MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại

Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2019 đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, phải gia tăng chống đỡ với những bất lợi bên ngoài. Chia sẻ Tweet

6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại; kim ngạch xuất khẩu đã giảm riêng trong tháng 6; tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm; thị trường chứng khoán tích lũy kéo dài…

Những dấu hiệu đó đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, Việt Nam phải gia tăng chống đỡ với những tác động bất lợi từ bên ngoài.

Tại phiên họp ngày 4/7 vừa qua, các thành viên của Chính phủ cũng đã tập trung thảo luận về những dấu hiệu này. Và quan điểm chung được Thủ tướng nhấn mạnh: “Dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào trong 6 tháng cuối năm 2019”.

BizLIVE dẫn lại ý kiến và ghi nhận đánh giá cơ bản từ đại diện bộ ngành, chuyên gia về bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2019 với những dấu hiệu đó.

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NẾU KHÔNG CÓ YẾU TỐ BẤT THƯỜNG TÁC ĐỘNG, GDP CẢ NĂM CÓ THỂ ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA

Nhìn chung, kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2019 của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát...

Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu; trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt khá, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%; trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017.

Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% là rất tích cực so với tăng trưởng chung của thế giới và khu vực, tuy nhiên, chưa đạt mục tiêu kịch bản cao đã đề ra, chưa thể hiện sự bứt phá trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực, các động lực hỗ trợ tăng trưởng chưa thực sự rõ nét, nền kinh tế còn gặp khó khăn.

Trong 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tăng trưởng kinh tế chậm, thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường.

Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra.

Nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu (6,8%).

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 2.

Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

KINH TẾ ĐÃ THỰC SỰ CÓ XU HƯỚNG SUY GIẢM, NHƯNG PHẢI XÉT ĐẾN BỐI CẢNH

So với lần công bố báo cáo gần nhất của chúng tôi vào tháng 12/2018, rõ ràng kinh tế đã thực sự có xu hướng suy giảm. Thế nhưng cũng phải xét đến bối cảnh xung quanh. Kinh tế Việt Nam như vậy vẫn tốt hơn so với nhiều nước khác trong khu vực.

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần phải sẵn sàng cho khả năng điều chỉnh chính sách khi mà nhiều rủi ro suy giảm có thể trở thành hiện thực. Việt Nam cần nâng cao chiều sâu của cải cách kinh tế nhằm tăng cường tính bền vững của nền kinh tế.

Bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn cũng như cả thế giới nói chung đều đã được điều chỉnh giảm xuống 2,6% từ mức 2,9%, trong đó đầu tư suy giảm do căng thẳng thương mại. Các nền kinh tế trong khu vực vì vậy cũng chịu nhiều khó khăn.

Tăng trưởng của Việt Nam có suy giảm trong nửa đầu năm 2019 nhưng mức độ không đáng kể. Xét đến các ngành, sự suy giảm diễn ra đồng loạt tại phần lớn các ngành, thế nhưng ngành chế tạo chế biến vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Nó cho thấy phần nào sự suy giảm của nhu cầu bên ngoài, bên cạnh đó là tác động giảm dần của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng đi xuống, phải xét đến hai yếu tố: giá thực phẩm giảm xuống và nhu cầu bên ngoài ảnh hưởng đến xuất khẩu nông nghiệp. Dịch tả lợn châu Phi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành, 3 triệu con lợn đã bị tiêu hủy từ đầu năm đến nay.

Ngành dịch vụ trong khi đó vẫn tăng trưởng tốt, do tiêu dùng trong nước quá tốt. Ngành xây dựng cùng lúc tăng trưởng mạnh, đến 8,7%. Nhu cầu trong nước vững vàng thúc đẩy cho sự phát triển của ngành dịch vụ trong nước.

Áp lực lạm phát nhìn chung tổng quan vẫn còn rất nhẹ. Trong 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,65% chủ yếu do một số loại giá cả dịch vụ hàng hóa do nhà nước quản lý tăng, đặc biệt giá điện.

Về chu kỳ tín dụng, chúng tôi thấy đang có sự suy giảm rõ ràng. Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý 2/2019 chỉ đạt khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian tới, chúng ta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ kiềm chế hơn tăng trưởng tín dụng để nó sát hơn với tăng trưởng GDP. Việt Nam đang tiến gần đến áp dụng Basel II và đây có thể coi như bước tiến rất lớn trong cải cách lĩnh vực ngân hàng. Vốn của các ngân hàng cần phải được tăng thêm rất nhiều để phù hợp với chuẩn mực của Basel II.

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHẬM LẠI BỘC LỘ NHIỀU VẤN ĐỀ

Điểm tích cực trong diễn biến kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 là các cân đối vĩ mô vẫn được kiểm soát tốt. Chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và giá lương thực, thực phẩm giảm khiến lạm phát được giữ ở mức thấp.

Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại đã bộc lộ nhiều vấn đề cần lưu ý.

Đầu tiên là sự chậm lại của công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp, hai ngành có tỷ trọng lớn thứ nhất và thứ ba trong nền kinh tế, là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng giảm. Trong công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử chỉ tăng 3.5% trong khi cùng kỳ tăng 17.5%.

Ngoài ra, GDP ngành nông nghiệp cũng chỉ tăng 1.3%, là mức tăng trưởng thấp nhất ba năm do ảnh hưởng của Elnino làm thời tiết khô hạn và xuất khẩu gạo tăng trưởng âm. Trung Quốc áp đặt nhiều rào cản kỹ thuật với việc nhập khẩu gạo của Việt Nam đã khiến xuất khẩu sang thị trường này giảm chỉ còn 1/4 so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 7.3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 16.6%, trong đó xuất khẩu của khối trong nước và khối FDI đều giảm sút. Với khối trong nước, xuất khẩu gạo, cà phê, điều, sắn, thủy sản giảm âm. Với khối FDI, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chủ lực như điện thoại, máy móc thiết bị, dệt may tăng chậm.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn và tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu (dư địa cầu nội địa còn rất nhỏ) nên xuất khẩu chậm lại là một cảnh báo với tăng trưởng kinh tế.

Nhập khẩu 6 tháng tăng 10.5%, xấp xỉ cùng kỳ trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện điện tử tăng tốc là một chỉ báo tương đối tích cực cho tình hình sản xuất trong quý 3.

Tuy nhiên nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng rất mạnh, gấp 5 cùng kỳ lên 1.7 tỷ USD làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô trong nước. Chỉ số công nghiệp sản xuất xe có động cơ tháng 6 giảm -0.7% (6 tháng tăng +11.4%). Việt Nam cần tiếp tục nâng các hàng rào bảo hộ bên cạnh việc sử dụng các chính sách ưu đãi sản xuất và tiêu dùng với ô tô sản xuất trong nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10.3%, nhỉnh hơn so với cùng kỳ là 10.1% nhờ đầu tư của khối tư nhân và khối FDI. Đầu tư từ khối nhà nước tăng thấp, tăng 3% trong đó vốn từ ngân sách tăng 3.7% (cùng kỳ tăng 9.4%). Chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách đến 15/6 mới đạt 26% kế hoạch năm.

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp không chỉ gây lãng phí nguồn vốn ngân sách (lượng tiền kho bạc gửi trong hệ thống ngân hàng còn rất lớn) mà còn làm lỡ cơ hội tạo tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại.

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

CÂN ĐỐI VĨ MÔ VÀ CHỐNG ĐỠ BẤT ỔN BÊN NGOÀI CỦA VIỆT NAM LÀ TƯƠNG ĐỐI TỐT

Trong nửa đầu năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến kém tích cực do các lo ngại về tình hình vĩ mô trong nước và thế giới. Cụ thể là tình trạng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ khiến cho thương mại toàn cầu sụt giảm.

Riêng đối với Việt Nam, mặc dù được đánh giá có nhiều cơ hội hưởng lợi từ cuộc chiến này trong dài hạn nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu; tuy nhiên trong ngắn hạn, nền kinh tế của chúng ta khó tránh khỏi những tác động tiêu cực, đặc biệt là sức ép giảm giá đồng Nhân dân tệ và chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá VND và cán cân thương mại của Việt Nam.

Tuy nhiên, dữ liệu quý 2/2019 và theo chúng tôi thì bức tranh vĩ mô bước đầu cho thấy những ổn định trước các rủi ro tiềm ẩn bên ngoài chưa đoán định được.

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ vào các FTAs đã ký kết (CPTPP và đặc biệt là EVFTA trong dài hạn) và sự phục hồi của Samsung ở mảng điện thoại di động do sự suy yếu từ các đối thủ Trung Quốc.

Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bắt đầu cân nhắc sẵn sàng dùng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nếu bất ổn toàn cầu đẩy rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế.

Chúng tôi nhận thấy lãi suất VND mặc dù không giảm nhưng nhiều khả năng sẽ ổn định. Và đặc biệt quan ngại về lạm phát sau khi tăng giá một số mặt hàng thiết yếu đã không còn khi lạm phát quý 2 chỉ gần 3% so với cùng kỳ.

Rõ ràng, sự cân đối vĩ mô và chống đỡ bất ổn bên ngoài của Việt Nam là tương đối tốt.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, khi doanh nghiệp vẫn tăng trưởng như hiện nay và nếu Chính phủ có chính sách tốt, thì việc tích lũy trong một thời gian của thị trường chứng khoán là bình thường. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ ổn định tích lũy đủ dài trước khi có hướng đi mới. Tôi hy vọng là hướng đi lên sau thời gian tích lũy này.

Theo Bizlive

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên