MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kienlongbank đã bán xong cổ phiếu STB?

01-04-2021 - 20:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh họa (H.K)

Ảnh minh họa (H.K)

Khối lượng giao dịch cổ phiếu STB cả trên sàn lẫn thỏa thuận đều rất lớn trong những ngày vừa qua. Riêng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu STB tháng 3 đạt tổng cộng tới 100 triệu đơn vị.

Giao dịch cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gây chú ý đặc biệt trong những phiên gần đây, không chỉ ở giá leo lên đỉnh cao nhất kể từ năm 2007 mà còn ở những phiên khớp lệnh và thỏa thuận "khủng".

Cụ thể, trong phiên 30/3, STB tăng trần với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, trị giá xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Đây là phiên có khối lượng lớn nhất của cổ phiếu này kể từ ngày niêm yết tới nay. Đồng thời giá cổ phiếu cũng chính thức bước qua ngưỡng 20.000 đồng.

Phiên tiếp theo là ngày 31/3, cổ phiếu STB tiếp tục tăng giá cùng hơn 56 triệu đơn vị được khớp lệnh. Sang phiên hôm nay 01/4 khi VnIndex lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử tại trên 1.216 điểm, STB của Sacombank tăng lên 21.600 đồng - cao nhất trong 14 năm - cùng hơn 33 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Không chỉ trên sàn, cổ phiếu STB cũng được giao dịch thỏa thuận với khối lượng rất lớn. Đơn cử như phiên 24/3 có tới hơn 45,2 triệu cổ phiếu STB được trao tay, trị giá hơn 901 nghìn tỷ đồng. Phiên 22/3, 17/3 và 10/3 cũng có hơn chục triệu cổ phiếu mỗi phiên được trao tay, trị giá trên dưới 300 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng các phiên giao dịch thỏa thuận riêng tháng 3 ở cổ phiếu STB đạt gần 100 triệu đơn vị.

Những diễn biến trên của STB làm thị trường không khỏi liên tưởng đến việc Kienlongbank bán số cổ phiếu này để xử lý tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng trước đó. Bởi Kienlongbank trong năm 2020 đã có 2 lần chào bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ, trong đó giá khởi điểm lần 1 là 24.000 đồng/cổ phiếu, lần 2 hạ xuống là 21.600 đồng/cổ phiếu nhưng đều bất thành vì thời điểm đó STB trên thị trường chỉ có giá khoảng 12.000 đồng.

Hồi cuối tháng 1/2021 khi Kienlongbank đại hội cổ đông bất thường, với sự tham gia của nhóm cổ đông mới đến từ Sunshine Group, và ngay sau đó là hội nghị triển khai kế hoạch 2021, bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc ngân hàng đã chia sẻ về các khoản nợ liên quan đến cổ phiếu STB. Theo CEO của ngân hàng này, trong năm 2020, Kienlongbank đã bán được một phần của số cổ phiếu STB, giảm được 369 tỷ đồng nợ xấu, và tháng 01/2021 bán thêm được một phần nữa. Ngân hàng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ cổ phiếu STB còn lại và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.

Như vậy rất có cơ sở để tin rằng Kienlongbank đã bán xong toàn bộ cổ phiếu STB như kế hoạch, với giá cao. Thông tin chính thức sẽ phải chờ ngân hàng lên tiếng tại đại hội cổ đông thường niên sắp tới, hoặc số liệu tại báo cáo tài chính quý 1. Năm nay, Kienlongbank đặt kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, gấp khoảng 6 lần so với 2020, trong đó phần lớn "trông chờ" vào việc xử lý số cổ phiếu STB.

Nhìn sang Sacombank, ngân hàng này thời gian qua làm ăn khá thuận lợi với kết quả kinh doanh luôn cao hơn dự kiến, việc xử lý nợ xấu cũng được đẩy nhanh hơn so với kế hoạch tại Đề án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hồi năm 2017. Trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên sẽ diễn ra ngày 23/4 tới, Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận 4.000 tỷ đồng cho năm 2021, tăng khoảng 20% so với năm 2020 và lần đầu tiên ban lãnh đạo nhà băng này nhắc tới chuyện chia cổ tức cho cổ đông kể từ khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015.

Sự tiến triển của Sacombank cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại. Trong mấy phiên giao dịch gần đây, khối ngoại liên tục mua ròng STB với khối lượng hàng triệu cổ phiếu.

 

Hằng Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên