Kinh doanh du lịch: vỏ Việt, ruột Trung Quốc!
Giám đốc điều hành một khách sạn ở Nha Trang, cho biết từng “làm ăn” với một vài doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc đưa khách đến Nha Trang và thấy có nhiều bất thường...
- 16-07-2013Kinh doanh du lịch theo kiểu chộp giật
- 12-01-2012Cho thuê rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch
- 11-11-2011Kinh doanh đa cấp du lịch và mánh khóe dụ người nghèo
Với lượng du khách Trung Quốc ồ ạt đổ đến TP Nha Trang, Khánh Hòa thời gian gần đây, ngành du lịch địa phương này có nhiều cơ hội duy trì mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cho biết đang vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, đặc biệt là hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng người Việt để kinh doanh du lịch.
Tai tiếng người Việt chịu
Chiều 3-5, hai chiếc xe khách loại 45 chỗ dừng trước một cửa hiệu bán hàng lưu niệm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Nha Trang) để “đổ” du khách Trung Quốc vào tham quan, mua sắm. Đây là nơi chuyên bán đồ lưu niệm bằng các loại gỗ quý, trầm hương... với giá rất cao.
Không chỉ nơi này, nhiều điểm chuyên bán hàng lưu niệm trên các con đường Vân Đồn, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương... cũng tấp nập khách Trung Quốc đi theo đoàn trên những chiếc xe khách loại lớn.
Ông Võ Thanh Minh, giám đốc điều hành một khách sạn ở Nha Trang, cho biết từng “làm ăn” với một vài doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc đưa khách đến Nha Trang và thấy có nhiều bất thường. Theo ông Minh, nhiều cửa hàng tại Nha Trang do người Trung Quốc làm chủ nhưng được người VN đứng tên.
Do đó, người chăm sóc khách của tour (tour leader), vốn là người Trung Quốc, thường đưa khách Trung Quốc vào những cửa hàng này, vừa “hỗ trợ” đồng hương nhưng cũng để được hưởng một khoản tiền hoa hồng, do giá bán sản phẩm cho du khách tại những cửa hàng này rất cao. “Nha Trang đang trở thành địa điểm để người Trung Quốc làm ăn, còn tai tiếng thì chúng ta chịu” - ông Minh bình luận.
Ông Bùi Minh Thắng, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành ở Nha Trang, cũng cho biết có công ty Trung Quốc đến làm việc và đề nghị rằng sẽ hợp tác trong giai đoạn đầu để “quen đường đi nước bước”.
“Đối tác này cho biết sau khi đã nắm địa bàn họ sẽ tự mở công ty lữ hành kết hợp với một chuỗi hoặc 2-3 nhà hàng, cửa hàng bán các sản phẩm địa phương, kể cả mở massage và chỉ bán cho khách đi tour của họ” - ông Thắng cho biết.
Do đó, ông Thắng cảnh báo nếu không sớm có giải pháp, trong tương lai không xa, phần lớn thị phần, lợi nhuận đối với thị trường du khách Trung Quốc chỉ thuộc về công ty du lịch Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Đào Trọng Tùng, trưởng chi nhánh Nha Trang của Công ty CP Du lịch VN - Hà Nội, bày tỏ lo ngại về hiện tượng các công ty lữ hành đang đua nhau giảm giá để thu hút khách Trung Quốc, trong khi năng lực chi phí của thị trường khách này vẫn cao như trước đây.
“Chất lượng sản phẩm du lịch Nha Trang sẽ đi xuống, uy tín điểm đến bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài” - ông Tùng cảnh báo.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Cũng theo các doanh nghiệp, với việc đua nhau cạnh tranh để kéo khách sẽ xuất hiện tình trạng nợ gối đầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Chẳng hạn, một công ty lữ hành Trung Quốc thông qua một đối tác ở VN để đưa khách sang du lịch, rồi đối tác này lại nợ gối đầu với đối tác trong nước... Cứ như vậy sẽ hình thành một kiểu “nợ đa cấp”.
“Khi doanh nghiệp Trung Quốc có vấn đề, không chịu thanh toán hoặc trả nợ, chỉ các doanh nghiệp trong nước ôm nợ” - giám đốc một doanh nghiệp khuyến cáo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-5, ông Trần Sơn Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã tiếp nhận nhiều thông tin về những vi phạm nêu trên và thời gian gần đây các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc những tồn tại, vi phạm trong hoạt động lữ hành và kinh doanh thương mại du lịch với thị trường khách Trung Quốc.
Đặc biệt, các cơ quan sẽ tập trung chống “núp bóng” kinh doanh, trốn thuế, sai phạm về giá và niêm yết giá, chất lượng sản phẩm không đảm bảo. “Du khách Trung Quốc lần đầu tiên đến với Nha Trang nhiều là tín hiệu vui.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp liên quan và cơ quan quản lý nhà nước phải thực thi nghiêm túc những quy định của pháp luật để không xảy ra các biến tướng trong kinh doanh du lịch lữ hành du khách Trung Quốc mà một số nơi từng mắc phải” - ông Hải nói.
Trước đó, trong đợt kiểm tra một số cơ sở bán hàng lưu niệm cho khách Trung Quốc vào giữa tháng 4-2016, lực lượng liên ngành của Khánh Hòa đã phát hiện có các vi phạm trong việc niêm yết giá, giao dịch trực tiếp bằng nhân dân tệ.
“Mức phạt của những hành vi vi phạm này rất cao, lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện chúng tôi đã chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử lý” - ông Nguyễn Văn An, đội trưởng Đội quản lý thị trường cơ động tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Tại buổi làm việc với 27 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khách du lịch Trung Quốc trên địa bàn TP Nha Trang mới đây, bà Phan Thanh Trúc, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Khánh Hòa, khuyến cáo các doanh nghiệp phải giữ lấy cơ hội khai thác thị trường khách Trung Quốc, thay vì để các doanh nghiệp Trung Quốc đưa khách đến rồi núp bóng làm ăn.
Thành lập chi hội doanh nghiệp lữ hành khách Trung Quốc
Ông Bùi Minh Thắng - chi hội trưởng chi hội lữ hành thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - cho biết từ đề xuất của các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Nha Trang đã thống nhất thành lập chi hội hoặc CLB các doanh nghiệp lữ hành khách du lịch Trung Quốc tại Nha Trang, dự kiến vào tháng 5-2016.
Mục đích của việc thành lập tổ chức này, theo ông Thắng, nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp hoạt động theo kiểu mạnh đơn vị nào đơn vị đó hạ giá để thu hút khách, ngăn chặn việc công ty lữ hành Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt hoặc nợ nần nhau..., đồng thời tìm giải pháp kinh doanh hiệu quả nhất, đảm bảo uy tín của điểm đến Nha Trang.
Tuổi trẻ