MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng năng lượng buộc Trung Quốc phải giải phóng lượng than Australia mắc kẹt ở kho ngoại quan

06-10-2021 - 16:00 PM | Thị trường

Khủng hoảng năng lượng buộc Trung Quốc phải giải phóng lượng than Australia mắc kẹt ở kho ngoại quan

Trung Quốc đang giải phóng số than Australia khỏi các kho ngoại quan, mặc dù vẫn đang cấm nhập khẩu than từ nhà cung cấp này – lệnh cấm không chính thức kéo dài đã gần một năm – trong nỗ lực giảm bớt cuộc khủng hoảng điện trên toàn quốc vì lý do thiếu than.

Cuộc khủng hoảng điện tại quốc gia tiêu thụ than hàng đầu thế giới diễn ra khi nhu cầu điện tăng mạnh mẽ từ các nhà sản xuất, lĩnh vực công nghiệp và các hộ gia đình, đẩy giá lên mức cao kỷ lục và gây ra tình trạng hạn chế sử dụng điện trên diện rộng.

Một nhà điều hành thương mại cho biết, ước tính có khoảng một triệu tấn than của Australia đã nằm trong các kho ngoại quan dọc bờ biển Trung Quốc trong nhiều tháng nay, do Hải quan Trung Quốc không kiểm soát than nhập của Australia nữa, kể từ sau lệnh cấm không chính thức của Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái.

"Than Australia bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc bắt đầu được chuyển đi vào cuối tháng trước ... mặc dù đã có phần lớn trong số đó được chuyển hướng sang các thị trường như Ấn Độ", một thương nhân của công ty có trụ sở tại miền đông Trung Quốc cho biết. Tuần trước, các công ty Ấn Độ đã mua lại 2 triệu tấn than của Australia đang bị tồn trong các nhà kho (tại bến cảng) ở Trung Quốc.

Một thương nhân khác cho biết rằng việc giải phóng than từ các kho ngoại quan sẽ bắt đầu từ tuần này.

Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – chưa có phản hồi về những thông tin này.

Khủng hoảng năng lượng buộc Trung Quốc phải giải phóng lượng than Australia mắc kẹt ở kho ngoại quan - Ảnh 1.

Các nhà cung cấp than nhiệt cho thị trường Trung Quốc các năm 2019-2021.

Trong khi Trung Quốc kêu gọi các công ty khai thác than hàng đầu tăng sản lượng và yêu cầu các nhà khai thác điện đẩy mạnh nhập khẩu than "một cách có trật tự" để giảm bớt tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, họ vẫn kiềm chế không tiếp tục nhập khẩu trực tiếp từ Australia - trước đây là nhà cung cấp than lớn thứ hai sau Indonesia.

Tuy nhiên, ở mức một triệu tấn, hoặc tương đương với lượng than nhập khẩu của Trung Quốc chỉ trong một ngày, lượng than dự trữ được giải phóng dự báo sẽ không giúp làm dịu cơn khát than của thị trường.

Khủng hoảng năng lượng buộc Trung Quốc phải giải phóng lượng than Australia mắc kẹt ở kho ngoại quan - Ảnh 2.

Biểu đồ sản lượng than Trung Quốc và giá than Trung Quốc và quốc tế.

Một thương nhân khác cho biết: "Nếu không tiếp tục nhập khẩu than của Australia, sự thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài hơn nữa, vì cần có thời gian để thúc đẩy sản xuất trong nước sau gần 5 năm hạn chế sản lượng".

"Tôi không thể lạc quan. Sự thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất tới quý IV và có thể đến sau tháng Hai hoặc tháng Ba, khi mùa sưởi ấm kết thúc," thương nhân này nói.  

Các thương nhân nước này cho biết xuất khẩu than từ các nhà cung cấp chính khác như Nga và Mông Cổ đã bị hạn chế do năng lực đường sắt không đáp ứng được nhu cầu, trong khi xuất khẩu từ Indonesia bị cản trở bởi thời tiết mưa.

Năm ngoái, Indonesia đã ký một thỏa thuận cung cấp than trị giá 1,5 tỷ USD cho Trung Quốc. Indonesia dường như có nhiều điểm thuận lợi trong việc cấp than cho Trung Quốc nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc trong ngắn hạn.

Điều đó đã khiến các nhà khai thác điện như Công ty Năng lượng Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc phải nhập khẩu chuyến than nhiệt đầu tiên từ Kazakhstan vào thứ Hai (4/10), sau đợt nhập khẩu than nhiệt đầu tiên của Mỹ vào tháng 6 và tháng 7.

Trung Quốc đã nhập khẩu 197,69 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2021, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhập khẩu riêng trong tháng 8 đã tăng hơn 1/3 do nguồn cung trong nước bị thắt chặt.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, để giảm bớt căng thẳng nguồn cung, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc hôm thứ Ba (5/10) cam kết sẽ phân bổ thêm công suất vận chuyển để đảm bảo lượng than dự trữ tại 363 nhà máy điện có đường sắt trực tiếp đủ cho 14 ngày sử dụng. Hiện tại, lượng dự trữ than của các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm.

Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng mua than từ Australia. Nhằm thay thế Australia, Trung Quốc tìm tới Indonesia, Mông Cổ, Nga và các nước khác để bù đắp nguồn cung than.

Về phần mình, Australia cũng tăng cường tìm kiếm khách hàng khác trong bối cảnh căng thẳng thương mại khiến Trung Quốc từ chối nhập than của họ. Những tàu chở than không thể tới Trung Quốc cũng đã chuyển hướng tới các đích đến khác nhằm thay thế nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tình trạng thiếu điện có nguy cơ sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái do các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc gây ra. Đã có một số tổ chức quốc tế hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng điện. Nhiều nhà quan sát tỏ ra lo lắng về "một cú sốc năng lượng ở mức độ đáng kể" với nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tăng giá hàng hóa xuất khẩu và nó dẫn đến lạm phát tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển.

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên