Kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp xăng dầu ở Đồng Tháp xin nghỉ bán
“Nhiều doanh nghiệp nói kinh doanh xăng dầu thua lỗ nên nghỉ bán nhưng khi họ gửi đơn lại viện lý do gia đình có người bệnh hoặc đang sửa chữa nhà nên xin dừng bán hoặc nghỉ bán. Đến nay có trên chục trường hợp như thế”.
- 15-08-2022Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
- 11-08-2022Giá xăng dầu giảm liên tiếp: DN vận tải mới chỉ lên kế hoạch giảm cước
- 03-08-2022Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mạnh tồn kho: Petrolimex trích lập dự phòng gần 1.260 tỷ, PSH lỗ hơn 300 tỷ, trong khi PVOil, Thalexim lãi lớn
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - Ảnh: MINH KHANG
Ngày 27-8, ông Nguyễn Hữu Dũng - giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp - cho biết đến thời điểm này, Đồng Tháp có trên chục hộ kinh doanh xăng dầu làm đơn gửi về sở xin nghỉ bán, với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, Đồng Tháp khẳng định nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo cho người dân.
"Xăng dầu cũng như các mặt hàng khác, có lời có lỗ. Tôi khẳng định xăng dầu tại Đồng Tháp không thiếu, còn chuyện doanh nghiệp nghỉ là do họ thấy không có lời nên làm đơn xin nghỉ.
Có mấy vấn đề trong vụ này: họ kinh doanh xăng dầu không lợi nhuận; họ nhập xăng vào cao nhưng bán ra thấp, dẫn đến bị lỗ và hoa hồng bán xăng dầu thấp, thậm chí là 0 đồng… nên họ xin nghỉ. Họ nói như vậy nhưng khi họ gửi đơn lên sở lại viện lý do gia đình có người bệnh hoặc đang sửa chữa nhà… nên xin dừng bán hoặc nghỉ bán", ông Dũng nói.
Trong khi đó, báo cáo của Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết từ đầu năm đến nay, An Giang có 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xin nghỉ bán với nhiều lý do như: làm ăn thua lỗ, nghỉ bệnh, sửa chữa cây xăng...
Qua giám sát, kiểm tra, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết các cửa hàng phần lớn đều nêu những khó khăn trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, nguồn cung cấp xăng dầu từ thương nhân phân phối nhỏ giọt gây khó khăn trong quá trình hoạt động; cá biệt có một số trường hợp chủ cửa hàng không mua được hàng; việc kinh doanh ngày càng thua lỗ do hoa hồng hiện nay rất thấp, có khi bằng 0 đồng; chi phí hoạt động cửa hàng gia tăng càng gây áp lực cho quá trình duy trì hoạt động tại các cửa hàng.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, An Giang cho biết nhiều doanh nghiệp xin nghỉ bán xăng dầu với nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thua lỗ - Ảnh: MINH KHANG
Riêng Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang đã có văn bản gửi Sở Công thương An Giang cho biết: "Một số địa phương lân cận và An Giang đã có hiện tượng đóng cửa hàng do đứt nguồn cục bộ, nhu cầu tiêu dùng đã và đang đổ dồn về hệ thống Petrolimex/Petrolimex An Giang.
Để đảm bảo cho cửa hàng xăng dầu hoạt động xuyên suốt, góp phần cùng Petrolimex An Giang ổn định thị trường, đòi hỏi tất cả các đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn phải chung tay trong việc cung ứng nguồn cho hệ thống đại lý nhượng quyền thương mại của mình.
Nếu tình hình nguồn không được kiểm soát tốt, tiếp tục cung ứng nhỏ giọt hoặc không cung ứng thì nguy cơ đóng cửa hàng xăng dầu trên diện rộng là có thể xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn".
Tuổi trẻ