MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải thuế quan hay kim ngạch xuất nhập khẩu, đây mới là trọng tâm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

12-05-2019 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Trọng tâm của cuộc chiến hiện nay là câu hỏi có ý nghĩa quan trọng nhất đối với kinh tế thế giới trong thế kỷ 21: nền kinh tế 14.000 tỷ USD của Trung Quốc sẽ đi về đâu?

Từ đầu tuần đến nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung quay trở lại là tâm điểm chú ý của thế giới khi phái đoàn 100 người do Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu tới Washington để bước vào vòng đàm phán quan trọng. Tổng thống Trump lại tiếp tục đẩy căng thẳng lên nấc thang mới khi tăng thuế từ 10% lên 25% áp dụng với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đừng để bị phân tâm bởi những con số chi tiết về kim ngạch thương mại Mỹ - Trung. Trọng tâm của cuộc chiến hiện nay là câu hỏi có ý nghĩa quan trọng nhất đối với kinh tế thế giới trong thế kỷ 21: nền kinh tế 14.000 tỷ USD của Trung Quốc sẽ đi về đâu?

Mặc dù Tổng thống Donald Trump là người đã khơi mào cuộc chiến thương mại nóng bỏng hiện nay và có không ít người cho rằng đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan, gần như tất cả các trường phái chính trị ở Mỹ đều phải đồng ý rằng mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước mà Trung Quốc đang theo đuổi khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành một người chơi không đẹp trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Vấn đề bị phàn nàn nhiều nhất là vai trò của Chính phủ Trung Quốc khi phân bổ dòng vốn giá rẻ vào các doanh nghiệp nhà nước vốn hoạt động không hiệu quả, các chính sách chèn ép doanh nghiệp tư nhân và những yêu cầu vô lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Những chính sách này không chỉ bóp méo thị trường nội địa mà các doanh nghiệp Trung Quốc đôi lúc còn khiến các thị trường nước ngoài bị biến dạng. Làn sóng chỉ trích Trung Quốc nổi lên đúng vào lúc mô hình tăng trưởng dựa vào nợ và đầu tư công của Trung Quốc bộc lộ điểm yếu.

Chủ tịch Tập Cận Bình và thế hệ lãnh đạo hiện nay lên nắm quyền khi Trung Quốc đang có một trong những thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử. Kể từ năm 1980, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm với gần 800 triệu người thoát khỏi ngưỡng nghèo đói. Đất nước từng đói ăn giờ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Tàu điện và hệ thống thanh toán điện tử của Trung Quốc đã vượt mặt "chú Sam", và các trường đại học danh giá của nước này liên tục được thăng hạng. Mặc dù chênh lệch giàu nghèo và tình trạng ô nhiễm gia tăng, chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên kể từ năm 2013 đến nay Trung Quốc đã bị tụt lùi trên một vài khía cạnh. Cách đây 2 thập kỷ, không phải là hão huyền nếu tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ dần dần mở cửa thị trường hoàn toàn và các doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, câu chuyện lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Tỷ lệ khoản vay mới dành cho các doanh nghiệp nhà nước đã tăng từ 30% lên 70%. Khu vực tư nhân hoạt động trì trệ và phải có quan hệ với quan chức chính phủ để có thể làm ăn thuận lợi.

Các cơ quan quản lý thường xuyên dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào thị trường chứng khoán và kể từ sự kiện phá giá nhân dân tệ năm 2015, dòng chảy vốn bị kiểm soát chặt chẽ. Ông Tập dường như đã bỏ ngoài tai lời khuyên "nằm yên chờ thời" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khi rầm rộ ra mắt chiến dịch "Made in China 2025" với tham vọng thống trị các ngành công nghệ cao. Chiến dịch này chưa đem lại hiệu quả rõ ràng nhưng lại khiến các nước lớn dè chừng Trung Quốc.

Khi nền kinh tế giảm tốc, Trung Quốc quyết định dùng đến các biện pháp kích thích. Hồi tháng 1, các ngân hàng đã giải ngân tới 477 tỷ USD, con số cao kỷ lục. Tuy nhiên, những thay đổi căn bản đang chống lại Trung Quốc. Số dân trong độ tuổi lao động bị thu hẹp. Đầu tư phình to, lên tới 44% GDP. Vì các nguồn lực đổ vào những dự án lãng phí và các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, tăng trưởng GDP suy giảm là điều tất yếu.

Với các rào cản thương mại tăng lên, giờ đây Trung Quốc không còn có thể dựa vào các nước khác để tăng trưởng. Những doanh nghiệp lớn nhất và hiện đại nhất như Huawei lại đang bị các thị trường phương Tây nghi ngờ. Hiện thực mà Trung Quốc đang phải đối mặt là tăng trưởng chậm hơn, nợ nhiều hơn và bị cô lập về công nghệ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nước Mỹ sẽ hài lòng nếu thâm hụt thương mại giảm xuống và cuộc tranh cãi sẽ chấm dứt khi ông Trump rời khỏi phòng Bầu dục. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ với sự ủng hộ của Quốc hội và các doanh nghiệp đang yêu đòi hỏi những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế Trung Quốc. Phương Tây vẫn sẽ phản đối mô hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc dù ai làm Tổng thống Mỹ đi chăng nữa.

Để đối phó với thái độ phản đối của các nước và những điểm yếu của nền kinh tế, ông Tập nên bắt đầu bằng cách hạn chế vai trò của Chính phủ trong việc phân bổ nguồn vốn. Các ngân hàng và định chế tài chính phải được hoạt động tự do theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nên được cho phép phá sản. Người tiết kiệm phải được đầu tư ở nước ngoài để giá tài sản phản ánh đúng cung cầu. Nếu dòng tiền chảy vào đúng chỗ, nợ xấu sẽ giảm và nền kinh tế Trung Quốc không còn bị buộc tội.

Ông Tập cũng cần phải thay đổi chính sách phát triển công nghiệp. Sẽ là quá tham vọng khi muốn nước này tư nhân hóa tất cả 150.000 doanh nghiệp nhà nước, nhưng Trung Quốc có thể học tập mô hình của Singapore: xây dựng một ủy ban nắm cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước, trao cho ủy ban này quyền tự chủ và yêu cầu họ phải hoạt động hiệu quả như khu vực tư nhân. Chi tiêu cho công nghiệp nên chuyển từ các chương trình hào nhoáng như Made in China 2025 sang cho các chương trình nghiên cứu cơ bản.

Cuối cùng, Trung Quốc phải bảo vệ quyền của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với cho phép họ quyền kiểm soát toàn bộ doanh nghiệp, trong đó có cả các bí mật công nghệ. Còn ở bên ngoài Trung Quốc, đó là tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ - điều mà cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng quan tâm đến vì họ ngày càng phát triển hơn.

Quá khứ cho thấy thuế quan là biện pháp cần thiết nếu như Trung Quốc không thực hiện các cam kết. Nhưng Mỹ cũng nên "trao thưởng" cho những động thái tốt. Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc chứng minh được tính minh bạch, họ nên được đối xử công bằng ở các nước khác.

Ngày nay những cải cách nói trên dường như vẫn xa vời. Tuy nhiên cách đây 1 thập kỷ giới kỹ trị Trung Quốc đã chấp nhận chúng. Và không ít quan chức cấp cao cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ coi áp lực từ Mỹ lại chính là điều tốt để thuyết phục ông Tập thực hiện những cải cách mà họ không có khả năng thuyết phục.

Tự do hơn về mặt kinh tế không chỉ giúp Trung Quốc trở nên giàu có hơn mà còn giúp "thêm bạn bớt thù". Đã đến lúc ông Tập nắm lấy thời cơ và thay đổi cục diện.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên