Kinh tế Pháp - Bài toán hóc búa cho vị Tổng thống đắc cử trẻ tuổi nhất từ thời Napoleon
Liệu Emmanuel Macron – người vừa đắc cử với những cam kết mang tính đột phá và kinh nghiệm của 1 người từng là cố vấn kinh tế xuất sắc của Tổng thống đương nhiệm Hollande – có thể tạo nên sự khác biệt?
- 09-05-2017Tổng thống đắc cử Pháp Macron từ chức Chủ tịch phong trào Tiến bước
- 08-05-2017Ứng viên Tổng thống Pháp nhảy nhót vui vẻ ngay tại trụ sở đảng sau khi bại trận
- 08-05-2017Emmanuel Macron: Từ cậu học trò yêu cô giáo tới Tổng thống đắc cử của nước Pháp
- 08-05-2017Sau bầu cử Pháp, chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh cao nhất kể từ 2015
- 08-05-2017Kế thừa nước Pháp trong mớ rối ren, đây là 9 thách thức lớn mà ông Macron sẽ phải đối mặt
Có thể ví nền chính trị nước Pháp như một bản nhạc đều đều lặp đi lặp lại. Các Tổng thống mới được bầu bao giờ cũng tạo nên 1 làn sóng lạc quan trong công chúng. Tổng thống quả quyết những biện pháp cải cách sâu rộng nền kinh tế sẽ giúp hồi sinh tăng trưởng và giảm thất nghiệp nhưng cuối cùng lại không thể thực hiện những gì đã cam kết. Nền kinh tế tiếp tục vật lộn với khó khăn và Tổng thống lại bị chán ghét.
Trong suốt 30 năm qua, 4 đời Tổng thống là François Mitterand, Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và François Hollande đều đi lên từ hai đảng chính, hoặc Xã hội hoặc Cộng hòa. Nhưng các vấn đề nhức nhối của kinh tế Pháp vẫn chưa được giải quyết. Vậy thì liệu Emmanuel Macron – người vừa đắc cử với những cam kết mang tính đột phá và kinh nghiệm của 1 người từng là cố vấn kinh tế xuất sắc của Tổng thống đương nhiệm Hollande – có thể tạo nên sự khác biệt?
Bài toán hóc búa về kinh tế Pháp
Nếu đặt cạnh kinh tế Đức, sức mạnh của kinh tế Pháp đã đi xuống rõ rệt trong thời gian gần đây. Cách đây 50 năm, Đức và Pháp là hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực eurozone với chất lượng cuộc sống tương tự nhau. Ngày nay, mức GDP bình quân đầu người của Đức nhỉnh hơn khoảng 15% so với Pháp. Khi đồng euro ra đời năm 2002, cả hai nước cùng có tỷ lệ thất nghiệp ở quanh mức 8%. Ngày nay tỷ lệ ở Đức đã giảm xuống dưới 4% còn của Pháp là gần 10%.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ còn tội tệ hơn. Cứ 4 thanh niên dưới 25 tuổi ở Pháp thì sẽ có 1 người thất nghiệp. Ông Hollande đã đạt được một số thành công trong việc tăng cường đào tạo nghề và cải tổ hệ thống luật pháp để các chủ sử dụng lao động dễ dàng thuê mướn và sa thải công nhân hơn, nhưng 85% số việc làm mới được tạo ra ở Pháp trong năm ngoái chỉ là những công việc tạm thời, thậm chí đa số có thời hạn dưới 1 tháng.
Đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Từ giữa những năm 1990 đến thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2007, Pháp chỉ xếp trên Italy về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm các thành viên được xếp vào hàng giàu có của tổ chức OECD. Sau khi cơn bão khủng hoảng qua đi, kinh tế Pháp đã bị kinh tế Anh, Mỹ và Đức bỏ lại phía sau trên con đường phục hồi.
Nước Pháp có nền công nghiệp phát triển khỏe mạnh, chênh lệch giàu nghèo ở mức độ tương tự như Đức và Hà Lan nhưng thấp hơn rất nhiều so với Anh và Mỹ. Tỷ lệ có việc làm trong độ tuổi 35-54 cũng cao hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ đặc biệt giữa Đức và Pháp khiến Pháp lâm vào thế khó. Một phần nguyên nhân khiến Pháp lên tiếng bênh vực đồng tiền chung châu Âu khi ý tưởng này xuất hiện là do Pháp tin rằng một liên minh tiền tệ sẽ giúp giảm bớt tầm ảnh hưởng của Đức lên các chính sách kinh tế của châu Âu. Theo Pháp, 1 đồng tiền chung sẽ là “chất xúc tác” cho sự hội tụ về kinh tế.
Ngay ở thời điểm đó Đức đã luôn nghi ngờ về điều này và thực tế đã chứng minh Đức đúng. Cuối cùng thì sự khác biệt về tốc độ phát triển kinh tế đã đẩy Pháp về sau hậu trường trong khi Đức luôn lo sợ mình sẽ phải ra tay cứu cả eurozone. Berlin ngày càng mất kiên nhẫn với thực trạng các chính trị gia Pháp không thể thực hiện lời hứa cải cách. Kết quả là, cán cân quyền lực trong mối quan hệ Pháp – Đức không còn cần bằng.
Ông Macron sẽ làm gì?
Theo Charles Grant, chuyên gia đến từ nhóm nghiên cứu Centre for European Reform, ông Macron muốn 2 điều từ Đức. Đầu tiên, ông muốn Berlin đẩy mạnh lực cầu nội địa để giúp các nhà xuất khẩu của Pháp nói riêng và của cả châu Âu nói chung. Thứ hai, ông muốn hoàn thiện dự án liên minh tiền tệ bằng cách triển khai 1 ngân sách chung cho khu vực eurozone, được quản lý bởi 1 nghị viện và 1 bộ trưởng Tài chính chung cho tất cả các nước.
Người Đức đầu tư và chi tiêu nhiều hơn chắc chắn sẽ giúp ích cho các thành viên khác của eurozone. Ai cũng cảm nhận được sự bất ổn của đồng euro trong trạng thái chưa hoàn thiện như hiện nay. Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo rằng người Đức có thể dễ dàng đồng ý với những đề xuất của ông Macron. Và dù ông Macron được toại nguyện, cũng không thể đảm bảo chắc chắn rằng làm như vậy sẽ giúp tăng trưởng tăng tốc và tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Các vấn đề của Pháp xuất phát từ những nguyên nhân nội tại như sự cứng nhắc trong cấu trúc nền kinh tế hay trên thị trường lao động chứ không phải từ lực cầu bên ngoài. Giải pháp là cắt giảm mạnh chi tiêu và người lao động Pháp cần phải chấp nhận cả những công việc lương thấp hơn mong đợi.
Đây là lời giải thích cơ bản nhất cho những vấn đề mà nền kinh tế Pháp gặp phải kể từ khi từ bỏ học thuyết kinh tế Keynes vào đầu những năm 1980. Các nhà hoạch định chính sách Pháp cho rằng mục tiêu duy nhất của chính sách quản lý kinh tế vĩ mô phải là giữ cho lạm phát ở mức thấp, thông qua kiểm soát cung tiền. Chính sách tài khóa (thay đổi mức thuế và chi tiêu công) là không hiệu quả, và rằng nền kinh tế là 1 bộ máy có cơ chế tự điều chỉnh sẽ đạt được trạng thái toàn dụng lao động khi mà giá cả và tiền lương co giãn linh hoạt.
Nói cách khác, Pháp không từ bỏ từ bỏ bất cứ thứ gì khi gia nhập khối eurozone bởi vì tất cả những gì cần thiết chỉ là ECB để giữ lạm phát thấp và để các chính trị gia ở Paris bắt tay vào thực hiện những cải cách có ý nghĩa.
Ngược lại, nếu như vẫn duy trì học thuyết Keynes, Pháp sẽ phải chấp nhận rằng không phải nền kinh tế tự động điều chỉnh trước những cú sốc mà phải thông qua cả 3 đòn bẩy kinh tế là lãi suất, tỷ giá và chính sách tài khóa. Vì không thể triển khai tất cả những “vũ khí” này, tốc độ tăng trưởng trung bình của 12 thành viên đầu tiên của eurozone đã giảm từ mức 3,4%/năm trong những năm 1970 xuống còn 0,1% trong giai đoạn 2009 – 2015.
Nhìn từ khía cạnh này, Tổng thống đắc cử Macron dường như vẫn chưa tìm ra được một giải pháp mới mẻ, bởi ông vẫn nhìn nhận những vấn đề của nước Pháp xuất phát từ thực trạng thiếu hụt cải cách nguồn cung thay vì thiếu hụt lực cầu. Điểm khác biệt so với những người tiền nhiệm là nếu như ông không thể thực hiện được những lời hứa của mình, đảng Mặt trận quốc gia (FN) sẽ đặt ra cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 những thách thức lớn hơn nhiều so với lần này.