MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không vượt qua được 2 mâu thuẫn này, mọi cuộc hôn nhân đều tan vỡ

04-03-2017 - 22:00 PM | Sống

Theo nhà trị liệu tâm lí, người sáng lập Viện nghiên cứu Hôn nhân Peter Pearson, hơn 60% các cặp đôi được ông tư vấn gặp vấn đề với 2 loại xung đột: luôn có một người phục tùng và ai cũng muốn kiểm soát nhiều hơn.

Hôn nhân là mối quan hệ thu hút nhiều sự tranh cãi và thảo luận trong cuộc sống hiện đại. Theo thời báo New York, hôn nhân là một trong những động lực mạnh mẽ nhất khiến người ta muốn sống tốt hơn. Kết hôn khiến người ta có xu hướng sống phong phú và hạnh phúc hơn, nhất là khi họ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng của cuộc sống. Nhưng hôn nhân cũng là mối quan hệ đặc biệt phức tạp và vô cùng nhiều vấn đề. Sự tương tác, trách nhiệm ràng buộc giữa hai cá thể độc lập có thể dẫn tới những xung đột, nếu không thể dung hòa, nó có thể dẫn tới sự đổ vỡ.

1. Luôn có một người chấp nhận phục tùng để tránh xung đột

Trong những tình huống hôn nhân cụ thể, một người luôn cố gắng phục tùng đối phương để duy trì mối quan hệ. Họ ít khi thảo luận thực sự, thậm chí một bên chấp nhận thay đổi bản thân theo suy nghĩ, mơ ước của đối phương. Dấu hiệu của vấn đề này có thể biểu hiện từ việc mua sắm đồ đạc gia đình, thiết kế nội thất nhà hay những quyết định lớn hơn như lựa chọn nơi ở...


Giao tiếp tích cực là chìa khóa giúp hôn nhân hạnh phúc.

Giao tiếp tích cực là chìa khóa giúp hôn nhân hạnh phúc.

Trong vấn đề này, không nhất thiết có một người hoàn toàn chịu kiểm soát của đối phương. Một trong hai người có xu hướng khẳng định cái tôi nhiều hơn. Hoặc đôi khi vì muốn tránh xung đột mà họ chấp nhận, phục tùng ý kiến của đối phương nhưng vẫn giữ sự khó chịu. Lâu dần, xung đột ngày càng phát triển và dẫn tới hàng loạt mâu thuẫn khó dung hòa khác.

Giải pháp tốt nhất là cặp vợ chồng cần tăng cường sự tương tác, trao đổi. Trong mối quan hệ hôn nhân, họ cần trao quyền cho cả hai bên và tích cực trao đổi với nhau. Có thể nỗ lực né tránh xung đột trong hôn nhân của một phía lại là nguyên nhân khiến các cặp đôi li hôn nhiều hơn.

2. Ai cũng muốn là người kiểm soát

Đây là một trong những nguyên nhân chính của các vụ li hôn. Nó có thể xảy ra với các cặp đôi mà hai người đều có tính "gia trưởng" cao. Ở các cặp đôi này, cả hai cá nhân đều muốn kiểm soát và nâng cao vai trò của mình trong mối quan hệ mà không lắng nghe hay thông cảm cho đối phương. Một trong những biểu hiện rõ nhất là sự đổ lỗi và chỉ trích. Họ thường xuyên tranh luận và cố gắng đổ lỗi cho đối phương, nhưng bằng góc nhìn chủ quan.

Thỏa hiệp được coi là một giải pháp quan trọng. Mặc dù điều này khá khó khăn đối với hai người có cái tôi lớn. Trong gia đình, mỗi người cần tự nhận thức được vai trò, tác động hay lỗi lầm của bản thân đối với mối quan hệ vợ chồng. Ai cũng cần học thỏa luận tích cực từ góc nhìn khách quan, xem xét quan điểm của đối phương trước khi quyết định bất kì hành động nào.

Con người luôn muốn có hạnh phúc gia đình chính sự thiếu hiểu biết, trong lúc đang phá lại tưởng đang xây, khiến hạnh phúc tan vỡ. Trong nhà Phật có câu “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, trong kinh Thánh có câu “Lỗi tại tôi mọi bề” để nói tới sự hạn chế trong nhận thức của mỗi người. Hạn chế này dẫn tới việc chúng ta luôn có xu hướng làm sai với những quy luật của tự nhiên.

Nếu thấu hiểu được bản thân và đối phương, mỗi người sẽ tự giải phóng xích xiềng cho mình và cho người khác, khi đó sẽ có bầu không khí tự do để tình yêu phát triển.

Thu Hoài

Independent

Trở lên trên