Không phát tiền quy mô lớn như các quốc gia phát triển, Việt Nam đã làm gì cho người dân?
Phát tiền cho toàn bộ người dân không phải là chính sách mới, đã từng được nhiều quốc gia áp dụng. Nhưng tại sao trong bối cảnh này, Việt Nam lại có lựa chọn khác?
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm vì nhiều lý do, trong đó có đại dịch, phát tiền cho toàn bộ người dân không phải là chính sách mới ở các nước phát triển.
Vừa rồi, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 34,9 nghìn tỷ KRW (tương đương 30,31 tỷ USD) để cứu trợ đại dịch Covid-19 cho các hộ gia đình, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và tạo việc làm cho người lao động.
Trước đó, Mỹ cũng đã triển khai chuyển tiền cho người dân theo gói cứu trợ với giá trị lên tới 1.900 tỷ USD, trong đó, có 400 tỷ USD sẽ được dùng để chi trả trực tiếp 1.400 USD/người cho hầu hết người dân Mỹ.
Ảnh: DW
Khoản hỗ trợ 1.400 USD/người đã được giải ngân từ ngày 12/3, còn các khoản cứu trợ lớn bổ sung được gửi trực tiếp, qua thư dưới dạng séc hoặc thẻ ghi nợ. Mỗi hộ gia đình gồm 4 người có thu nhập khoảng 150.000 USD/năm sẽ được nhận 5.600 USD.
Khác với hai khoản cứu trợ trước đó, vốn chỉ được giới hạn cho thanh thiếu niên dưới 17 tuổi, tiền cứu trợ đợt vừa rồi của Mỹ được gửi đến tất cả những người phụ thuộc đủ điều kiện như sinh viên, người trưởng thành bị tàn tật, các bậc cha mẹ và ông bà không có thu nhập.
Song, đây có phải chính sách mà Việt Nam nên áp dụng?
Trên thực tế, Việt Nam sẽ gặp tương đối nhiều khó khăn trong việc phát tiền quy mô lớn cho người dân như các nước. Ngoài lý do ngân sách hạn hẹp, thì Việt Nam còn là nền kinh tế rất mở, vấn đề tỷ giá cũng rất quan trọng. Việc bơm tiền như các nền kinh tế lớn không chỉ dẫn tới lạm phát mà còn là sự mất giá của đồng nội tệ.
Không chỉ vậy, trong thời kỳ giãn cách, việc phát tiền cho người dân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi còn rất nhiều lao động tự do, những người yếu thế trong xã hội không có tài khoản ngân hàng, khiến công tác giải ngân có thể gặp nhiều trở ngại, dù những nỗ lực rút ngắn thủ tục nhận hỗ trợ đã được đẩy lên rất cao trong thời gian vừa rồi.
Vậy Chính phủ đã làm gì để "giảm đau" cho người dân trong thời điểm hiện tại?
Ngày 31/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Nghị quyết, việc giảm tiền điện sẽ được áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30/7/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Cụ thể, Nghị quyết sẽ giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200kWh/tháng; giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện là 2 tháng tại các kỳ hoá đơn tháng 8 và tháng 9 năm 2021.
Danh sách các địa phương được giảm tiền điện do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực. Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt trong đơt 4 khoảng 2.500 tỷ VND.
Ngay sau đó, ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản 5257/VPCP-KTTH về việc xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt. Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh, TP, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành văn bản số 5259/VPCP-KTTH gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông. Văn bản yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay.
Ngày 2/8, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile và SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ VND. Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ ngày 5/8/2021 tới đây và kéo dài trong 3 tháng.
Các hỗ trợ kể trên cho thấy trong đợt dịch mới này, Chính phủ đã rất nỗ lực để hỗ trợ người dân nhanh nhất, thiết thực nhất.
Bộ ba chính sách hỗ trợ này được đưa ra đã thể hiện rõ tinh thần được Thủ tướng nêu trong Công điện về phòng chống dịch Covid-19 mới đây: bảo đảm đời sống của người dân để họ có đủ điều kiện vật chất, tinh thần, sự yên tâm, tin tưởng thực hiện yêu cầu giãn cách.
"Sự kịp thời trong việc ban hành chính sách này của Chính phủ là minh chứng cho thấy, phản ánh chính đáng của người dân đã được lắng nghe" - một độc giả bình luận trên trang fanpage Thông tin Chính phủ về việc giảm giá điện.
Ảnh: Bloomberg
"Chuẩn. Covid-19 thì chỉ có ở nhà làm việc. Cước điện thoại và Internet đắt thì sao chịu nổi" - một độc giả khác bình luận về gói hỗ trợ viễn thông.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định rằng, quyết định giảm giá nhóm dịch vụ thiết yếu như điện, nước cho người dân đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là kịp thời và cần thiết.
"Các khoản hỗ trợ trong thời điểm này, không đơn thuần là hoạt động trợ cấp xã hội, mà còn có thể ví như việc Chính phủ đầu tư vào nền kinh tế để giúp nền kinh tế có sức bật phục hồi mau chóng sau khi dịch bệnh được đẩy lùi" - chuyên gia kinh tế Đặng Hoàng Hải Anh nhận định và cho rằng ngoài việc giảm các chi phí điện nước sinh hoạt, Chính phủ nên đảm bảo trợ cấp ít nhất là lương thực thực phẩm để không gia đình nào rơi vào cảnh thiếu đói.