MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán Bảo hiểm Xã hội, lộ nhiều vấn đề

06-02-2017 - 17:28 PM | Xã hội

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt vấn đề và dự báo nhiều quỹ bảo hiểm sẽ bị âm trong tương lai gần...

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 và đánh giá hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước…tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Phân bổ dự toán sai quy tắc 162 tỷ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2015, Bảo hiểm Xã hội đã thực hiện dự toán chi quản lý bộ máy là hơn 7.407 tỷ đồng, tăng 75,8% tức khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014.

Các khoản phát sinh khiến dự toán chi của Bảo hiểm Xã hội tăng mạnh gồm chi phí tuyên truyền mở rộng khách hàng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 699 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ thông tin là 967 tỷ đồng, chi giao dịch điện tử lên tới 200 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho biết qua kiểm tra, công tác lập dự toán của Bảo hiểm Xã hội còn nhiều tồn tại, sai sót. Một số đơn vị khi lập dự toán chi quản lý bộ máy, phần chi về sửa chữa tài sản cố định dùng nguồn chi không thường xuyên nhưng lại ghi là nguồn chi thường xuyên như Lâm Đồng, Lào Cai…

Tại Cục Việc làm, việc xây dựng dự toán chưa phù hợp dẫn đến số dư chuyển năm sau cao, đạt khoảng 53 tỷ đồng. Một số hạng mục quyết toán chậm là 12 tỷ đồng. Các trung tâm giới thiệu việc làm chưa tập hợp đủ chứng từ quyết toán kịp trong năm dự kiến là 37 tỷ đồng.

Ngày 28/1/2015, Thủ tướng ban hành Quyết định số 153 giao dự toán chi quản lý bộ máy của Bảo hiểm Xã hội là 5.397 tỷ đồng, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm xã hội giai đoạn 2012 - 2015 là 1.263 tỷ đồng.

Song, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc phân bổ dự toán chi quản lý bộ máy không đúng nguồn, số tiền lên tới 162 tỷ đồng. Điển hình là dự án phần mềm quản lý và dự án trung tâm dữ liệu ngành đã lập dự toán vào nguồn vốn xây dựng cơ bản là 157 tỷ đồng nhưng Bảo hiểm Xã hội vẫn tính vào dự toán chi quản lý bộ máy; Kinh phí quản lý bộ máy cho 3 dự án gồm SMS, tiếp nhận hồ sơ, phần mềm quản lý chi với tổng là 5,03 tỷ đồng trong khi dự án này đã hoàn thành và sử dụng nguồn vốn từ năm 2012.

Số dư kinh phí bộ máy cuối năm còn lớn đạt 1.448 tỷ đồng gồm các dự án công nghệ thông tin, Cục Việc làm, các văn phòng, bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc phòng...

Nguyên nhân là do các dự án chậm tiến độ, chưa tổng hợp đầy đủ và chính xác số chi thù lao.

Báo cáo tài chính 2015 có sai số

Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng thu thực hiện của Bảo hiểm Xã hội năm 2015 là 148.375 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền lãi từ hoạt động đầu tư lên tới 32.476 tỷ đồng.

Tổng chi bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 102.476 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, chi bảo hiểm tự nguyện là 320 tỷ đồng, tăng 95,6% so với năm 2014. Chi bảo hiểm y tế đạt 49.003 tỷ đồng.

Kinh phí chi quản lý bộ máy được Chính phủ giao là 6.679 tỷ đồng, song tổng số kinh phí sử dụng lên tới 7.021 tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm Xã hội mới đề nghị quyết toán 5.573 tỷ đồng, còn lại 1.448 tỷ vẫn chưa quyết toán, chuyển năm sau.

Đặc biệt, đã có sự khác nhau giữa báo cáo do Bảo hiểm Xã hội công bố và kết quả sau kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bảo hiểm Xã hội điều chỉnh các thông số: Khoản phải nộp cho Ngân sách nhà nước tăng 54 tỷ đồng do cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế, do nộp thiếu thuế thu nhập cá nhân; giảm các khoảng phải trả là 35 tỷ đồng; giảm chi bảo hiểm tự nguyện là 1,9 tỷ đồng; giảm chi quản lý bộ máy là 35,6 tỷ đồng, tăng quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 120,7 tỷ đồng; giảm kinh phí quản lý bộ máy lên tới 162 tỷ đồng…

Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xảy ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Tình trạng này được phát hiện từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa khắc phục. Tổng số thẻ được cấp trung nhau lên tới 116.096 thẻ.

Nguy cơ âm quỹ

Theo số liệu báo cáo tài chính của Bảo hiểm Xã hội, số dư các quỹ đến hết 2015 là 471.813 tỷ đồng, trong đó gồm quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 370.360 tỷ đồng, Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện (2.989 tỷ đồng), Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (49.180 tỷ đồng), Quỹ bảo hiểm y tế (49.282 tỷ đồng).

Kiểm toán Nhà nước cho biết Quỹ hưu trí - tử tuất dự báo đến năm 2031 chênh lệch thu chi bắt đầu âm 35.962 tỷ đồng, kết dư cuối năm 2031 là 3.848.676 tỷ đồng, đến năm 2047 bắt đầu mất cân đối với số dư quỹ âm 625.540 tỷ đồng.

Quỹ ốm đau - thai sản dự báo đến năm 2025 chênh lệch thu - chi quỹ bắt đầu âm 1.421 tỷ đồng, kết dư cuối năm 2025 là 86.417 tỷ đồng, đến năm 2035 quỹ bắt đầu mất cân đối, số âm quỹ là 24.011 tỷ đồng.

Quỹ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp dự báo chưa mất cân đối vì có kết dư ngày càng tăng, dự báo dư quỹ hết năm 2025 là 61.232 tỷ đồng.

Về quỹ Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Kiểm toán Nhà nước cho biết nếu không có biến động lớn về vĩ mô, các chu kỳ kinh tế quốc tế và trong nước ảnh hưởng đến thị trường lao động và việc làm thì dự án cân đối quỹ Bảo hiểm tự nguyện sẽ đảm bảo. Đến năm 2020, chênh lệch hut chi quỹ Bảo hiểm tự nguyện là 668 tỷ đồng.

Quỹ Bảo hiểm y tế, năm 2015 số dư quỹ tăng 11.938 tỷ đồng song khả năng cân đối quỹ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách y tế, xã hội của Nhà nước, mức thu đóng của người tham gia, chính sách giá viện phí, tác động của giá thuốc, vật tư y tế… do đó rất khó khăn trong việc dự báo tình hình cân đối quỹ trong dài hạn.

Theo báo cáo, nửa đầu năm 2016, số chi đã vượt quỹ khám chữa bệnh 3.404 tỷ đồng.

Với tốc độ chi như vậy, từ năm 2017, Quỹ Bảo hiểm Y tế bắt đầu bội chi hàng năm và phải dùng quỹ dự phòng để bù đắp. Năm 2017, Quỹ dự phòng phải bù 14.464 tỷ đồng, năm 2018 phải bù 16.736 tỷ đồng, năm 2019 phải bù 18.354 tỷ đồng. Cuối năm 2019, quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.

Theo Bạch Dương

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên