Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng (*): Nỗ lực giữ đà tăng trưởng
Những áp lực dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu như lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng... có thể kéo đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại.
- 12-07-2022Nếu tăng trưởng trung bình trên 6%, liệu GDP bình quân Việt Nam có đủ để "hóa hổ", lọt nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045?
- 12-07-2022Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách hơn 8.600 tỷ đồng
- 12-07-2022Chính phủ ban hành Nghị quyết riêng về phát triển thị trường vốn
Theo ông Shabsie Levy, nhà sáng lập nền tảng chuỗi cung ứng kỹ thuật số Shifl, giá cước vận tải biển giao ngay giữa Trung Quốc với bờ biển phía Đông và Tây Mỹ đã giảm mạnh vì nhu cầu tiêu dùng giảm ở Mỹ và nhiều nhà bán lẻ ở nền kinh tế số 1 thế giới đang thừa hàng tồn kho.
Mọi thứ dường như khó khăn hơn
Thực tế, chi phí sinh hoạt tăng cao ở Mỹ và châu Âu cùng với kỳ vọng của các nhà nhập khẩu về những đợt giảm thuế giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhu cầu nhập hàng Trung Quốc giảm mạnh. Trong khi đó, giá cước vận tải biển cũng bắt đầu lao dốc sau khi tăng lên mức kỷ lục dù là thông tin tốt cho các nhà nhập khẩu nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo về nhu cầu hạ nhiệt. "Nhu cầu bán lẻ yếu đã kéo giảm giá cước vận tải biển giao ngay và sẽ tiếp tục như vậy. Tôi sẽ không xem tình trạng giảm nhu cầu này là một cuộc suy thoái nhưng mọi thứ dường như đang trở nên khó khăn hơn" - ông Shabsie Levy nhìn nhận.
Trong khi đó, Giám đốc chiến lược đầu tư Yung-Yu Ma của Ngân hàng BMO Wealth Management (Mỹ), nhận định cầu tiêu dùng đang phải hứng chịu 3 áp lực cùng lúc, gồm: sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng đối với dịch vụ, ngân sách căng thẳng vì lạm phát và lo ngại suy thoái kinh tế.
Bà Ariane Curtis, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Công ty Tư vấn nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Eco-nomics (Anh), không cho rằng sẽ xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu nhưng sự chậm lại trong thương mại hoặc sự bình thường hóa nhu cầu sẽ dẫn đến kinh tế toàn cầu giảm tốc. Theo bà, mọi thứ sẽ không trở lại trạng thái trước dịch Covid-19 trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và thiếu nguồn cung.
Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng lập kỷ lục mới trong tháng 6 vừa qua lên 8,6%. Kỷ lục này của lạm phát xảy ra ngay trước thềm đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến được thông qua vào ngày 21-7 tới. Trong đó, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Tây Ban Nha lần đầu tiên vượt ngưỡng 10% kể từ năm 1985.
Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, nhóm dự báo kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu BAK Economics cảnh báo lạm phát đã vắng bóng hơn một thập kỷ qua đang trở lại. Chi phí hàng gia dụng của người tiêu dùng Thụy Sĩ trong tháng 6 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,5% so với tháng trước đó, chủ yếu do chi phí nhiên liệu tăng. Cùng với đó, giá tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Sĩ đã tăng 8,5% trong tháng trước.
Không chỉ Mỹ và châu Âu, nhiều nước châu Á cũng không tránh khỏi tác động lạm phát do ảnh hưởng chi phí thực phẩm và năng lượng leo thang. Dữ liệu từ Trung Quốc được công bố cuối tuần qua nhiều khả năng cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới suy giảm mạnh trong quý II/2022.
Tại Hàn Quốc, dữ liệu công bố hôm 5-7 cho thấy CPI tháng 6 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1998. Lạm phát của Thái Lan cũng vượt xa dự báo khi chạm mức cao nhất gần 14 năm vào tháng 6 với mức tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước. Tại Malaysia, lạm phát lương thực đang ở mức cao nhất trong 11 năm, tăng khoảng 5,2% trong tháng 5...
Chỉ suy thoái cục bộ
Trước diễn biến không mấy tích cực của kinh tế toàn cầu, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định suy thoái chỉ diễn ra cục bộ ở một số nước bởi dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu vẫn khoảng 3% trong năm nay và gần 3% vào năm tới. Dù vậy, xu hướng suy thoái vẫn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam do độ mở lớn của nền kinh tế.
"Với đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, dự báo thương mại toàn cầu chỉ tăng khoảng 4% năm nay, giảm 1,8 điểm % so với dự báo từ đầu năm, giảm mạnh so với mức 10,3% của năm 2021. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng đáng kể do cầu hàng hóa giảm trong bối cảnh lạm phát tăng, người dân thắt chặt chi tiêu. Lãi suất tăng khiến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) chậm lại, giảm cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam" - TS Cấn Văn Lực phân tích.
Chung nhận định, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản, cho rằng tác động từ việc một số quốc gia có dấu hiệu suy thoái kinh tế sẽ kéo đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại. Tăng trưởng chậm cùng với tình trạng lạm phát sẽ khiến thu nhập và việc làm giảm, sức mua từ đó giảm theo. "Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2007-2008 cho thấy ban đầu là khủng hoảng ở khu vực tài chính, sau đó lan sang các lĩnh vực khác khiến kinh tế Việt Nam cũng bị vạ lây" - ông Trình nói.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến đánh giá tác động của xu hướng suy thoái kinh tế thế giới đối với Việt Nam chưa lớn. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định: Mức độ ảnh hưởng lên tổng thể nền kinh tế Việt Nam sẽ chậm và không quá lớn. Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng nhưng nghiêng nhiều hơn ở đầu sản xuất. Các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu sản xuất công nghiệp. Trước làn sóng tăng giá, Việt Nam chủ động được sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Các chuyên gia cho rằng luôn có khó khăn cũng như cơ hội trong suy thoái kinh tế. Chẳng hạn, cơ hội sẽ đến từ việc giảm giá nguyên nhiên vật liệu, trong đó có xăng dầu, do nhu cầu giảm. Khi đó, DN trong nước, nhất là nhóm DN nhập khẩu lớn, có thể hạ được chi phí đầu vào, tạo điều kiện kiềm chế lạm phát cũng như tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ việc sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và lạm phát ở nhiều quốc gia. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang đối diện 2 vấn đề rất lớn là "bão" giá và tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Trong đó, giá xăng dầu tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí đầu vào và chi phí logistics tăng cao, khiến hoạt động sản xuất khó khăn hơn và gián tiếp tác động lớn đến tăng trưởng chung. Về lạm phát, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng đây chưa phải vấn đề quá "nóng" song nguy cơ và sức ép đang hiện hữu nên cần hết sức thận trọng trong điều hành giá.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), nhằm đối phó lạm phát tăng cao và bất ổn kinh tế, nhiều quốc gia đã và đang áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ, gây ảnh hưởng đến tỉ giá và các kế hoạch kinh doanh của DN. Khi đó, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong duy trì thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như các dòng vốn ngắn hạn. Trong khi đó, DN sản xuất và kinh doanh cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tín dụng trong nước bởi khả năng tăng lãi suất huy động và cho vay từ nay đến cuối năm là hiện hữu.
Quay về thị trường nội địa
Bộ KH-ĐT đã đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Kịch bản 1 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, đòi hỏi quý III tăng trưởng 7,9%, quý IV tăng 5,5%. Với kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% thì quý III phải đạt tăng trưởng là 9% (cao hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP) và quý IV tăng 6,3%. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%, cao hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra, để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Góp ý giải pháp ứng phó với xu hướng suy thoái kinh tế quốc tế, PGS-TS Nguyễn Văn Trình cho rằng DN có thể tập trung khai thác tối đa trở lại thị trường trong nước. Theo chuyên gia này, thực tế cho thấy chính sách của Việt Nam hay nhiều nước như Thái Lan, Indonesia... khi ứng phó với các đợt khủng hoảng cũng là quay về thị trường trong nước, kích thích tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, khu vực DN xuất khẩu, hàng không, du lịch... vẫn có thể tiếp tục tận dụng các thị trường đối tác có tăng trưởng kinh tế tốt. "Việc cần làm của DN xuất khẩu lúc này là ưu tiên giảm giá thành sản phẩm thông qua nâng năng suất lao động; cải tiến công nghệ; sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, nhân sự... Ngoài ra, có thể tìm những thị trường ngách, thị trường mới để thay thế hoặc giảm tác động từ thị trường truyền thống" - ông Trình chỉ rõ.
TS Cấn Văn Lực kiến nghị một trong những giải pháp giữ đà tăng trưởng cho nền kinh tế là quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao hoặc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng... Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh cải cách, hoàn thiện thể chế, nhất là cơ chế, chính sách phục vụ phục hồi, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các rào cản, xử lý các điểm nghẽn, giảm chi phí cho DN...
. Ông VƯƠNG ĐỨC ANH, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam:
Ngành dệt may lo lắng
Lạm phát tại Mỹ đã diễn ra 5 tháng liên tục, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ đặt ra trong năm ngoái. Diễn biến này buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải tăng lãi suất để kìm hãm đà tăng của lạm phát. Điều tất yếu không tránh khỏi khi lạm phát duy trì cao là sức mua của người tiêu dùng Mỹ sẽ giảm, qua đó giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, trong đó có dệt may.
Khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn trong việc chi tiêu các sản phẩm hàng tiêu dùng không thật sự cần thiết như quần áo để ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu khác. Trong quý đầu tiên của năm 2022, quần áo chỉ chiếm 3,9% tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, giảm đáng kể từ mức 4,3% vào năm 2019 (trước đại dịch Covid-19). Trao đổi với một số hãng thời trang lớn của Mỹ, chúng tôi ghi nhận thông tin các hãng đánh giá trong 3 tháng tới, nhu cầu mua dự báo giảm 15% do tác động của lạm phát hiện tại và người tiêu dùng rơi vào tình trạng "quá mua" hồi năm ngoái.
. Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Nỗ lực đạt kết quả tốt nhất
Tình hình DN ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 rất khả quan nhưng các yếu tố bất lợi đã xuất hiện khiến đà tăng trưởng đang chậm lại. Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là tình trạng lạm phát ở các thị trường chính như Mỹ, châu Âu... đang làm suy yếu sức mua. Thực tế, các đơn hàng xuất khẩu từ tháng 6 đã chậm lại. Do vậy, dù xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đã đạt 5,8 tỉ USD nhưng dự báo cả năm chỉ đạt ở mức khoảng 10 tỉ USD. Điều này khác với thông lệ mọi năm là xuất khẩu 6 tháng cuối năm thường nhiều hơn 6 tháng đầu năm do có nhiều lễ hội ở thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, đó là mục tiêu thấp nhất và DN trong ngành vẫn nỗ lực để có kết quả kinh doanh tốt nhất trong năm nay.
TP HCM đã thông báo chính thức giảm phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-8. Đây là tin vui đối với cộng đồng DN xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy những kiến nghị của cộng đồng DN đã được cơ quan chức năng xem xét và giải quyết kịp thời, góp phần hỗ trợ DN phục hồi, sản xuất kinh doanh sau giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh.
M.Chiến - A.Na ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-7
Người lao động