Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua 24 luật và nghị quyết
Sau 1 tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 21/6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
- 21-06-2017Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu, áp dụng từ 15/8/2017
- 20-06-2017Quốc hội thông qua bổ sung tội sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn vào Bộ luật Hình sự
- 20-06-2017Quốc hội thông qua bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ luật Hình sự
Trong phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 luật và 4 nghị quyết, bao gồm Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các mặt, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án luật.
Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 5 dự án luật, làm cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Quốc hội cũng đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2016 và việc thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và qua thực tiễn hoạt động của mình, các vị đại biểu Quốc hội đã sôi nổi phát biểu nhiều ý kiến, tranh luận, phân tích toàn diện, sâu sắc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, năng động của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua với những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong một số ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mới mà nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nội tại và khách quan, đòi hỏi phải có nhiều cố gắng, nỗ lực thì mới có thể hoàn thành được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm, có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm 2017.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Về thảo luận, Quốc hội đã tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn so với các kỳ họp trước đây thêm nửa ngày lên tổng cộng 3 ngày, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; kế hoạch và đầu tư. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, nhóm những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri và dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao.