MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ!

05-01-2024 - 21:29 PM | Lifestyle

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ!

Theo KTS Trần Tiến, khi làm nhà, việc hoạch định tài chính cần được làm rõ ràng ngay từ đầu. KTS Trần Tiến cũng chỉ ra một ưu điểm khi anh "làm nhà" cho giới doanh chủ, đó là thiết kế của anh sẽ "không có giới hạn" về tài chính.

KTS Trần Tiến là nhà sáng lập Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại AMAZVIETNAM. Với nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn và sự am hiểu sâu sắc về phong cách sống nghỉ dưỡng, KTS Trần Tiến là người đầu tiên tại Việt Nam định nghĩa khái niệm “Resort In Home” - Nhà là nơi ta tìm thấy tận cùng của sự bình yên trong tâm hồn, tìm thấy sự cân bằng giữa con người, thiên nhiên và không gian sống”.

KTS Trần Tiến cùng đội ngũ lựa chọn khách hàng của mình là giới doanh chủ. Bởi lẽ, anh và cộng sự quan điểm rằng, một cá nhân xuất chúng luôn biết cách tích lũy rất nhiều giá trị kiến thức, tinh thần và vật chất – Lấy đó làm Di sản kế thừa cho hậu thế. Ngôi nhà cũng chính là nơi mà Gia đình, Gia tộc và cả Hệ tư tưởng của giới Doanh chủ được gìn giữ, phát triển, lưu truyền và mang lại giá trị cho nhiều thế hệ sau này.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 2.

Anh bắt đầu thành lập văn phòng AMAZ - văn phòng kiến trúc của riêng mình như thế nào?

Tôi thành lập văn phòng kiến trúc năm 26 tuổi, xuất phát điểm từ một người làm nghề, học nghề đúng nghĩa. Nghề của chúng tôi là nghề bán chất xám, không giống những nghề kinh doanh thuần tuý khác vì nguyên liệu đầu vào được cấu thành từ rất nhiều thứ, tiền vốn để làm nghề chỉ là một phần, chủ yếu là khả năng tích lũy về kiến thức và các mối quan hệ bền vững.

Từ khi học ĐH cho đến khi chính thức bắt đầu vào con đường khởi nghiệp, tôi đã trải qua 3 môi trường làm việc: Doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, văn phòng khởi nghiệp. Sau khi cảm nhận, trải nghiệm qua nhiều môi trường khác nhau, tôi biết điểm ưu, nhược của từng môi trường làm việc và nghĩ rằng nên làm một điều gì đó cho mình. Khi khởi nghiệp, tôi cũng khá may mắn vì có nhiều bạn bè cùng học đại học cũng đã “đồng cam cộng khổ” với tôi. Đến bây giờ, đội ngũ đồng hành với nhau từ những ngày học đại học đã trở thành những người đồng nghiệp, co-founder để làm việc cùng nhau.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 3.

Khi khởi nghiệp văn phòng kiến trúc, anh có gì trong tay để đặt những viên gạch đầu tiên cho công ty kiến trúc của mình?

Mọi người hay dùng từ khởi nghiệp trắng tay, từ hai bàn tay trắng nhưng tôi thấy không đúng. Chúng ta được học 12 năm và 4, 5 năm đại học, đây chính là tài sản rồi. Mình cũng được sự ủng hộ từ gia đình, sự hậu thuẫn từ bạn bè thì đó cũng là tài sản lớn. Và hãy tận dụng những tài sản sẵn này để làm việc.

Thời điểm đầu tiên tôi khởi nghiệp thì tài sản đầu tiên mà tôi có là sự bền trí. Từ lúc làm đồ án lúc đi học hay cho đến tận khi kinh doanh, chưa bao giờ tôi bỏ cuộc khi gặp vấn đề khó, mọi vấn đề tôi đều giải quyết hết. Khi có đủ sự bền trí, mình sẽ làm được.

Điều thứ hai là sự tích luỹ. Tôi biết đến một câu nói: “Ai đó sẽ trở thành một người hiểu thực sự của một nghề khi họ làm việc đủ 10 ngàn giờ”. Khi tôi chính thức làm việc đạt đủ 10 ngàn giờ, tôi tự tin bắt tay vào khởi nghiệp.

Điều thứ ba là sự tin tưởng. Tôi may mắn khi nhận được sự tin tưởng từ đội ngũ. Bây giờ, các anh, các bạn từ cấp phó giám đốc cho đến quản lý, kể cả khối nhân sự, marketing cũng đều là bạn học đại học của tôi. Những người sếp cũ đã từng là người thầy, người anh của tôi bây giờ cũng quay lại hỗ trợ.

Tôi nghĩ là khi mình có những thứ này, chưa nhắc đền về tiền thì đó cũng là tài sản lớn. Đặc biệt là với những người khởi nghiệp liên quan đến phát triển kỹ năng tự có của mình.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 4.

Những công trình mà anh và đội ngũ thiết kế phần lớn đều mang hướng đưa resort về nhà, nghỉ dưỡng tại nhà. Vì sao anh và đội ngũ lại lựa chọn phương châm này?

Phong cách “resort in home” đến từ bên trong con người tôi. “Resort in home” là phong cách sống nghỉ dưỡng tại nhà. Khi về nhà, có những lúc, tôi không bật tivi, chỉ có nhu cầu ở một mình, nghe nhạc nhẹ nhàng. Tôi nghĩ đây là lối sống, mình thật sự sống trong chính ngôi nhà của mình. Nhưng nếu chỉ như thế không thì chưa đủ.

Trong xã hội guồng quay rất nhanh, người ta hối hả kiếm tiền, hối hả đi làm…rồi nói “cuối tuần này cả nhà mình đi chơi nhé, đi resort nhé!”. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta cứ phải chạy đi theo đuổi một hạnh phúc nào đấy xa, tại sao không khai thác hạnh phúc ấy tại chính vị trí mà mình đang ở. Chúng ta có thể nghỉ dưỡng được 1 tháng 30 ngày và 1 năm 365 ngày, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều ấy ở nhà. ⅓ thời gian cuộc đời chúng ta dành để ngủ. ⅔ thời gian thức chúng ta dành để ở nhà, chỉ có 8 tiếng ra ngoài. Nếu chúng ta không chú trọng cuộc sống thực sự của mình thì chúng ta còn chú trọng gì nữa?

“Resort in home” ra đời là như vậy, giải quyết nhu cầu “sống đúng nghĩa”, nhu cầu về hạnh phúc đúng nghĩa có thể tìm kiếm ngay xung quanh không cần xa xôi.

Để đem không gian nghỉ dưỡng vào những căn nhà giữa phố thị, anh và đội ngũ gặp phải khó khăn gì?

Khó khăn đầu tiên là thay đổi suy nghĩ, lối sống của khách hàng. Đây là điều khó khăn nhất. Giữa một người ngày nào cũng đi làm về rất muộn, lúc nào cũng công việc nhưng bây giờ mình làm một ngôi nhà để kéo họ về nhà ăn cơm lúc 6h tối chẳng hạn, đây là một câu chuyện rất khó. Mình phải thay đổi căn nguyên của vấn đề để giải quyết, thay đổi lối sống của họ. Từ những người lúc nào cũng trăn trở với công việc, kiếm tiền, suốt ngày ở ngoài và làm sao để kéo họ về là một bài toán khó.

Khó khăn thứ hai là vùng địa lý, hay còn là vi khí hậu. Môi trường về kiến trúc ở phía nam của Việt Nam rất thoáng và mát. Nhưng không thể bê công trình đó ra Hà Nội được, vì ở Hà Nội vào mùa hè thì rất nóng nhưng mùa đông thì cực kỳ lạnh, ngoài ra còn những yếu tố về côn trùng, độ ẩm. Những vấn đề này vẫn có thể khắc phục được bằng chuyên môn.

