Kỳ lạ công ty có doanh thu chưa từng vượt qua mức 0 nhưng cổ phiếu tăng hơn 3.000% trong 8 tháng, phá kỷ lục của Tesla
Blink Charging Co. chưa từng công bố lợi nhuận hàng năm trong suốt 11 năm hoạt động. Thậm chí, năm ngoái, họ còn cho biết có thể sẽ phá sản.
- 09-02-2021Giá Bitcoin bùng nổ, vượt 46.000 USD sau tuyên bố đầu tư của Tesla
- 08-02-2021Tesla bất ngờ thông báo mua 1,5 tỷ USD Bitcoin và sẽ chấp nhận sử dụng đồng tiền này để thanh toán
- 01-02-2021Sự thật cay đắng khiến Elon Musk phiền lòng: Tesla kinh doanh có lãi không phải nhờ bán xe ô tô!
Công ty chỉ có tiềm năng, không có doanh thu
Không một thông tin nào về tài chính của Blink Charging Co. cho thấy đây là một trong những cổ phiếu "hot" nhất nước Mỹ. Công ty này chưa từng công bố lợi nhuận hàng năm trong suốt 11 năm hoạt động. Thậm chí, năm ngoái, họ còn cho biết có thể sẽ phá sản, đang mất thị phần, kéo doanh thu xuống mức thấp và hoạt động quản lý bị xáo trộn trong những năm gần đây.
Dẫu vậy, đây vẫn là một cổ phiếu được săn đón rất nhiều. Trong 8 tháng qua, nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu của Blink tăng 3.000%. Trong số khoảng 2.700 cổ phiếu có tổng trị giá ít nhất 1 tỷ USD, chỉ có 7 cổ phiếu tăng mạnh hơn trong khoảng thời gian tương tự. Nguyên nhân là bởi Blink là một công ty năng lượng xanh, sở hữu và điều hành các trạm sạc cho xe điện. Và nếu nhà đầu tư đang chắc chắn một điều về cơn sốt đang càn quét thị trường tài chính, thì họ không bỏ lỡ các công ty "xanh".
Không có cổ phiếu nào ghi nhận được đà tăng ấn tượng như Blink. Với vốn hóa là 2,17 tỷ USD tính đến ngày 8/2, hệ số giá trị/doanh thu – thước đo phổ biến để đánh giá liệu cổ phiếu đó có được định giá quá cao hay không, của công ty này đã tăng vọt lên mức 481. Trong khi đó, Tesla – "con cưng" của ngành xe điện, chỉ ở mức 26.
Diễn biến giá cổ phiếu Blink và Tesla.
Từ trước đến nay, kiếm tiền từ việc "sạc pin" cho xe điện là một hoạt động sẽ khiến công ty thua lỗ. Về lý thuyết, một mô hình như Blink - bao gồm cả việc bán thiết bị và thu phí người dùng, có thể mang lại lợi nhuận ổn định khi chính phủ đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện sử dụng điện. Tuy nhiên, vẫn chưa có công ty nào làm được.
Pavel Molchanov – nhà phân tích của Raymond James & Associates, cho biết: "Thị trường này vẫn còn quá nhỏ và chỉ ở giai đoạn non trẻ. Sẽ mất nhiều thời gian để phát triển quy mô."
Dù các tiêu chuẩn trong ngành này không gắt gao, nhưng doanh thu của Blink vẫn chỉ ở mức khiêm tốn với ước tính khoảng 5,5 triệu USD vào năm 2020. Trong khi đó, ChargePoint Inc. – công ty dự định IPO thông qua 1 SPAC vào năm ngoái, đã có doanh thu 144,5 triệu USD vào năm 2020, theo hồ sơ nộp hồi tháng 1. EVgo Services LLC ước tính ghi nhận doanh thu 14 triệu USD vào năm 2020. Dù số liệu doanh thu khác nhau, nhưng cả 3 công ty này đều được định giá ở mức 2,1 tỷ USD đến 2,4 tỷ USD.
Trong một hồ sơ công bố hồi tháng 5, Blink đã cảnh báo rằng khả năng tài chính của công ty làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của công ty trong vòng 1 năm, khi công ty này không đủ tiền mặt cho 18 tháng hoạt động.
Erik Gordon – giáo sư dự bị tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan: "Sự bùng nổ dot-com đã tạo ra một số công ty, nhưng hầu hết các công ty được định giá quá cao lại là những khoản đầu tư tệ hại. Sự bùng nổ trong lĩnh vực xe điện cũng là câu chuyện tương tự."
Tuy nhiên, diễn biến thăng hoa gần đây của thị trường đã thổi luồng gió mới cho Blink, giúp công ty này huy động được 231,1 triệu USD thông qua đợt IPO hồi tháng 1. Gần đây, Roth Capital Partners đã đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này, đặt giá mục tiêu là 67 USD, cao hơn 27% so với hiện tại.
Lợi nhuận thường niên của Blink chưa từng vượt quá mức 0.
Triển vọng của công ty dựa vào tốc độ tăng trưởng của ngành xe điện. Tháng 1, Farkas đã thảo luận về kế hoạch triển khai khoảng 250.000 bộ sạc "trong vài năm tới" và thường nói về khả năng tạo doanh thu định kỳ từ mạng lưới của công ty. Hiện tại, công ty cho biết họ có 6.944 trạm sạc trong mạng lưới.
Không giống như một số đối thủ, mô hình doanh thu của Blink phụ thuộc một phần vào việc thúc đẩy tỷ lệ sử dụng – vốn hiện đang ở mức "thấp 1 chữ số". Đây là mức quá ít để tạo ra doanh thu đáng kể, Farkas cho biết hồi tháng 11. Ông nói rằng con số này sẽ tăng khi xe điện trở nên phổ biến hơn. Trong khi đó, đối với hầu hết các bộ sạc của Blink đang được sử dụng, tỷ lệ sử dụng phải đạt 10-15% mới có thể hòa vốn.
Mục tiêu của giới bán khống
Andrew Left – nhà sáng lập của Citron Research, cho biết: "Mọi thứ đang diễn ra với công ty này đều sai. Đó chỉ là một cái tên ‘lọt vào mắt xanh’ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ."
Citron là một trong số ít các công ty bán khống cổ phiếu Blink vào năm ngoái. Đó là một trong những khoản đặt cược giá xuống đối với cổ phiếu được nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ ưa thích, điển hình là câu chuyện về GameStop trong thời gian gần đây. Tỷ lệ bán khống đối với Blink đã giảm xuống dưới 25% so với cổ phiếu đang lưu hành, từ mức hơn 40% ở cuối tháng 12.
Đối với nhóm bán khống, một trong những điều dấy lên tín hiệu cảnh báo là một số nhân vật có liên quan đến Blink, bao gồm cả CEO và Chủ tịch Michael Farkas – có liên quan đến các công ty đã vi phạm các quy định chứng khoán trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, Farkas đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này và cho rằng nhóm bán khống chỉ đang chống lại ông.
Câu chuyện ban đầu của Blink chính là mục tiêu hàng đầu của giới bán khống. Được thành lập từ năm 2006, khi chỉ là một công ty vỏ bọc có tên New Image Concepts Inc. nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn cá nhân chất lượng cao liên quan đến việc làm đẹp và giải trí.
Vào tháng 12/2009, công ty này đã ký một thỏa thuận trao đổi cổ phiếu với Car Charging Inc. Farkas gia nhập công ty với tư cách là CEO vào năm 2010, sau một thời gian là một nhà môi giới chứng khoán và đầu tư vào các công ty bao gồm Skyway Communications Holding Corp. – vốn bị SEC gọi là hành vi "bơm thổi giá".
Năm 2013, Farkas đóng vai trò giám sát thương vụ mua lại công ty đã phá sản – Ecotality, với 3,3 triệu USD và nhận được hơn 100 triệu USD tài trợ của Bộ Năng lượng Mỹ để lắp đặt cá trạm sạc trên cả nước. Công ty này sau đó đổi tên thành Blink.
Kể từ đó, Blink đã gặp nhiều khó khăn với 3 trong số 5 thành viên của hội đồng quản trị rời đi từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2019. Tháng 3/2020, COO James Christodoulou đã bị sa thải và ông đã kiện công ty, cáo buộc họ có những vi phạm về quy định chứng khoán. Tuy nhiên, Blink và Christodoulou đã hòa giải với số tiền 400.000 USD vào tháng 10.
Chuyên gia tài chính Justin Keener – từng là cổ đông lớn của Blink, và công ty này đã bị cáo buộc vì không đăng ký với tư cách là công ty bán chứng khoán (securities dealer) trong khi bán hàng tỷ USD cổ phiếu giá rẻ của công ty khác. Sau đó, Farkas cho biết đã cắt đứt mọi mối liên hệ với Keener.
Tham khảo Bloomberg