Kinh tế thế giới như "rắn mất đầu"?
Nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: không nước nào sẵn sàng hoặc đủ khả năng dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu.
- 01-09-2016Nhóm doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc lớn bằng kinh tế Đức, và đó là tin xấu với kinh tế thế giới
- 15-08-2016Đường đường là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới mà Nhật Bản lại tăng trưởng 0%
- 22-07-2016Thủ tướng Lý Khắc Cường: Trung Quốc không thể một mình gánh vác kinh tế thế giới
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ trì hoãn nâng lãi suất trong tuần này do quan ngại rằng, động thái trên sẽ làm USD tăng giá và ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Mỹ. Trung Quốc thì đang tái cơ cấu nền kinh tế nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Châu Âu cũng đang phải vật lộn khắc phục những hậu quả của sự kiện Brexit nhằm tránh nguy cơ tan rã của khối này.
“Tôi chưa thấy một đầu tàu kinh tế nào của thế giới đi đúng hướng. Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu đều đang gặp rắc rối với những vấn đề trong nước”, Barry Eichengreen, giáo sư đại học California, Berkeley nhận định.
Kết quả của tình trạng trên là tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ vẫn mắc kẹt trong mức từ 2-3%, kéo dài từ năm 2010 đến nay. Đây là mức tăng trưởng mà giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Christine Lagarde gọi là “điều tầm thường mới”. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 3,6% trong 5 năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09 xảy ra.
“Chúng ta sẽ có thêm ít nhất một năm di chuyển theo chiều ngang”, Nariman Behravesh, kinh tế gia trưởng của IHS cho biết. Ông dự đoán GDP toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm tới sau khi đạt mức 2,4% trong năm 2016.
“Hỏa lực” suy yếu
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và khu vực eurozone đã hết các biện pháp chính sách để thúc đẩy nền kinh tế của họ, Charles Collyns, kinh tế gia trưởng của Viện tài chính quốc tế nhận định.
Trong khi đó, Mỹ đã liên tục đóng vai trò làm đầu tàu tăng trưởng toàn cầu trong quá khứ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng với việc tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt trung bình 2,1% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không sẵn sàng để nước này gánh vác nhiều trách nhiệm như trước nữa.
“Tôi đã nói với các đồng nghiệp trên toàn thế giới rằng, Mỹ không thể là động cơ tăng trưởng duy nhất của kinh tế toàn cầu. Thế giới cần nhiều động cơ hơn nữa”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Jacob J. Lew phát biểu tại một hội nghị ở New York vào hôm 13/9.
Chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi
Cả Hillary Clinton và Donald Trump đều cam kết thực hiện đường lối cứng rắn hơn để bảo vệ quyền lợi thương mại của Mỹ nếu đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới. Bà Clinton tuyên bố sẽ bổ nhiệm một công tố viên thương mại để rà soát các hiệp định bất lợi với kinh tế Mỹ. Trong khi đó, ông Trump đã đe dọa áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc và Mexico.
Trung Quốc đã nắm giữ vị trí động cơ tăng trưởng toàn cầu sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 diễn ra. Nước này đã tăng cường đầu tư và cho vay doanh nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phải vật lộn với hậu quả của những chính sách trên – dư thừa công suất và tỷ lệ nợ công cao, và không muốn tiếp tục vai trò đầu tàu nữa.
Thủ tưởng Lý Khắc Cường đã cảnh báo trong tháng 7 rằng, mặc dù nước này vẫn sẽ là trụ đỡ cho kinh tế toàn cầu, họ đang phải chịu áp lực giảm tốc tăng trưởng ở trong nước.
“Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển. Chúng tôi không thể gánh vác những trách nhiệm nặng nề của kinh tế thế giới”, ông Lý phát biểu trong một hội nghị về kinh tế với lãnh đạo các định chế tài chính quốc tế.