Khó khăn thứ 3 là hoạch định về tài chính khi làm nhà. Chúng ta cứ hay nói giảm nói tránh về tiền nhưng điều này là không nên. Chúng ta chỉ thật sự hạnh phúc khi bước vào một ngôi nhà mới, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, không nặng gánh gì cả. Chúng ta không thể hạnh phúc nổi nếu làm xong nhà chúng ta có nợ. Ban đầu xác định làm 5-6 đồng nhưng khi làm không hoạch định thì ngân sách lên đến 10 đồng, làm sao chúng ta có thể hạnh phúc trong ngôi nhà như vậy được. Lúc này khái niệm về hạnh phúc, “resort in home” không còn nữa. Tôi khá rõ ràng, tôi hay hỏi khách hàng là anh chị đã có kế hoạch về tài chính chưa, từ đó mới lên được các phương pháp, phân bổ tài chính cho từng hạng mục.

Mọi thứ đều phải được hoạch định từ đầu. “Resort in home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 5.

AMAZ – Thiết kế nhà dành cho giới Doanh Chủ, anh có thể chia sẻ thêm về “slogan” này của AMAZ? Tại sao lại là thiết kế nhà cho doanh chủ mà không phải ai khác?

Những vị giám đốc, chủ doanh nghiệp… gọi chung là những người có sức ảnh hưởng lớn, phần đa họ đều bận rộn vì trên vai họ gánh vác rất nhiều trách nhiệm. Trách nhiệm với ngàn nhân viên, với gia đình, con cái, nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ, với xã hội… họ gồng gánh quá nhiều thứ. Chúng ta có thể nhìn bên ngoài họ đi xe đẹp, mặc quần áo đẹp… nhưng thật sự rất nhiều người tôi đã tiếp xúc thì thấy rằng họ bị tổn thương. Họ luôn có những nỗi lòng mà không thể chia sẻ với vợ con, với bất kỳ ai cả.

Khi làm nhà cho giới doanh chủ, tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện, vấn đề của họ. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi đi tìm những câu trả lời, bài toán để giải bài toán cho họ. Khách hàng của tôi nhiều người là chủ tịch, tổng giám đốc lớn các tập đoàn xây dựng, nắm trong tay cả 100 KTS, nhưng họ rất im lặng và đến làm việc với tôi. Bởi vì họ nói đôi khi những người gần họ không hiểu họ. Họ đến đây không phải xem một công trình nào đấy đẹp, mà vì triết lý “resort in home”.

Tôi làm việc với khách hàng sẽ không với cương vị làm dịch vụ mà giống như người bác sĩ, họ có vấn đề không giải quyết được thì tôi sẽ giải quyết vấn đề đó. Một điều đặc biệt nữa khi làm việc với giới doanh chủ là họ có tài chính bền vững, điều này có nhiều lợi thế. Điển hình như việc thiết kế của tôi sẽ không có giới hạn về tài chính. Làm việc với giới doanh chủ - tinh hoa của xã hội, họ không cần phải nói nhiều, sự thấu hiểu đến rất dễ dàng.

Một vài điều đặc biệt anh thấy được khi thiết kế nhà cho giới doanh chủ là gì?

Với giới doanh chủ là khách hàng của tôi, họ đặt ra một số tiêu chí. Người giàu thì thường họ biết rõ họ muốn gì. Có người đang trên hành trình lập nghiệp, một công trình người ta cần thỏa mãn yếu tố về khẳng định vị thế. Những người trong giai đoạn ở sự nghiệp tốt rồi, đôi khi họ không quan tâm đến vấn đề người ta nghĩ gì về mình, họ muốn làm một ngôi nhà ít người hiểu được, chỉ họ hiểu được thôi, một ngôi nhà độc bản, cá nhân.

Một công trình tốt là công trình vượt ra kỳ vọng ban đầu. Tôi có một khách hàng đặc biệt, là một chủ tịch lớn. Anh lựa chọn với tôi chỉ vì một câu nói: “Anh có một cuộc sống rất bận rộn, em biết là anh không có nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái anh bây giờ các bạn ấy đang đến tuổi lớn rồi. Anh nên thiết kế ra một ngôi nhà mà các bạn ấy dù đi đâu cũng phải trở về”. Lúc này anh mới giật mình nhận ra đấy mới là thứ anh quan tâm nhất. Và sau đó anh ấy nói rằng, vậy đây sẽ là công trình để đời của anh. Anh ấy là một chủ tịch lớn, có nhiều dự án lớn khủng khiếp nhưng với anh ấy dự án lớn nhất, quan trọng nhất lại chính là ngôi nhà.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 6.

“Anh từng chia sẻ, tại AMAZ mỗi kiến trúc sư và nhà thiết kế đều có những màu sắc rất riêng. Nhưng chúng tôi biết cách hòa phối những màu sắc ấy, để mang đến một thiết kế độc bản – đậm cá tính gia chủ”. Vậy cái tôi của KTS và cá tính của gia chủ được anh dung hoà như thế nào?

Đây là vấn đề lớn. Với người làm công việc sáng tạo để dung hòa được điều khách hàng mong muốn với những thứ mình có là rất khó. Tôi không bao giờ đưa ra chỉ định bắt buộc với khách hàng, không bao giờ dùng từ phải. Cách làm của tôi sẽ là cho khách hàng lựa chọn 3 phương án. Trong tất cả quá trình làm việc, tôi không bao giờ quyết định thay khách hàng, tôi sẽ đưa cho họ 3 yếu tố và phân tích ưu, nhược. Chính sự thấu hiểu và đưa cho họ sự lựa chọn tốt hoặc tốt hơn, tốt vừa thì việc đấy tôi đã dung hòa được.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 7.

Là KTS, với những trường hợp khách hàng khó tính, anh thường có cách gì để thuyết phục họ?

Tất cả khách hàng của tôi đều khó tính, tôi chưa bao giờ e ngại điều này. Những người trong giới doanh chủ, họ không thể thành công nếu họ không khó tính, nhưng đối với tôi đó là sự may mắn. Tôi cũng là một người cực kỳ khó tính. Làm việc với những người khó tính thì xác suất sai gần như rất thấp. Tôi luôn luôn khó tính hơn khách hàng. Điều này chưa bao giờ là vấn đề với tôi.

Anh có thể chia sẻ một số nguyên tắc bất di, bất dịch của mình khi làm nghề?

Tôi có 3 nguyên tắc. Nguyên tắc số 1 là nghề KTS không phải là nghề dịch vụ, chúng tôi sinh ra để giải quyết những vấn đề khó của khách hàng. Nguyên tắc thứ 2 là không đặt nhiều kỳ vọng vào một sự vật, sự việc, đừng đặt tiêu chuẩn kép. Nguyên tắc 3 là hoạch định tài chính là một vấn đề bắt buộc trước khi bắt đầu công việc chuẩn bị hành trang thiết kế một ngôi nhà. Tôi luôn thống nhất quan điểm này với khách hàng ngay từ đầu.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 8.

Để chia sẻ một vài lời đến các KTS trẻ, anh sẽ nói gì?

Nếu ở thời điểm này tôi khởi nghiệp, tôi vẫn cứ đi lại con đường của mình ngày xưa, chuẩn bị hành trang từ kiến thức, mối quan hệ, tài chính… Sau đó lên một kế hoạch rồi cứ đi. Lúc này, khả năng thất bại rất thấp. Đã biết đánh là sẽ thắng, đã biết thắng thì không bao giờ thua, đã biết cách thua thì không bao giờ chết. Hãy bắt đầu là đi học đi, cứ phải học cái đã rồi mới làm.

KTS Trần Tiến kể chuyện thiết kế nhà cho giới doanh chủ: “Resort In Home” không thể hạnh phúc nếu “money” không đủ! - Ảnh 9.


Theo Minh Nguyệt - Thiết kế: Hà Mĩ

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên