Không phải tỷ lệ thăm dò, đây mới là yếu tố sống còn với các ứng viên Tổng thống Mỹ 2016
Tỷ lệ đi bầu (turnout) quá thấp sẽ khiến kết quả ngày bầu cử chính thức không giống với kết quả của các cuộc thăm dò trước đó.
- 06-11-2016Hillary Clinton: Niềm hi vọng lớn nhất của nước Mỹ?
- 02-11-20167 lý do khiến bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 khác biệt hoàn toàn
- 07-10-2016Nhà đầu tư hãy cẩn thận, Donald Trump có thể mang "cơn địa chấn" Brexit trở lại phố Wall
Một buổi chiều mùa thu mát mẻ trong lành, cầm trong tay tấm biển có dòng chữ “I’m with her”, Eli Clark-Davis cùng bạn bè xuất hiện trên đường phố để vận động các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ ở Fisshtown (Philadelphia) đi bỏ phiếu. Nhiệm vụ của nhóm là gõ cửa càng nhiều căn nhà càng tốt, nhắc nhở các cử tri đã đăng kí rằng ngày bầu cử sắp đến rồi và họ nên đến địa điểm nào để bỏ phiếu. Họ vận động những cử tri tiềm năng ký vào mẩu giấy quảng cáo có dòng chữ “Tôi cam kết sẽ bỏ phiếu cho Hillary”. Nhóm hi vọng mảnh giấy này sẽ được dán vào những cánh cửa tủ lạnh của các hộ gia đình.
Chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton đã sắp xếp 300 điểm vận động như vậy trên khắp Pennsylvania. Dịp cuối tuần cuối cùng trước ngày bỏ phiếu, các nhóm tình nguyện viên gõ cửa 500.000 nhà, tương đương 10% số hộ gia đình ở bang Keystone.
Có người sẽ nghi ngờ đây có phải là một sự đầu tư chính đáng hay không. Những phương thức quảng cáo hiện đại sẽ có phạm vi tiếp cận lớn hơn rất nhiều so với cách quảng cáo trực tiếp như thế này. Và cũng không thể đảm bảo chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, mùa bầu cử năm nay cách làm xưa cũ này lại đóng vai trò quan trọng. Trên chính trường Mỹ đang nở rộ một xu hướng: việc “bỏ phiếu chéo” (tức là cử tri thay đổi đảng mà họ sẽ ủng hộ trong các cuộc bầu cử Tổng thống) ngày càng ít xuất hiện. Số liệu thống kê bởi Corwin Smidt (ĐH Michigan) trong giai đoạn 1952-1980 cho thấy có 20% cử tri liên tục đi bỏ phiếu bầu Tổng thống sẽ thay đổi quan điểm. Kể từ năm 2000 đến nay, chính trường Mỹ phân cực mạnh đến nỗi tỷ lệ giảm xuống chỉ còn 10%, đồng nghĩa có rất ít người sẽ bị thuyết phục bởi các chiến dịch tranh cử.
Một trong những hệ quả của xu hướng này là nhìn chung kết quả bầu cử rất sát nút. Tỷ lệ chênh lệch đã giảm từ mức 10 điểm phần trăm của giai đoạn 1952-1996 xuống chỉ còn 3 điểm phần trăm kể từ năm 2000. Quan trọng hơn kết quả bầu cử ngày càng bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định thật sự lúc bỏ phiếu chứ không phải ai là người bỏ phiếu.
Kết quả exit polls (các cuộc thăm dò được thực hiện ngay khi cử tri rời khỏi địa điểm bỏ phiếu) cho thấy tỷ lệ cử tri da màu trong cuộc bầu cử 2008 cao hơn 3 điểm phần trăm so với năm 2004; đồng thời nhóm dưới 30 tuổi cũng nhiều hơn 1 điểm phần trăm. Năm 2008 Tổng thống Obama giành chiến thắng với mức chênh lệch 2 điểm phần trăm.
Năm 2012, chỉ có 59% công dân Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu đi bỏ phiếu, tỷ lệ thấp kỷ lục. Do đó sẽ dễ dàng hơn nếu các chiến dịch tranh cử tập trung vào việc kêu gọi mọi người tới điểm bỏ phiếu so với thuyết phục họ thay đổi quan điểm.
Và phương pháp tiếp cận trực tiếp giống như Clark-Davis đang làm đem lại hiệu quả tốt một cách ngạc nhiên: khả năng cử tri sẽ đi bỏ phiếu tăng thêm 10%. Với khoảng cách dẫn trước bị thu hẹp trong các cuộc thăm dò mới nhất, bà Clinton đang cố gắng tận dụng hiệu quả của phương pháp này.
Thông thường thì có thể dễ dàng dự đoán chính xác tỷ lệ người đi bầu cử (turnout) dựa vào mùa bầu cử trước đó. Tỷ lệ turnout ở các bang miền Bắc thường cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với miền Nam. Trong 4 cuộc bầu cử gần nhất, 75% cử tri ở Minnesota đã đi bầu, so với mức 46% ở Hawaii. Ngoài ra tỷ lệ còn phụ thuộc vào tuổi tác và trình độ học vấn: khả năng một người 60 tuổi có bằng đại học đi bỏ phiếu sẽ cao gấp 3 lần so với 1 người 25 tuổi chỉ mới tốt nghiệp cấp 3. Clark-Davis cho biết anh đã gặp nhiều người trẻ tuổi ủng hộ bà Clinton nhưng không biết có thể tới đâu để bỏ phiếu.
Có một nhân tố quan trọng giúp đảng Dân chủ thường xuyên chiến thắng trong các cuộc bầu cử gần đây. Họ chiến thắng ở 5 trong số 6 bang cuối cùng, sau khi thua tại 5 trong số 6 bang trước đó. Nguyên nhân là do tỷ lệ đi bầu trong nhóm cử tri da màu tăng đột biến, từ mức 61% của năm 2004 lên 69% trong năm 2008, khi ông Obama vận động tranh cử. Đây là mức còn cao hơn cả người da trắng, mặc dù người da màu có thu nhập và trình độ học vấn thấp hơn. Những năm 1990, tỷ lệ chỉ ở quanh mức 50%.
Nhóm Hispanics (gốc Latinh) dù có tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ đi bầu ngày càng giảm bởi họ tập trung ở những bang thiếu cạnh tranh như California hay New York và chưa đến một nửa thực sự đi bỏ phiếu. Ở Texas, nơi có nhiều người gốc Mexico sinh sống, chỉ có gần 1/3 cử tri đi bầu. Vẫn luôn mở rằng cấu trúc dân số này sẽ giúp bang lớn thứ hai nước Mỹ thuộc về mình, đảng Dân chủ vẫn liên tục thất vọng.
Năm nay bà Clinton đang muốn dựa vào những phát ngôn gây sốc của ông Trump về Mexico để chiếm lấy bang Texas. Kết quả bầu cử sớm từ Nevada và Florida cho thấy có vẻ như nỗ lực của bà đã được đền đáp. Tuy nhiên, kết quả bầu cử sớm cũng cho thấy thành tựu đạt được bị xói mòn bởi sự suy giảm trong tỷ lệ đi bầu của nhóm cử tri da màu. Một phần nguyên nhân là bởi ông Obama đã làm hết 2 nhiệm kỳ và bởi nhiều bang do đảng Cộng hòa kiểm soát hạn chế việc đi bầu cử sớm.
Có nhiều bằng chứng cho thấy đảng Dân chủ sẽ được lợi nếu tỷ lệ đi bầu tăng lên. Số liệu thống kê cho thấy ở 1 bang cho trước, tỷ lệ đi bầu tăng 1 điểm phần trăm sẽ giúp ứng viên của đảng Dân chủ có thêm 0,27 điểm phần trăm.
Vậy thì ông Trump hay bà Clinton sẽ hưởng lợi nếu tỷ lệ đi bầu đóng vai trò quyết định?
Tất cả các hãng thăm dò đều phải dự đoán cấu trúc cử tri để quyết định mẫu thăm dò. Do đó nếu họ dự đoán sai kết quả thăm dò cũng không có ý nghĩa. Ví dụ, nếu mẫu chọn 5% người được hỏi là gốc Latinh nhưng nhóm này lại chiếm 10% số lượng cử tri, kết quả sẽ khác hoàn toàn.
Để tính toán tỷ trọng, các hãng thăm dò thường sử dụng số liệu thống kê từ Cục thống kê dân số Hoa Kỳ. Dữ liệu quá khứ cho thấy tỷ lệ đi bầu của các nhóm thường khá ổn định. Tuy nhiên, năm nay rất có thể sẽ có một sự thay đổi lớn vì nhiều điều khác thường. Thứ nhất, Tổng thống Obama không xuất hiện trong danh sách bầu. Thứ hai, Donald Trump có sức hấp dẫn đặc biệt với nhóm lao động bình dân da trắng và bị nhóm Hispanics chán ghét.
The Economist chỉ ra 4 nhân tố đáng chú ý mà nhìn vào đó có thể dự đoán về tỷ lệ đi bầu năm nay. Thứ nhất, tỷ lệ đi bầu ở các “bang chiến trường” (tức là những bang chưa nghiêng hẳn về đảng nào và được các ứng viên chăm chút kỹ lưỡng) thường cao hơn so với những bang an toàn.
Thứ hai, số liệu từ hãng phân tích chính trị Catalist cho thấy tỷ lệ đăng ký tăng 30% so với mùa trước thì tỷ lệ đi bầu sẽ tăng thêm tương ứng 1 điểm phần trăm.
Xu hướng tìm kiếm trên Google đối với từ khóa “vote” và “voting” cũng là một chỉ báo: nếu khối lượng tìm kiếm trong tháng 10 cao hơn 20% so với năm bầu cử gần nhất, tỷ lệ đi bầu sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm.
Cuối cùng, những chiến dịch được tổ chức kỹ lưỡng như bà Clinton đang làm cũng đem lại hiệu quả.
Bang Ohio lâu nay vẫn được coi là nơi mà cả 2 đảng buộc phải nắm được nếu muốn giành chiến thắng chung cuộc. Trong 30 kỳ bầu cử gần nhất, có 28 lần ứng viên thắng ở đây sẽ trở thành Tổng thống. Bà Clinton đã đặt 75 văn phòng vận động ở đây, so với con số 25 của ông Trump. Tuy nhiên kết quả thăm dò mới nhất lại cho thấy ông Trump dẫn trước khoảng 2 điểm phần trăm ở bang này. Dẫu vậy nếu xét cả tỷ lệ đi bầu thì bà Clinton lại dẫn trước 1,4 điểm phần trăm.
Ngược lại, Trump dốc khá nhiều tâm huyết cho Pennsylvania – bang truyền thống của đảng Dân chủ nhưng có nhiều người da trắng đồng cảm với những thông điệp của ông. Bất chấp nỗ lực của những tình nguyện viên như Clark-Davis, Trump vẫn có lợi thế ở đây. Ông cũng có lợi về tỷ lệ đi bầu ở Wisconsin.
Mô hình của The Economist đi đến kết luận vào ngày bầu cử bà Clinton sẽ làm tốt hơn so với kết quả thăm dò ý kiến. Tuy nhiên, ông Trump sẽ là người hưởng lợi ở những bang mà tỷ lệ đi bầu đóng vai trò quan trọng nhất.
Lợi thế lớn nhất của bà Clinton nằm ở những bang mà bà sẽ giành được nếu tạo ra được cách biệt thật sự lớn. Ngược lại, lợi thế lớn nhất của Trump tập trung ở những bang mà ông không có nhiều khả năng thắng. Nhưng nếu cuộc đua quá sít sao, chính những bang này sẽ giúp Trump giành được 270 phiếu đại cử tri và bước chân vào Nhà Trắng.