MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới trẻ nghiện dùng thẻ tín dụng, Trung Quốc lo ngại những hệ lụy từ khối nợ khổng lồ

07-08-2018 - 13:10 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi ở Mỹ lịch sử thẻ tín dụng trung bình được lưu trữ 14 năm, thì ở Trung Quốc, thật may mắn cho khách hàng khi nó chỉ được duy trì vài tháng.

Thế hệ trẻ ngày càng chuộng thẻ tín dụng

Vật lộn để tìm việc với mức lương khá ở Thượng Hải sau khi tốt nghiệp một trường Đại học tầm trung ở Trung Quốc, Vương Tân đã tìm được cách khác để cải thiện mức chi tiêu của mình: thẻ tín dụng.

"Sử dụng thẻ tín dụng không giống như việc dùng tiền mặt, và khoản nợ cứ thế tăng lên," người đàn ông 26 tuổi với mức lương khởi điểm 3.000 NDT (470 USD) một tháng, mức thu nhập không đủ để trả tiền thuê nhà hàng tháng và các thói quen mua sắm mà anh coi là "bất hợp lí", như sắm một chiếc điện thoại thông minh đời mới, cho hay.

Để thanh toán thẻ tín dụng và tiếp tục tiêu xài, anh Vương tiếp tục nợ nhiều hơn – vay 600.000 NDT thông qua bốn chiếc thẻ tín dụng – trước khi cho vay trực tuyến hơn 70.000 NDT. Anh này cho hay mức thanh toán lãi suất lên tới 1.500 NDT/tháng.

Anh Vương chỉ là một phần của thế hệ những người tiêu dùng trẻ, những người đang dần xa rời đức tính tiết kiệm của thế hệ cũ và bắt đầu tiêu xài bằng tiền đi vay. Theo Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc CICC, những khoản vay tiêu dùng khổng lồ - được sử dụng cho việc mua xe, nghỉ dưỡng, tân trang nhà cửa và các vật dụng gia đình xa xỉ - ở Trung Quốc đã tăng gần 40% trong năm ngoái đạt mức 6,8 nghìn tỉ NDT.

Cùng với việc gia tăng nhanh chóng các khoản vay mua nhà, điều góp phần lớn vào khoản nợ của các hộ gia đình Trung Quốc, các khoản vay tiêu dùng đẩy mức vay hộ gia đình lên 33 nghìn tỷ NDT tính đến cuối năm 2017, tương đương 40% GDP. Tăng hơn hai lần kể từ 2011.

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng sự gia tăng mức nợ hộ gia đình sẽ gây hại cho tốc độ tăng trưởng tiêu dùng về lâu dài do người tiêu dùng phải trích một khoản lớn thu nhập của họ để thanh toán thẻ tín dụng. Sự vỡ nợ qui mô lớn của người tiêu dùng tạo áp lực lên khả năng thanh toán của những người cho vay, có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính.

Mặc dù các biện pháp hạn chế vay khiến khả năng vỡ nợ thế chấp gần như không xảy ra, mức lãi suất cao của các khoản vay tiêu dùng mang nhiều rủi ro hơn. Lục Vỹ Đình, Giám đốc Weimi Technology, một công ty thu nợ tiêu dùng, cho biết: "Nó giống như chiếc hộp Pandora… ngành cho vay tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng. Trong 5 năm qua, ngành này đã tăng trưởng chóng mặt. Những rào cản đối với việc gia nhập thị trường (dành cho người mới) là rất ít nếu không muốn nói là gần như không có."

Một cuộc nghiên cứu 54 nền kinh tế của Ngân hàng Thanh Toán Quốc tế (Bank for International Settlements) chỉ ra rằng nợ hộ gia đình sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đối với mức tiêu dùng, điều này sẽ càng tăng thêm khi lượng vay vượt mức 60% GDP. Tỉ lệ này ở Trung Quốc cao hơn hầu hết các nước đang phát triển, nhưng thấp hơn mức 60% ở châu Âu và 80% ở Hoa Kỳ. Theo cơ quan xếp hạng Fitch, sự chênh lệch "có thể thu hẹp nhanh chóng nếu thiếu sự kiểm soát".

Sự gia tăng tín dụng trong tiêu dùng đã giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu đưa tiêu dùng trở thành mũi nhọn dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Với việc Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nợ, lần đầu tiên trong năm qua, các hộ gia đình trở thành đối tượng chính cho hình thức tín dụng mới của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Trần Khải Chí, nhà kinh tế học thuộc Đại học Emory, Hoa Kỳ, nhận định: "Sẽ ngày càng khó khăn nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp để duy trì mức tăng trưởng. Vì vậy, chính phủ cho rằng họ có thể sử dụng việc đầu cơ vay nợ hộ gia đình."

Cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ với sự xuất hiện của hàng trăm người cho vay ngang hàng (peer-to-peer – P2P) trực tuyến, tích góp tiền từ những nhà đầu tư lẻ rồi chia nhỏ các khoản vay cho người tiêu dùng mà không cần tài sản thế chấp. Các ngân hàng thường ngần ngại cung cấp những gói cho vay này do khó khăn trong việc đánh giá độ tin cậy của các cá nhân.

Theo dịch vụ giám sát ngành công nghiệp Diyiwangdai, các gói cho vay hấp dẫn của sàn giao dịch P2P đã tăng 50% trong năm ngoái, đạt mức 1,2 nghìn tỉ NDT. Lãi suất có thể lên tới 37%, đi kèm với khoản phụ thu thanh toán chậm.

Giới trẻ nghiện dùng thẻ tín dụng, Trung Quốc lo ngại những hệ lụy từ khối nợ khổng lồ - Ảnh 1.

Người tiêu dùng trong độ tuổi 20 là những khách hàng chính. Benny Lý, Giám đốc sàn giao dịch Huaxia Finance, cho biết: "Nhóm khách hàng này phải đối mặt với áp lực từ bạn bè cùng trang lứa và nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư cho bản thân… Đó có thể là những lớp học tiếng Anh, khóa đào tạo nghề, đám cưới, du lịch, hay mua chiếc iPhone đời mới."

Bên cạnh việc dữ liệu của Ngân hàng TW chỉ cung cấp những thông tin giới hạn, Trung Quốc đang đối mặt với sự thiếu hụt dữ liệu tín dụng của người dùng. Trong khi ở Mỹ lịch sử thẻ tín dụng trung bình được lưu trữ 14 năm, thì ở Trung Quốc, "thật may mắn cho khách hàng khi nó chỉ được duy trì vài tháng – nhưng đây lại là một thách thức với chúng tôi", ông Lý cho biết. "Tình cảnh hiện tại của chúng tôi tương đối giống với Hoa Kỳ những năm 70 – 80 khi Sears và JCPenny phát hành thẻ tín dụng," ông bổ sung thêm.

Dịch vụ hợp nhất dữ liệu tín dụng cá nhân đầu tiên của Trung Quốc, Baihang, ra đời vào tháng Hai và đã kí kết với 15 công ty giao dịch, nhưng hầu hết các công ty vẫn dựa trên hình thức tự kiểm tra của riêng mình. Ông Lý cho biết, Huaxi dựa vào việc ghi âm điện thoại và các cuộc gọi đến người thân các khách hàng. Các công ty khác sử dụng hệ thống AI nhằm tìm kiếm các manh mối trên mạng xã hội của khách hàng để kiểm chứng độ tin cậy của họ.

Những hệ lụy nguy hiểm đối với nền kinh tế

Tỉ lệ nợ xấu (NPL) của các công ty giao dịch P2P đã niêm yết ở Trung Quốc trung bình ở mức 8% - gấp 4 lần số liệu chính thức của các ngân hàng. Theo ông Lục, tỉ lệ nợ xấu của thị trường P2P nói chung có thể lên tới 15%. Ông bổ sung thêm, tỉ lệ nợ quá hạn thậm chí còn cao hơn, khoảng 50%, thường là do lừa đảo.

Ông Trần ước tính nợ hộ gia đình của Trung Quốc tương đương 80% tổng thu nhập sau thuế - đồng nghĩa với việc mức tiêu dùng sẽ lao dốc nếu các hộ gia đình cố gắng thanh toán tín dụng cùng một lúc.

Các nhà phân tích cho hay, với thời gian thế chấp trung bình khoảng 16 năm, có một thực tế đáng lo ngại hơn về việc thanh toán các khoản nợ thế chấp sẽ xé nhỏ mức tiêu dùng. Theo China Household Finance Survey, các hộ gia đình Trung Quốc trích gần 17% thu nhập hàng tháng để trả nợ, tăng từ 11% năm 2013. Với các hộ gia đình thu nhập thấp, tỉ lệ này lên tới 47%.

Theo Fitch, gánh nặng này có thể "hạn chế các khoản mua sắm không cần thiết của người tiêu dùng và làm suy yếu những nỗ lực của chính phủ" trong việc chuyển hướng nền kinh tế sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng." Những tín hiệu này đang dần thành hiện thực: tăng trưởng bán lẻ giảm còn 8% trong năm nay, so với mức 12% năm 2013.

Dù vậy, mức tăng trưởng thu nhập hàng năm những năm gần đây vẫn đạt mức trung bình khoảng 7%, đồng nghĩa với việc thu nhập của nhiều hộ gia đình sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tiếp theo. Theo CICC, tổng đầu cơ vay nợ hộ gia đình chỉ ở mức thấp, so với tiền gửi ngân hàng và các tài sản thanh khoản khác, chiếm khoảng 147 nghìn tỷ NDT, tương đương 180% GDP. Báo cáo cho biết: "Bảng cân đối tài chính hộ gia đình của Trung Quốc vẫn vững chắc và có tính đàn hồi cao."

Những người cho vay P2P kì vọng các khách hàng trẻ - những người có ít gánh nặng nợ thế chấp đồng thời ít cả tiền tiết kiệm để dựa vào — có thể tránh việc vỡ nợ nhờ mức lương được cải thiện. Điều này vẫn đúng với anh Vương, người gần đây đã tìm được một công việc IT với mức lương 12.000 NDT/tháng. Anh ấy chỉ nợ 80.000 NDT và hi vọng sẽ trả hết sớm. Anh này cho hay: "Nếu không có vấn đề gì xảy ra, tôi sẽ trả hết nợ trong năm tới."

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên