MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vấn đề trong việc bán điện của EVN

Kiểm toán nhà nước cho biết EVN còn một số khoản chi phí như chênh lệch tỷ giá, khấu hao, chênh lệch cước phí vận chuyển khí... chưa được phản ánh đầy đủ trong phương án giá điện.

Những vấn đề trên vừa được Kiểm toán nhà nước (KTNN) đưa ra trong báo cáo kiểm toán 2016 về tình hình giá bán điện giai đoạn 2014 – 2016.

KTNN cho biết trong giai đoạn 2014 – 2016, giá điện được EVN, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tính toán, xác định, quyết định, điều chỉnh và thực hiện… dựa theo các nguyên tắc, cơ chế, quy định tại Quyết định số 69 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/11/2013.

Qua kiểm toán giai đoạn này, KTNN nhận định việc xác định giá và công khai giá bán điện của các đơn vị thực hiện vẫn đang tồn đọng một số vấn đề.

Thứ nhất, một số quy định hướng dẫn cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

KTNN nhận xét định nghĩa về giá bán điện (bình quân và bình quân cơ sở) chưa được rõ ràng; quy định về tần suất và mức điều chỉnh giá bình quân giữa hai lần liên tiếp chưa được sát với thực tế.

Bên cạnh đó, quy định về giám sát của cơ quan quản lý với giá điện chưa kịp thời, quy định về thẩm định giá chưa rõ ràng, khiến cho có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện…

Thứ hai, KTNN cho biết hoạt động quản lý, điều hành và thực hiện cơ chế điều chỉnh giá bán điện đang chịu tác động, ảnh hưởng của một số yếu tố khách quan, tạo nên khó khăn cho việc đạt mục tiêu, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện.

Cụ thể, quyết định mức điều chỉnh giá điện còn lệ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá đến tình hình kinh tế xã hội và điều hành vĩ mô, an sinh xã hội nên có thời điểm chưa sát với thực tiễn biến động của các yếu tố chi phí, giá thành. Giá điện còn chịu ảnh hưởng lớn vào yếu tố thủy văn, thủy lợi và đặc thù vận hành hệ thống điện.

Bên cạnh đó, tình trạng khách hàng gian lận kê khai đối tượng sử dụng để được áp dụng mức giá thấp hơn biểu giá nhưng chưa có chế tài đủ mạnh cũng gây khó khăn cho EVN trong quản lý thực trạng này...

Thứ ba, KTNN cho biết công tác tổ chức thực hiện quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót của cơ quan quản lý, của EVN

Theo đó, EVN còn một số khoản chi phí như chênh lệch tỷ giá, khấu hao, chênh lệch cước phí vận chuyển khí ...chưa được phản ánh đầy đủ trong phương án giá điện.

Một số khoản thu khác như thu lãi tiền gửi (chi phí lãi vay đã tính vào giá thành), thu công suất phản kháng, thu cho thuê thiết bị điện cho dù đã hạch toán đúng chế độ tài chính, kế toán nhưng chưa được xem xét quản trị để giảm mức điều chỉnh khi xác định phương án giá bán điện.

EVN có những tồn tại trong chấp hành quy định về giá bán lẻ điện như thiếu bảo lãnh hợp đồng, ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng phân kỳ chưa đúng ngày theo quy trình kinh doanh, chưa sử dụng công tơ 3 giá một số khách hàng tiêu thụ điện lớn...;

Bên cạnh đó, EVN còn một số thiếu sót trong quản lý doanh thu, chi phí, giá thành điện cần được chấn chỉnh, khắc phục; còn một số hạn chế, tồn tại trong tổ chức thực hiện các quy định về đàm phán, ký kết Hợp đồng mua bán điện cần rà soát, sửa đổi, bổ sung.

KTNN đề nghị EVN cần phải rà soát, khắc phục qua đó đảm bảo mục tiêu quản lý, điều hành của Nhà nước về hoạt động điện lực, cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh điện ổn định, tăng trưởng nhằm cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.

Ngày 30/6 vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định số 24 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện thay cho Quyết định số 69. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết Quyết định mới này có thể giải quyết được các tồn đọng của Quyết định 69 trước đó.

N.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên