương 2,9% GDP.

Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng cho biết chỉ cần tăng giờ ngủ đêm cho người lao động từ dưới 6 tiếng hiện nay lên 6 đến 7 tiếng là có thể giúp tăng thêm 75,7 tỷ USD cho nền kinh tế.

“Giờ làm việc quá dài là vấn đề lớn nhất của thị trường lao động Nhật Bản”, bà Sakuyama nói và cho rằng Nhật Bản phải xây dựng luật về làm việc quá giờ để giảm thiểu số người lao động làm việc đến chết, đồng thời tăng năng suất lao động khi dân số đang thu hẹp lại.

Hà My

Bloomberg

Trở lên trên