Kinh doanh cua kiểng, ếch khủng làm cảnh: Từ đam mê đến nghề tay trái kiếm bộn tiền
Với vẻ ngoài độc lạ và bắt mắt, nhiều người không ngại bỏ ra vài trăm nghìn để sở hữu một con cua hay ếch.
- 22-08-2022Vườn chim hơn 1 tỷ đồng trên sân thượng
- 22-08-2022Ngôi nhà thời gian 470m2 ở Kon Tum: Mọi ngóc ngách đều mang đậm phong cách kiến trúc nhiệt đới
- 21-08-2022Khám phá ‘công viên đá’ triệu năm tuổi - nơi săn bình minh cực đẹp ở Ninh Thuận
Nở rộ trào lưu nuôi cua kiểng làm cảnh
"Khoảng 12 năm trước, tôi có chuyến công tác sang Thái Lan. Trong thời gian đó, tôi biết đến phong trào nuôi cua cảnh của họ đang rất phát triển. Rồi tôi tậu 2 con cua cảnh Thái Lan về nuôi thử, ban đầu chỉ định mua chơi thôi. Ngày ấy, chi phí mang về tới Việt Nam là khoảng 1,3 triệu đồng/con", anh Hà Xuân Lộc (34 tuổi, có 10 năm kinh nghiệm chơi cua kiểng) chia sẻ. Anh hiện là chủ chuỗi cửa hàng cung cấp cua cảnh tại Hà Nội, Đà Lạt và TP.HCM.
Biết đến trào lưu nuôi cua kiểng từ lâu, song 6 năm sau anh Lộc mới bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên trong công việc kinh doanh cua cảnh. "Tôi nhận thấy đây là thú chơi mới đồng thời là hướng đi mới. Tôi tập trung nghiên cứu về sinh sản của cua, ban đầu rất khó khăn vì chưa thử trên quy mô lớn. Vì thế số lượng cua chết nhiều hơn so với lượng sinh sản được. Tôi phải thay đổi nhiều mô hình cho phù hợp, tính đến nay đã trải qua 4 mô hình mới thành công. Nhiều lúc, tôi từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng rồi vẫn quyết tâm làm".
Năm 2010 là mốc thời gian đáng nhớ khi anh Lộc quyết định chuyển mình từ kỹ sư xây dựng sang nuôi và kinh doanh thú cưng, chủ yếu là chó và mèo cảnh. Khi đó, trào lưu nuôi thú cảnh đang bùng nổ ở Việt Nam. Cho đến nay, đây vẫn là mũi nhọn kinh doanh và tồn tại song song với công việc kinh doanh cua và cá cảnh của anh Lộc.
Anh Lộc là người chơi cua kiểng với 10 năm kinh nghiệm. Ảnh: NVCC.
Cua kiểng gây ấn tượng nhờ vẻ ngoài hầm hố, màu sắc bắt mắt. Ảnh: NVCC.
Mỗi tháng anh Lộc bán được 2.000 con cua, cả bán lẻ lẫn sỉ cho các cửa hàng cá cảnh, nhưng chưa bao gồm số lượng xuất khẩu. Trước đó, nguồn xuất ra chủ yếu là đi nước ngoài. Đến khoảng 2 năm gần đây, thị trường trong nước mới hưởng ứng hơn. Đại dịch diễn ra khiến không ít nhà buôn gặp khó khăn, anh Lộc cũng không ngoại lệ. Tình trạng hạn chế vận chuyển, biên giới đóng cửa khiến công việc trì trệ, không xuất bán được.
Cua kiểng (không phải động vật ngoại lai xâm hại) thu hút người chơi nhờ vẻ ngoài rực rỡ và hầm hố. Mỗi giống cua lại có hình dáng khác nhau. Chẳng hạn, cua Hainan Potamon Rubrum nổi bật với chiếc càng cong to, tròn. Trong khi đó, giống cua ma cà rồng (Geosesarma dennerle) gây ấn tượng với càng và chân có lông, trông như gai nhọn.
Hiện, cửa hàng của anh Lộc có khoảng 25 giống cua thuộc 3 chi lớn là Tiwaripotamon, Hainan Potamon, Indochinamon. Trong đó, Hainan Potamon Rubrum là giống bán chạy nhất. Giá cua càng cong dao động 80.000-350.000 đồng/con. Một con Hainan Potamon Rubrum đẹp cần đáp ứng được các tiêu chí như không vết xước, đủ chân và càng, có màu ấn tượng.
Tùy giống, cua kiểng có hình dáng đặc trưng riêng. Ảnh: NVCC.
Kích thước của cua kiểng được đo theo chiều dài của mai, dao động 3-7 cm. Với mỗi kích thước và màu sắc khác nhau, cua có thể được bán với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/con. Anh Lộc cho biết việc mua cua cảnh phổ biến với mọi tầng lớp, không chỉ riêng khách hàng chịu chi. Nhiều khách hàng của anh đã mua cua về nuôi cùng với cá cảnh, hoặc bỏ hẳn cá khó nuôi và tập trung chăm cua.
Với kinh nghiệm 10 năm, anh Lộc nhận thấy cua cảnh dễ chăm hơn so với cá, bởi chúng có thể sống được trong cả môi trường nước và không khí. Thức ăn của cua không cầu kỳ, mỗi lần ăn cách 3-5 ngày. Do vậy, ngay cả những người bận bịu cũng có thể chăm cua. Tuy nhiên, anh Lộc lưu ý chủ nuôi nên để tâm khi cua đến giai đoạn lột xác vài tháng/lần.
"Khi trào lưu nuôi cua cảnh bùng nổ, rất nhiều người đã vào rừng khai thác cua hoang dã về bán với giá rẻ. Nhưng những con cua này tiềm ẩn nguy cơ lây ký sinh trùng như sán, đỉa ẩn nấp trong cơ thể. Chúng là nguồn lây bệnh lớn cho các sinh vật khác trong bể, gây nhiễm ký sinh trùng nguồn nước và cả người chơi. Đây là kinh nghiệm nhiều năm thuần cua hoang dã để sinh sản và nuôi tôi muốn chia sẻ tới cộng đồng", anh Lộc nhấn mạnh.
Ảnh: NVCC.
Ếch hầm hố cũng có thể làm thú cưng
Đầu năm 2021, Văn Tài (28 tuổi, ở TP.HCM) lần đầu biết đến trào lưu nuôi ếch cảnh qua mạng xã hội. Những chú ếch với hình dáng độc đáo cùng màu sắc sặc sỡ đã thu hút Văn Tài. Sau khi tìm hiểu về thông tin cũng như nơi bán, Văn Tài quyết định bỏ ra 200.000 đồng để tậu con ếch màu xanh thuộc giống Pacman. Tính đến nay, Văn Tài có hơn 200 con ếch với đa dạng giống và màu sắc. Anh cho biết đã đầu tư hơn 20 triệu đồng cho sở thích này.
Đến cuối năm 2021, Văn Tài bắt đầu kinh doanh ếch cảnh để tăng thu nhập, bên cạnh công việc chính là nhân viên bảo trì hệ thống siêu thị. Anh cho biết trung bình mỗi tháng bán được hơn 100 con ếch, đem lại nguồn thu không dưới 15 triệu đồng/tháng.
Nhờ đăng bài trên các nhóm về ếch cảnh, Văn Tài đã có khách hàng đầu tiên. Song buôn bán vào thời điểm dịch bệnh diễn ra, công việc của Văn Tài gặp không ít khó khăn. Anh phải tạm ngưng kinh doanh do sự hạn chế về vận tải và đi lại, ít người biết đến cửa hàng của anh. Cho đến giữa năm nay, công việc kinh doanh mới bắt đầu đem lại lợi nhuận cho Văn Tài.
Tuỳ vào màu sắc, giá Pacman có thể thay đổi khác nhau. Ảnh: Văn Tài.
Tuỳ vào màu sắc, kích thước và chủng loại, giá ếch dai động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/con. Văn Tài cho biết Pacman Frog là giống bán chạy nhất, giá thấp nhất cho một con bé màu xanh là 200.000 đồng. Màu sắc càng hiếm và độc lạ, giá bán càng cao.
Ếch Pacman hay ếch ngoài hành tinh, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Giống ếch này đặc trưng với vẻ ngoài tròn và miệng lớn, gợi nhớ đến nhân vật trong trò chơi điện tử Pac-Man. Ếch Pacman trưởng thành có thể đạt kích thước 11,5-16,5 cm, sống được 7-15 năm.
Bên cạnh Pacman, dân "sành chơi" còn chuộng giống Bullfrog. Anh Nguyễn Tuấn Đức (28 tuổi, ở TP.HCM) cho biết mức giá của dòng ếch này dao động 600.000 đồng đến một triệu đồng/con, tuỳ vào "tướng tá có đẹp hay không".
Bullfrog còn có tên gọi khác là ếch yêu tinh hay ếch bò châu Phi. Chúng nổi bật nhờ vẻ ngoài hầm hố và kích thước lớn, gương mặt trông có phần hung dữ. Lúc trưởng thành, Bullfrog có thể nặng hơn 2 kg, đạt chiều dài tối đa là 24 cm với con đực, 12 cm với con cái.
Đây cũng là dòng ếch đầu tiên mà anh Đức trải nghiệm khi mới biết đến trào lưu này. Anh chia sẻ đã chi một triệu đồng để sở mua về một con ếch giống Bullfrog.
"Ban đầu, tôi nuôi vì thích rồi chụp ảnh, đăng lên hội nhóm. Nhiều người thấy vậy cũng thích và ngỏ lời mua lại ếch của tôi. Lúc đó, tôi thấy được giá nên bán rồi mua thêm những giống khác về để tăng trải nghiệm", Tuấn Đức chia sẻ. Sau khoảng 2 năm, Tuấn Đức hiện sở hữu hơn 100 con ếch và hiện là một trong những dân buôn ếch cảnh ở TP.HCM.
Bullfrog thu hút với vẻ ngoài hầm hố. Ảnh: Tuấn Đức.
Với Tuấn Đức, việc nuôi và kinh doanh ếch làm thú cưng như bộ môn giải trí đồng thời giúp anh tăng thêm thu nhập. Công việc bên lề này không tốn nhiều thời gian hay gây ảnh hưởng tới nghề chính của Tuấn Đức. Thỉnh thoảng, anh cũng tham gia vào các buổi gặp mặt, giao lưu trực tiếp của hội nhóm nuôi ếch cảnh.
Với kinh nghiệm 2 năm, Tuấn Đức cho biết việc chăm sóc ếch cảnh không quá khó khăn hay tốn nhiều công sức. "Người nuôi chỉ cần chọn thức ăn tươi sống, vệ sinh chuồng sạch sẽ. Ngoài ra, tôi cũng tự tìm hiểu và chữa một số bệnh vặt ở ếch nên việc chăm sóc cũng không quá khó khăn", Tuấn Đức nói.
Trong khi đó, Văn Tài cho biết anh thường dành 5-6 tiếng mỗi ngày để chăm ếch. "Muốn duy trì số lượng ếch sống và phát triển, tôi thường nuôi tách riêng mỗi con. Việc làm này sẽ tốn nhiều thời gian chăm sóc hơn nhưng ít hao hụt hơn so với việc nuôi chung", Văn Tài chia sẻ.
Ảnh: Văn Tài.
Trí thức trẻ