MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng tuổi trung niên - nỗi sợ hãi "bí ẩn" của bất cứ ai, đặc biệt là cánh mày râu

31-08-2016 - 09:34 AM | Sống

Khủng hoảng tuổi trung niên có thể xảy ra với bất cứ ai, dù cho đó có là người lạc quan đến đâu hay có một công việc đáng mơ ước tới mức nào. Khi ở trong thời kì này, bạn sẽ cảm thấy lạc lõng và chẳng muốn làm bất cứ việc gì.

Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Tại sao tình trạng bất ổn này lại thường xảy ra vào giữa cuộc đời? Và làm thế nào những người đang mắc kẹt trong hoàn cảnh này có thể vượt qua mình?

Phân tích một cuộc khảo sát trên toàn Vương quốc Anh, một nhóm các nhà kinh tế làm việc với giáo sư Andrew Oswald thuộc Đại học Warwick phát hiện ra, sự hài lòng trong công việc giảm đáng kể ở các nhân viên tuổi trung niên.

Khủng hoảng sự nghiệp ở độ tuổi trung niên trên thực tế là quy luật phổ biến chứ không phải là sự bất hạnh của một vài cá nhân. Tuy nhiên, trong nửa cuộc đời còn lại của bất cứ ai, mức độ hài lòng tăng trở lại, trong nhiều trường hợp mức độ hài lòng về sự nghiệp còn cao hơn so với trước đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng, về cơ bản cảm xúc con người được miêu tả bởi đường cong hình chữ U.

Một nghiên cứu tiếp theo phát hiện ra, đồ thị hình chữ U này còn có mối liên quan rộng hơn so với những gì chúng ta từng biết. Tính trung bình, khi người ta còn trẻ, sự hài lòng về cuộc sống nhìn chung là cao sau đó bắt đầu giảm ở tuổi 30. Mức độ hài lòng chạm đáy đồ thị chữ U từ giữa thập niên 40 đến giữa thập niên 50 trước khi tăng trở lại lên mức cao như trong quá trình trưởng thành.

Đường cong chữ U này xảy ra trên toàn bộ phổ kinh tế - xã hội, từ giám đốc điều hành cấp cao tới công nhân cổ xanh và cả những người sống cùng nhà với bố mẹ. Khủng hoảng này đương nhiên ảnh hưởng tới các cặp vợ chồng dù có con hay chưa và tác động tới cả những người độc thân.

Giả thiết cho nguyên nhân của hiện tượng này được đưa ra là những người trẻ tuổi thường lạc quan và hy vọng gia tăng đáng kể khi sự việc trong cuộc sống diễn ra suôn sẻ. Người trẻ thường tin, họ sẽ "vượt qua mức trung bình", sẽ là những người may mắn sở hữu một công việc hàng đầu, một cuộc hôn nhân hạnh phúc… Những nhà thần kinh học lại thấy, sự lạc quan thái quá này dựa trên hoạt động xử lý thông tin sai lệch của não.

Khi chúng ta già đi, mọi thứ thường không xảy ra như là chúng ta dự kiến. Chúng ta có thể không leo lên các nấc thang sự nghiệp nhanh chóng như mong muốn. Hoặc chúng ta dần dần thấy, uy tín và thu nhập cao không còn là nhu cầu mong đợi nữa. Ở thời điểm này, những kỳ vọng cao về tương lai đồng thời được điều chỉnh xuống. Tuổi trung niên lúc này trở thành thời điểm đau khổ kép: thất vọng hình thành và khát vọng tan biến.

Nghịch lý thay, càng người có mọi điều mong muốn (ví dụ như có một công việc như ý) càng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời kì này. Họ cảm thấy lạc lõng và thất vọng với chính mình, đặc biệt là vì bất mãn của họ nhiều khi rất phi lý - tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn.

Các dữ liệu khoa học trên đưa ra cho chúng ta một số gợi ý về việc giúp bản thân thoát khỏi khủng hoảng tuổi trung niên cũng như khủng hoảng sự nghiệp. Có lẽ bạn chỉ cần tiếp tục duy trì công việc hiện tại và chờ đợi cho đến khi sự nghiệp của bạn lên dốc trên đường cong chữ U. Một số gợi ý khác trong trường hợp tình trạng bất ổn định tuổi trung niên được các nhà khoa học đưa ra như sau:

• Ở góc độ cá nhân, bạn nên thừa nhận sự bất mãn giữa sự nghiệp như một giai đoạn bình thường và tạm thời trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến bạn bớt nuối tiếc bởi những nguyện vọng không hoàn thành cũng như phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự thất vọng đó.

• Ở góc độ công việc, nhiều công ty thuê các chuyên gia chuyên tư vấn về sự nghiệp cho nhân viên. Một công ty có văn hóa công khai những bất mãn trong công việc và hỗ trợ người lao động trong quá trình tái định hướng sẽ giúp nhân viên của họ khám phá ra cơ hội mới và cống hiến nhiều hơn cho công ty.

Khủng hoảng tuổi trung niên là một khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là để cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống cá nhân nhưng đó cũng có thể là một cơ hội để bạn đánh giá lại những điểm mạnh và điểm yếu riêng.

Cho dù bạn chọn để chờ đợi sự bất mãn dần tự biến mất hay thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn thì bạn hãy cứ yên tâm rằng dù bằng cách này hay cách khác thì khủng hoảng tuổi trung niên cũng sẽ trôi qua.

Hãy tin vào điều này bởi khi bạn cảm thấy mình đang ở độ sâu của đường cong hình chữ U này thì cũng là lúc những điều tốt đẹp của nửa kia hình chữ U đang đón chờ bạn.

Nguyễn Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên