Kỳ lạ giới doanh nhân, CEO đổ xô đi xem huấn luyện ngựa: Đừng nghĩ đây là trò vô bổ, nghệ thuật lãnh đạo đằng sau mới là điều đáng ngẫm!
Chỉ một người chủ thấu hiểu mới biết cách khiến ngựa phục tùng. Tương tự, phải là một người sếp tâm lý mới biết cách thu phục nhân viên.
- 23-09-2019Đề xuất tăng lương nhưng công ty mãi chưa duyệt, anh nhân viên khéo léo nói 1 câu khiến sếp lập tức cho thăng chức
- 23-09-2019Business Insider đã phỏng vấn các nhân viên tiêu biểu về điều họ ngưỡng mộ ở ông chủ: Câu trả lời chính là những chi tiết hoàn hảo để hình thành nên một lãnh đạo tài ba!
- 22-09-2019Kĩ năng quản lý thời gian thực chất đang vắt kiệt sức lao động của bạn?
Dân công sở học hỏi các nguyên tắc lãnh đạo và team-building đầy rẫy trên mạng. Họ có thể tham dự các buổi hội thoại hoặc thuê huấn luyện viên. Tuy nhiên, còn một cách khác nữa cũng sẽ giúp họ học hỏi các kỹ năng lãnh đạo: dành 1 tiếng xem người huấn luyện làm quen và dạy dỗ con ngựa hoang nặng gần 500 kg.
Ngựa khá nhạy cảm với năng lượng và ngôn ngữ cơ thể từ con người. Do đó, chúng là bạn đồng hành hoàn hảo trong những bài tập đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác.
"Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị và tuyệt vời", Cece Morken - phó chủ tịch và giám đốc phụ trách đối tác chiến lược tại Intuit - cho biết.
Morken là một trong hàng trăm cán bộ quản lý tham dự khóa học huấn luyện kỹ năng lãnh đạo của vợ chồng người huấn luyện ngựa Grant và Jane Golliher. Họ điều hành Điền trang Diamond Cross ở Wyoming (Mỹ).
Cece Morken - Phó giám đốc điều hành tại Intuit - cố gắng dẫn ngựa đi quanh chuồng.
Cặp đôi này đã mở các khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho hơn 200 tổ chức, bao gồm những tập đoàn có tiếng tăm như Google, Disney, Toyota, cũng như các doanh nghiệp tư nhân, công ty khởi nghiệp và tổ chức chính phủ.
Điền trang này đã thuộc về gia đình Jane Golliher từ những năm 1940. Tuy nhiên, ý tưởng dùng nó để đào tạo kỹ năng lãnh đạo chỉ mới xuất hiện khoảng 20 năm trước. Khi đó, cặp đôi này nhận được hàng loạt phản hồi tích cực nhờ tổ chức một khóa học cho 300 cán bộ của Microsoft.
Ngày nay, các công ty thường đưa cán bộ quản lý tới điền trang này để xem Grant Golliher làm quen với một chú ngựa chưa qua huấn luyện bằng phương pháp tôn trọng, kiên nhẫn và thiết lập ranh giới không-bạo-lực. Triết lý này dựa phần lớn vào trí thông minh cảm xúc để giao tiếp và khơi gợi cảm hứng. Không chỉ dùng để huấn luyện ngựa, nó còn được dùng để lãnh đạo cấp dưới.
Hai tuần trước, Michael Beckerman - CEO của công ty nghiên cứu bất động sản thương mại CREtech - đã được xem Golliher làm việc với một chú ngựa hoang giống Mustang.
Khi tiếp xúc lần đầu tiên với chú ngựa, Golliher nhấn mạnh với các học viên rằng ngựa cần tự do. "Phải được tự do thì ngựa mới nghe lời ta. Nếu không, nó chỉ đơn giản là một nô lệ bị ép phải hoàn thành công việc. Như vậy, nó sẽ không thể trung thành với bạn", ông giải thích.
Trong buổi trình diễn kéo dài 1 tiếng, Beckerman nhớ lại rằng Golliher đã quỳ xuống, lưng hướng về phía ngựa, rồi từ từ vuốt ve cổ ngựa. Sau đó, ông bảo chú ngựa này chạy vòng quanh chuồng và đứng bên cạnh một sợi dây mà ông đã đặt từ trước.
"Nỗi sợ là có thật, nguy hiểm cũng có thật, thậm chí còn tiềm tàng cả hậu quả", Beckerman cho biết. "Grant đã cho thấy sức mạnh của tình yêu và lòng nhân hậu, của niềm tin và việc thiết lập giới hạn. Nhờ trải nghiệm này mà tôi hiểu thêm về mặt trái của sự giận dữ, đối chất và gây hấn".
Bài học từ người huấn luyện ngựa
Một vài công ty muốn nhân viên trải nghiệm thực sự thay vì ngồi xem không. Họ đưa những người này tới điền trang để tham gia một khóa học trong 2 ngày. Tại đây, nhân viên sẽ phải tự mình làm việc với ngựa, theo cả hình thức nhóm và cá nhân. Ví dụ, họ sẽ thử dắt ngựa đi xung quanh chuồng, thắng yên ngựa và cưỡi ngựa dưới sự giám sát của người huấn luyện. Họ còn chia thành nhóm để thực hành việc lùa gia súc trên lưng ngựa.
Mục đích của tất cả những việc này là để áp dụng các nguyên tắc của Golliher. Các nguyên tắc này tập trung vào tính kiên trì, giới hạn nghiêm khắc và sự công nhận - nhằm tạo sự tin tưởng với các chú ngựa, cũng như khiến người lãnh đạo thêm tự tin. Golliher biến các triết lý của mình thành những khẩu hiệu dễ nhớ:
Khen khi làm đúng, phạt khi làm sai, nhưng để ngựa tự chọn
Khi ngựa làm sai ý của Golliher, ông sẽ phạt bằng cách bắt ngựa làm điều nó không thích (vẫy cờ hoặc yêu cầu khán giả làm ồn).
Tôn trọng những nỗ lực và thay đổi dù là nhỏ nhất
Khi ngựa làm đúng, hoặc đi đúng hướng, Golliher sẽ khen ngợi nó bằng cách nói nhẹ nhàng: "Làm tốt lắm!".
"Ngựa cảm nhận được điều đó. Chúng rất nhạy cảm với tông giọng của người. Chúng biết thái độ của người huấn luyện thông qua lời nói", ông tiết lộ.
Làm nhanh nhất có thể nhưng hãy chậm lại nếu cần thiết
Khi những người tham dự khóa học đang cố dắt ngựa đi cùng mình bằng dây cương, Golliher khuyến khích họ hãy "dẫn dắt bằng cảm giác". Điều đó có nghĩa là, đừng vội đi ngay khi ngựa cảm nhận được việc bạn giật một đầu dây. Bạn cần trở nên đồng điệu với chú ngựa trước khi nó đồng ý di chuyển.
"Bạn đang dẫn dắt nó, chứ không phải kéo nó đi", ông nói.
lbi Pagenstern - Giám đốc phát triển thị trường khu vực West Coast của BMW (phía xa bên phải) được mời lên để tiếp cận ngựa trong buổi huấn luyện.
Giống như người, ngựa không phản ứng tốt với sự thiếu kiên nhẫn, lo lắng, bực dọc từ người chủ.
"Chúng tôi cố gắng hướng dẫn mọi người không đi quá nhanh, vì điều này sẽ khiến ngựa sợ. Đôi khi, chậm mới chính là nhanh", Golliher.
Albi Pagenstern - Giám đốc phát triển thị trường khu vực West Coast của BMW - công nhận điều này. Tại buổi huấn luyện, ông và các nhân viên của mình của được mời lên để tiếp cận ngựa, rồi từ từ làm quen với ngựa qua cửa chuồng. Một nhân viên đột ngột cử động, làm chú ngựa rút lui vào trong.
"Trải nghiệm này cho thấy bạn cần phải thực sự kiên nhẫn. Bạn không thể ép buộc mọi thứ. Bạn phải chấp nhận bản chất của người đồng hành, chứng minh bản thân mình không phải là mối đe dọa", ông nói.
Áp dụng bài học nơi công sở
Brad Smith - CEO cũ của Intuit, nay là chủ tịch điều hành - đã từng làm việc với Golliher vài lần.
"Chẳng có gì mạnh mẽ bằng việc nhìn Grant huấn luyện chú ngựa và trở thành ‘đồng đội’ của nó, sau khi tìm mọi cách để ‘khiến chúng mất tinh thần’. Hình ảnh này giống như một lời nhắc nhở về thực trạng nơi công sở. Giờ đây, văn phòng của tôi đang áp dụng lời các nguyên tắc của Grant mỗi ngày", Smith cho biết.
Brad Smith Brad Smith - CEO cũ của Intuit, nay là chủ tịch điều hành - cho biết mình đã áp dụng các nguyên tắc của Golliher ở văn phòng.
Theo Morken, các cán bộ cấp quản lý của Intuit từng làm việc với Golliher đã áp dụng triết lý của Golliher vào việc thực hiện kế hoạch hàng năm. Họ đã biết trân trọng đến từng nỗ lực nhỏ nhất của cấp dưới. Cô nhớ lại, trong quá khứ "chúng tôi chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng thay vì nỗ lực bỏ ra".
Jim Conroy - CEO của Boot Barn - đã đến thăm Điền trang Diamond Cross lần đầu vào một chuyến du lịch. Hiện tại, ông nghĩ tới việc sẽ về đây hợp tác, bởi các bài học từ Golliher chính là những gì ông vẫn cố áp dụng bao năm qua tại công ty. Thứ nhất là tầm trọng của việc đối xử với nhân viên khi họ phạm lỗi một cách bình tĩnh và tôn trọng, đồng thời cho họ biết họ đã vượt quá giới hạn.
"Khi CEO mắng, mọi người thường trở nên bất động. Hãy cho họ không gian an toàn để suy nghĩ thông suốt", Conroy khuyên. "Nếu bạn cứ mắng họ xối xả, họ sẽ không bao giờ dám liều mình làm gì. Như thế thì chẳng khác nào bạn đang trói buộc họ cả đời", ông bổ sung.
Cindy Parker - Giám đốc quản lý IT tại LaSalle Investment Management - cũng nhận ra điểm tương đồng giữa việc huấn luyện ngựa và quản lý nhân viên. "Không ai là giống nhau cả. Bạn phải học cách làm việc với họ, trân trọng họ và cổ vũ họ khi họ làm đúng", bà nói.
CNN