MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế gặp khó, Thủ tướng Nhật muốn hoãn tăng thuế

31-05-2016 - 14:34 PM | Tài chính quốc tế

Tuy nhiên kế hoạch này của ông đã vấp phải rất nhiều phản ứng trái chiều...

Trong cuộc họp với nội các Nhật và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) mới đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố ông sẽ trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng thêm 2 năm rưỡi, kế hoạch này của ông cho đến nay đã đón nhận nhiều phản ứng trái chiều, theo Wall Street Journal đưa tin.

Theo kế hoạch trước đó, thuế tiêu dùng của Nhật hiện đang ở mức 8% sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 10% vào tháng 4/2017, tuy nhiên, Thủ tướng Abe muốn trì hoãn việc tăng thuế ít nhất đến tháng 20/2019.

Ông Abe đồng thời cũng khẳng định rằng chính phủ sẽ vẫn thực hiện mọi biện pháp cần thiết để giúp đảm bảo ổn định ngân sách cho chính phủ cũng như chính quyền các tỉnh.

Trước khi đưa ra tuyên bố về việc hoãn tăng thuế tiêu dùng thêm 2 năm rưỡi, nội các chính phủ Nhật đã thống nhất sẽ không tăng thuế tiêu dùng trong 2 năm, tuy nhiên sau đó Thủ tướng Shinzo Abe muốn trì hoãn việc đó thêm nửa năm nữa.

Nhiều chuyên gia kinh tế Nhật nhận định, chương trình kích thích kinh tế Nhật “Abenomics” của Thủ tướng Abe đã không mang lại nhiều kết quả tích cực như mong đợi trong thời gian gần đây, vì thế ông muốn trì hoãn tăng thuế càng lâu càng tốt để cứu kinh tế Nhật khỏi giảm phát.

Sau khi ông Abe lên nhậm chức Thủ tướng Nhật vào tháng 12/2012, thuế tiêu dùng đã được điều chỉnh tăng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014. Sau đó, lẽ ra thuế tiêu dùng đã được tăng lên 10% vào tháng 10/2015 nhưng đến tháng 11/2014, ông Abe thông báo hoãn tăng thuế 1 năm rưỡi.

Ngày hôm qua, giới tài chính Nhật đã có những phản ứng đầu tiên. Chủ tịch ngân hàng Mizuho lớn thứ hai tại Nhật tính theo tổng tài sản, ông Yasuhiro Sato, Nhật sẽ có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm nếu thông báo không tăng thuế mà không giải thích rõ ràng việc chính phủ sẽ lấy nguồn thu từ đâu để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

Dù vậy, ông Sato cũng thừa nhận rằng nếu tăng thuế đúng lộ trình trước đó, kinh tế Nhật sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực: “Rõ ràng việc tăng thuế hay không tăng thuế đều tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nhau, chính vì vậy giới đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu chính phủ có giải thích rõ ràng lộ trình bù đắp thâm hụt ngân sách”.

Nhiều chuyên gia tài chính khác khẳng định, nếu Nhật không tăng thuế theo kế hoạch đã đề ra trước đó, hình ảnh của chính phủ Nhật trong giới đầu tư quốc tế sẽ bị tổn hại. Lý do là bởi kế hoạch tăng thuế đã được lập ra với mục tiêu đến năm 2020 Nhật sẽ có thặng dư ngân sách.

Từ tháng 3 năm nay, Moody đã cảnh báo chính phủ Nhật về khả năng điều gì sẽ xảy ra nếu họ không tăng thuế tiêu dùng. Báo cáo của Moody's có đoạn viết: “Việc trì hoãn tăng thuế tiêu dùng, bất luận lý do là gì đi nữa, sẽ gây ra gánh nặng tài khóa lớn cho nước Nhật”.

Vào tháng 11/2014, khi Thủ tướng Abe tuyên bố hoãn tăng thuế, Moody's từng hạ xếp hạng tín nhiệm của Nhật từ mức Aa3 xuống A1, tương đương với Israel và Cộng hòa Séc.

Cũng trong ngày hôm qua, một số thành viên đảng đối lập đã kêu gọi Thủ tướng Abe phải từ chức nếu ông không tăng thuế đúng thời hạn.

Theo Đan Nguyên

VnEconomy

Trở lên trên