MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kido & Vinamilk đang kiếm bộn từ kem và sẽ tiếp tục "rung đùi đếm tiền" từ kem nhiều hơn nữa?

30-03-2017 - 10:59 AM | Doanh nghiệp

Ngành kem vốn được coi là tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống tủ đông, tủ mát không hề đơn giản.

Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2015 Việt Nam tiêu thụ 26.841 tấn kem, tương đương quy mô thị trường 2.323 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành kem từ năm 2010 đến 2015 khá cao ở mức 16,2%.

Đáng chú ý là mức tiêu thụ kem bình quân đầu người ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực (0,5 lít/người/ năm), chỉ cao hơn Indonesia và kém xa so với Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, chưa kể Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vì vậy nhiều khả năng ngành kem Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh theo đà tăng của thu nhập bình quân đầu người. Ngành kem Việt Nam hiện có mức độ tập trung vừa phải với tổng thị phần của 5 doanh nghiệp lớn nhất đạt 60%.

Trong đó Kido Foods là công ty nắm giữ thị phần lớn nhất với 35,1% năm 2016, theo ước tính của HSC. Xếp thứ 2 là Vinamilk với 10%. Unilever với kemWall’s được nhập khẩu từ Thái Lan giữ thị phần 5%, đứng thứ 3. Fanny, một doanh nghiệp trong nước cũng có thị phần khoảng 5%. Nhóm còn loại gồm hơn 100 doanh nghiệp nhỏ chia nhau 44% thị phần.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), mức độ cạnh tranh của ngành kem Việt Nam ở mức trung bình so với một số nước trong khu vực. Chẳng hạn ở Trung Quốc, mức độ cạnh tranh cao hơn với tổng thị phần của top 5 công ty lớn nhất chỉ ở mức 36%. Mức độ canh tranh ở Nhật Bản cũng cao hơn Việt Nam, top 5 doanh nghiệp hàng đầu có tổng thị phần là 45%. Trong khi đó, thị trường kem Indonesia lại ít tính cạnh tranh hơn Việt Nam với tổng thị phần của 2 công ty đầu ngành lên đến 87%.

Rào cản gia nhập cao

Theo HSC, ngành kem là ngành có rào cản gia nhập cao vì doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào hệ thống tủ đông và tủ mát tại tất cả các điểm bán. Ngoài ra doanh nghiệp phải xây dựng được chuỗi cung ứng hàng lạnh tốt với hệ thống kho lạnh ở các vị trí quan trọng và hệ thống xe lạnh chuyên chở.

Đối với các doanh nghiệp mới vào ngành, việc mở điểm bán hàng lạnh là không dễ vì khó có thể đặt thêm tủ ở các điểm bán có sẵn do hạn chế diện tích, đặc biệt là các điểm bán thuộc kênh hiện đại như siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi thường chỉ có khả năng đặt được 2-3 tủ kem.

Doanh nghiệp cũng cần có kinh nghiệm vận hành hệ thống phân phối hàng lạnh để đạt hiệu quả cao, do chi phí phân phối hàng lạnh cao hơn những mặt hàng khô khác. Những rào cản này tạo nên lợi thế cho các doanh nghiệp hiện hữu trong ngành và làm mức độ cạnh tranh của ngành kem không quá khốc liệt như những ngành thực phẩm khác.

Theo Thế Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên