MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng nhân khẩu học vạch ra "cơn ác mộng" ở Trung Quốc: Người già không dám mơ đến nghỉ hưu, tiền bảo hiểm hàng tháng cũng không đủ trả 3 bữa ăn

17-12-2021 - 09:02 AM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng nhân khẩu học vạch ra "cơn ác mộng" ở Trung Quốc: Người già không dám mơ đến nghỉ hưu, tiền bảo hiểm hàng tháng cũng không đủ trả 3 bữa ăn

So với các nước phát triển đang vật lộn với già hóa dân số, Trung Quốc đang thiếu trang bị hệ thống phúc lợi toàn diện.

6 ngày một tuần, 13 tiếng mỗi ngày, bà Chen Quingling (56 tuổi) cùng chồng dọn dẹp hành lang và nhà vệ sinh của một tòa văn phòng ở Bắc Kinh để nuôi sống bản thân và gia đình con trai của họ.

Trong khi những người bạn giàu có của hai ông bà dành thời gian nghỉ hưu để đi du lịch, tham gia các lớp học khiêu vũ, học về văn hóa trà và hội họa Trung Quốc, bà Chen không có tiền tiết kiệm hoặc lương hưu để sống những năm tháng tuổi xế chiều một cách thoải mái.

Bà Chen chia sẻ: "Con trai tôi vẫn đang hồi phục sau chấn thương và con dâu ở nhà chăm sóc ba đứa con nhỏ. Nếu tôi không làm việc, ai sẽ nuôi năm miệng ăn? Bố chồng tôi năm nay 89 tuổi mỗi lần đi khám ở bệnh viện cũng tốn nhiều tiền".

Trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc từ một nước nông nghiệp trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng khi dân số già đi nhanh chóng, đất nước này nhận thấy sự thiếu sót của một hệ thống phúc lợi toàn diện.

Già hóa dân số gây áp lực lên hệ thống phúc lợi Trung Quốc

Năm 2020, Trung Quốc có khoảng 263 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% tổng dân số, theo điều tra dân số được công bố năm 2021. Mười năm trước, con số đó là 178 triệu, tương đương 13,3% dân số.

Với việc ngày càng ít người lao động đóng góp vào hệ thống lương hưu công cộng mà số người cao tuổi cần hỗ trợ ngày một tăng, quỹ hưu trí của quốc được dự đoán sẽ bị thiếu hụt trong hai thập kỷ tới. Viện Khoa học Trung Quốc (CASS) năm 2019 dự đoán rằng quỹ hưu trí thành thị của Trung Quốc sẽ cạn tiền vào năm 2035.

Tuổi nghỉ hưu bắt buộc của Trung Quốc là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, hoặc 50 tuổi đối với nữ công nhân.

Chính phủ đã thông báo kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu để giải quyết khủng hảng nhân khẩu học và tìm ra cách để những người cao tuổi có thể tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động.

Nhưng đối với nhiều vùng nông thôn, bao gồm những người lao động di dư lên thành phố như bà Chen, việc nghỉ hưu dường như chỉ có trong tưởng tượng vì thiếu tiền tiết kiệm và mức lương hưu hạn chế.

Cuộc khủng hoảng già hóa của Trung Quốc diễn ra nghiêm trọng nhất ở các khu vực nông thôn, nơi 23,81% dân số là người 60 tuổi trở lên, tăng 10,6% so với năm 2020.

Theo số liệu từ Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc tại Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam, 19,5% dân số trên 60 tuổi vẫn sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2018.

Sự bất bình đẳng giàu nghèo và lương hưu, đặc biệt giữa thành thị và nông thôn, đã buộc nhiều người sắp đến tuổi nghỉ hưu ở các vùng nông thông Trung Quốc phải tiếp tục làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình.

Guo Youmi, 55 tuổi, ở Datong, tỉnh Sơn Tây, cho biết: "Tôi đã lái taxi 20, 30 năm và chưa bao giờ có kế hoạch nghỉ hưu. Tôi không nghĩ quá xa về tương lai. Bây giờ, tôi phải tiếp tục làm việc để có thể nuôi bản thân và dành dụm cho đám cưới của con trai".

Yang Guofa, người điều hành công ty giúp người lớn tuổi và đã nghỉ hưu tìm việc làm, cho biết rằng nhiều người già sống tại các vùng nông thông và họ không được học hành. Nhưng một số công ty thích thuê họ vì giá rẻ, tiết kiệm chi phí lao động. Yang nói: "Các công ty thuê những người như vậy sẽ rẻ hơn vì họ không phải trả bảo hiệm, phúc lợi hay lương hưu". Những người lớn tuổi chủ yếu làm các công việc như bảo vệ, quét dọn…

Khủng hoảng nhân khẩu học vạch ra cơn ác mộng ở Trung Quốc: Người già không dám mơ đến nghỉ hưu, tiền bảo hiểm hàng tháng cũng không đủ trả 3 bữa ăn - Ảnh 1.

Dân số già khiến hệ thống lương hưu của Trung Quốc đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh: Tân Hoa xã

Không giống như nhiều nước phát triển, hầu hết người Trung Quốc dựa vào hệ thống lương hưu công. Bà Chen, ông Guo hàng năm đóng một khoản tiền cho Bảo hiểm hưu trí mới cho nông thôn, một chương trình bảo hiểm xã hội của chính phủ được đưa ra vào năm 2009.

Nhưng khi về hưu, họ sẽ chỉ nhận được chưa đến 100 tệ (16 USD) một tháng. Số tiền này không đủ chi cho 3 bữa ăn ở Bắc Kinh và gần như không đủ trang trải chi phí hàng tháng.

Nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu cho biết: "Chính phủ cần tăng lương hưu của bảo hiểm hưu trí cho nông thôn để cải thiện điều kiện sống của người cao tuổi ở nông thôn".

Người thành thị về hưu cũng không thoát cảnh khó khăn

Ngoại trừ công chức và trí thức có tay nghề cao vẫn được thuê sau khi nghỉ hưu, không phải tất cả những người về hưu ở thành thị có thể thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là những người chỉ có một con.

Theo kế hoạch lương hưu thành thị, người lao động đóng góp tới 8% tiền lương của họ. Đóng góp của người sử dụng lao động khác nhau ở các khu vực khác nhau, chủ yếu rơi vào khoảng từ 14 đến 20%. Một người ở thành thị khi về hưu trung bình có thể nhận được từ 2.500 đến 4.900 nhân dân tệ mỗi tháng.

Một số người làm việc sau khi về hưu để tránh buồn chán và duy trì kết nối với xã hội. Còn lại hầu hết họ vẫn phải đối mặt với thu nhập hàng tháng giảm đi và gánh nặng tài chính tăng lên khi sức khỏe của họ suy giảm.

Lương hưu trung bình hàng tháng ở Bắc Kinh là 4.365 nhân dân tệ vào năm 2020, trong khi một viện dưỡng lão ở thủ đô tốn hơn 5.000 nhân dân tệ một tháng, không bao gồm chi phí ăn uống và y tế. Số tiền có thể nhiều hơn nữa nếu người cao tuổi cần được chăm sóc đặc biệt.

Zhang Jing, người sáng lập nền tảng giáo dục về hưu trí và lương hưu "80 yanglao", cho biết ngay cả ở các thành phố, nhiều người nghỉ hưu vẫn muốn làm việc vì họ không muốn làm gánh nặng cho con cái.

Theo một cuộc khảo sát chung do công ty bảo hiểm AIA Group và CASS công bố vào tháng 10, 64,5% tầng lớp trung lưu thành thị Trung Quốc không có kế hoạch nghỉ hưu. Chỉ 28% số người được hỏi đã thực hiện các bước hướng tới việc nghỉ hưu.

Không thể nghỉ hưu do áp lực tài chính không chỉ là vấn đề của Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, 34,1% người từ 65 tuổi trở lên đang tham gia thị trường lao động, theo số liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào tháng trước. Nhiều người trong số họ làm việc để mưu sinh, với 43,4% số người sống trong cảnh nghèo đói. Tại Nhật Bản, hơn 1/4 số người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc.

Zhang Jingwei, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang của Đại học Renmin, cho biết: "Nếu không có hệ thống hỗ trợ lương hưu chất lượng, những người trẻ tuổi sẽ không muốn kết hôn và sinh con, những người trung niên bị tăng gấp đôi gánh nặng để lo cho người trẻ và người già".

Nhà nghiên cứu khẳng định chỉ khi người cao tuổi có thể tận hưởng những năm tháng tuổi xế chiều trong hạnh phúc thì nỗi lo của các nhóm tuổi khác mới được giải quyết.

Theo SCMP

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên