KQKD ngành Nhiệt điện: Quán quân tăng trưởng thuộc về Nhiệt điện Hải Phòng
Tuy nhiên, đó là không kể việc Nhiệt điện Cẩm Phả bất ngờ từ lỗ sang lãi, vượt kế hoạch năm.
Nhu cầu tiêu thụ điện Việt Nam được xác định tăng trưởng bình quân 10%/năm trong vòng 10 năm qua, và dự báo tăng trưởng khoảng 11% trong năm 2019 này. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của EVN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nhận định "nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ nếu chúng ta không có các giải pháp phát triển nguồn điện, lưới điện".
Hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam khoảng 48.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/năm, thì đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, sẽ tăng lên khoảng 130.000 MW.
Trong khi đó, thủy điện hiện đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nhưng tiềm năng đã khai thác gần hết, khó có khả năng phát triển thêm. Còn nhiệt điện than đang cấp khoảng 37-38% điện năng cho nhu của cả nước. Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống.
Báo cáo cho biết, chỉ tính riêng năm 2019, cả nước cần khoảng 58 triệu tấn than cho sản xuất điện. Và ngành than trong nước cũng đang gặp khá nhiều khó khăn. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, chỉ riêng nửa đầu tháng 7 cả nước đã chi 191 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than đá, nâng tổng lượng than đá nhập khẩu từ đầu năm lên gần 12 triệu tấn.
Doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp ngành than đều tăng so với cùng kỳ.
Do vậy, không quá ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp nhiệt điện công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm giảm sút so với cùng kỳ. Doanh thu Nhiệt điện Phả Lại (PPC) giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ, đạt 3.950 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm đến 18,4%, còn 584 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn bỏ ra cao. Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là việc nửa đầu năm ngoái công ty hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư đến 204 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm nay chỉ ghi nhận hơn 12 tỷ đồng. Nếu không có khoản này, Nhiệt điện Phả Lại sẽ vẫn đạt lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Dù vậy, với kế hoạch doanh thu 7.531 tỷ đồng và lãi trước thuế 781 tỷ đồng cho cả năm, Nhiệt điện Phả Lại đã hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận chỉ sau 6 tháng dù mới chỉ thực hiện được hơn 52% kế hoạch doanh thu.
Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) có doanh thu giảm 7,2% so với cùng kỳ, đạt 732 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí giá vốn đội lên cao nên lợi nhuận giảm hơn một nửa, còn 51 tỷ đồng – đây là toàn bộ lợi nhuận thu được trong quý 2 vừa qua. Còn quý 1 Nhiệt điện Bà Rịa thậm chí lỗ nhẹ gần 138 triệu đồng.
Nhiệt điện Bà Rịa cho biết, hiện công ty đang phát điện theo phương thức dịch vụ phụ trợ, sản lượng điện tùy thuộc vào nhu cầu của hệ thống. Công ty cũng đang đàm phán giá điện với Công ty mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do vậy doanh thu 6 tháng đầu năm đang là con số tạm tính.
Tuy nhiên, cũng là doanh nghiệp đang phát điện phụ trợ, sản lượng điện phát phụ thuộc vào trung tâm điều độ điện quốc gia huy động, Nhiệt Điện Ninh Bình (NBP) lại có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 547 tỷ đồng, tăng 60% so với nửa đầu năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 9,8 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Nguyên nhân, do sản lượng điện phát cao hơn cùng kỳ. Dù vậy, để hoàn thành chỉ tiêu 20,26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm, Nhiệt điện Ninh Bình còn phải cố gắng nhiều ở nửa cuối năm.
Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) công bố doanh thu quý 2 đạt 1.113 tỷ đồng, tăng 63% so với quý 2 năm ngoái. Lợi nhuận thu về đạt hơn 26 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 121 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là quý có lãi thứ 2 liên tiếp sau 5 quý báo lỗ.
Nguyên nhân chủ yếu, do chi phí giá vốn bỏ ra thấp, chi phí lãi vay giảm mạnh nhờ giảm dư nợ vay tài chính. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đến cuối kỳ còn hơn 3.470 tỷ đồng, giảm hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Nhiệt điện Cẩm Phả lãi sau thuế 35,3 tỷ đồng, cải thiện hơn rất nhiều so với số lỗ hơn 201 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, đồng thời giảm lỗ lũy kế xuống còn 1.040 tỷ đồng. Số lãi này cũng giúp Nhiệt điện Cẩm Phả vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận gần 2,4 tỷ đồng mà công ty đặt ra cho cả năm.
Kết quả kinh doanh thuận lợi cũng là một trong những yếu tố giúp giá cổ phiếu NCP tăng mạnh. Nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay cổ phiếu NCP đã tăng gấp 2,6 lần, từ mức giá 3.000 đồng/cổ phiếu lên 7.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Về nhân sự, ngoài sự thay đổi vị trí Trưởng BKS, thì về phía nhân sự cấp cao, ông Dương Hồng Hải được bổ nhiệm vào vị trí Phó TGĐ Nhiệt điện Cẩm Phả thay ông Nguyễn Đình Tuấn từ 26/3/2019.
Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 5.117 tỷ đồng, tăng 1,34% so với nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế ngược lại giảm 2,1%, còn 270 tỷ đồng. Tuy vậy công ty cũng đã hoàn thành 74% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Nếu tính riêng quý 2, doanh thu tăng 3,4% so với cùng kỳ, đạt 2.591 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn tăng đến 5,5% dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 34 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn 300 tỷ đồng. Nhờ chi phí lãi vay giảm, lỗ chênh lệch tỷ giá giảm nên Nhiệt điện Quảng Ninh mới ghi nhận lãi sau thuế 121 tỷ đồng trong quý 2, nâng tổng LNST nửa đầu năm lên trên 270 tỷ đồng.
Ngoài sự tăng trưởng vượt bậc của Nhiệt điện Cẩm Phả, thì doanh nghiệp đáng nhắc đến trong ngành nhiệt điện nửa đầu năm 2018 chính là Nhiệt điện Hải Phòng (HND). Nếu tính riêng quý 2, doanh thu tăng trưởng 28%, đạt 3.312 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế bất ngờ gấp 2,3 lần, đạt 415 tỷ đồng. Nguyên nhân chính, do giá vốn giảm, chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay giảm.
Tính chung 6 tháng đầu năm doanh thu Nhiệt điện Hải Phòng tăng gần 8,9% so với cùng kỳ, đạt 5.754 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 539 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 514,7 tỷ đồng, tăng trưởng đến 57% so với nửa đầu năm ngoái. Kết quả này cũng giúp Nhiệt điện Hải Phòng ghi tên vào danh sách những câu lạc bộ sớm vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.
Điểm chung của các ngành nhiệt điện đang là khoản chi phí tài chính cao, mà chủ yếu là chi phí lãi vay, do chưa giảm hết khoản vay nợ đầu tư dự án. Bên cạnh đó, đây cũng là những doanh nghiệp bị tác động mạnh nhất về tỷ giá. Đồng thời, giá nguyên liệu than đang tăng mạnh, đặc biệt nguồn than nhập khẩu đang là một khó khăn lớn với các doanh nghiệp nhiệt điện than.
Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Hiện nay nguồn thủy điện ở Việt Nam đã cơ bản khai thác hết, nhiệt điện khí có chi phí đắt, năng lượng tái tạo đang ở giai đoạn bắt đầu, vì thế nhiệt điện than vẫn là xu hướng tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng.
Tuy nhiên vấn đề trọng tâm khi phát triển nhiệt điện than là đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập khẩu nguyên liệu sơ cấp. Như vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam phải phát triển nguồn điện than với công nghệ hiện đại, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế.
Các chuyên gia năng lượng cũng đã chia sẻ quan điểm, cùng với việc phát triển nhiệt điện than theo hướng bền vững, cần chú trọng đầu tư, phát triển thêm các nguồn điện mới như điện mặt trời, điện gió.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- DIC Corp (DIG) điều chỉnh tăng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán
- HANCorp báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2019 giảm 10 lần so với cùng kỳ
- Nghịch lý: Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh nhưng cổ phiếu lại quay đầu giảm
- Intresco (ITC) báo lợi nhuận tăng gấp đôi sau soát xét, cổ phiếu tăng 36% sau 2 tháng
- Phân bón Miền Nam (SFG) điều chỉnh giảm 55% LNST sau kiểm toán do LG Vina hủy chia cổ tức