MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ký ức kinh hoàng không thể quên suốt 7 tuần “chiến đấu” trong phòng ICU cứu người của bác sĩ tại Vũ Hán: Trong thời điểm tồi tệ nhất, chúng ta chỉ còn cách dựa vào nhau

15-04-2020 - 11:49 AM | Sống

"Chiến đấu với COVID-19 không khác gì một cuộc chiến. Chúng tôi cũng chỉ biết dựa vào nhau để cố gắng".

Dưới đây là chia sẻ của Wu Feng, một bác sĩ tại một đơn vị chăm sóc tích cực ở Quảng Đông, về những ngày tham gia chiến đấu với COVID-19 ở Vũ Hán:

Đó là vào đêm ngày 24/1, một ngày sau khi Vũ Hán chính thức bị phong tỏa. Tôi cùng 128 thành viên khác lên máy bay từ miền nam Quảng Đông lên máy bay về thành phố để hỗ trợ y tế. Ngày 26/1, chúng tôi trải qua một bài đào tạo ngắn trước khi bắt đầu 54 ngày chiến đấu với Covid-19.

Dù đã là một bác sĩ hồi sức tích cực (ICU) trong 12 năm, gặp vô số những loại bệnh nghiêm trọng nhưng những gì đã trải qua trong phòng bệnh vào thời gian đó vẫn mãi là những khoảnh khắc kinh hoàng nhất cuộc đời mà tôi chắc chắn sẽ không bao giờ có thể quên.

Khi chúng tôi đến, tất cả các nhân viên dọn vệ sinh và bảo vệ được bệnh viên thuê (hầu hết thông qua các nhà thầu) đã biến mất, để lại một hành lang dài được bao phủ bởi những túi rác và chất thải y tế ô nhiễm. Cả khu vực có tất cả 2 bác sĩ nhãn khoa và 2 y tá, dự kiến sẽ phải chăm sóc 85 bệnh nhân nguy kịch ở các mức độ khác nhau của suy hô hấp.

Đáng lẽ với tình trạng của bệnh nhân, họ nên được chăm sóc ở một phòng hồi sức cấp cứu (ICU) chứ không phải một phòng khám hay bệnh viện dã chiến thiếu thốn. Ngày đầu tiên, tôi đã chứng kiến một bác sĩ cố gắng cứu một bệnh nhân nhưng không thành. Vô ích, bởi bệnh viện không có đủ máy thở oxy cho họ.

Buồn hơn nữa là khi những bệnh nhân cùng phòng trông thấy cảnh đó. Thông thường họ sẽ có bóng ma tâm lý và muốn đổi phòng, đổi giường… Nhưng ở đây, họ chỉ nhìn, bất động, từ lúc bệnh nhân kia nguy kịch đến khi được đưa ra khỏi phòng. Như thể chẳng có gì xảy ra.

COVID-19 gây ra tình trạng khẩn cấp chưa từng có

Ký ức kinh hoàng không thể quên suốt 7 tuần “chiến đấu” trong phòng ICU cứu người của bác sĩ tại Vũ Hán: Trong thời điểm tồi tệ nhất, chúng ta chỉ còn cách dựa vào nhau - Ảnh 1.

Chúng tôi đóng quân tại Bệnh viện Hankou, một cơ sở cỡ trung bình và là một trong ba bệnh viện đầu tiên trong thành phố được chuyển đổi thành trung tâm điều trị COVID-19 toàn thời gian. Bệnh viện đã nhận được trường hợp nghi ngờ đầu tiên vào ngày 3/1, nhưng chỉ đến giữa tháng cả bệnh viện đã toàn là những bệnh nhân sốt, ho, khó thở.

Ngày 21/1, 3 ngày trước khi chúng tôi đến, Hankou được chỉ định là cơ sở chính để điều trị Covid-19. Chỉ trong 1 đêm, bệnh viện mở 10 phòng khám riêng cho bệnh này và vào tâm điểm khủng hoảng, mỗi ngày chúng tôi đón 1500 lượt khám ngoại trú mỗi ngày – gấp 5 lần thông thường.

Khi chúng tôi đến, chẳng có một chiếc giường nào trống trong bệnh viện. Bình thường, nếu có 5 bệnh nhân được theo dõi trong cùng một thời điểm đã được coi là bất thường thì ở đây chúng tôi có 80 người bệnh, nhiều trong số họ đang ở trong tình trạng nghiêm trọng.

Tình hình nhân sự cũng không khấm khá hơn vì thiếu đồ bảo hộ y tế nên nhiều nhân viên chăm sóc hô hấp quan trọng ở tuyến đầu bị nhiễm bệnh. Toàn bộ các bác sĩ, nhân viên của các khoa khác như nội khoa, tiêu hóa và phẫu thuật cũng được huy động vào cuộc. Khi tôi đến đó, tất cả dường như đã kiệt sức.

Lúc chúng tôi đến, khi điều trị nội trú đã được chuyển thành khu ICU và cách ly hoàn toàn, nhưng trong đó các bác sĩ và bệnh nhân vẫn đi lại và sinh hoạt tự do. Khu vực mà nhân viên thay đồ bảo hộ lại chỉ là một căn phòng 2m2 tối tăm. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì các thiết bị bảo hộ có thể dính virus và việc tháo ra, chạm vào nó trong không gian như thế khiến nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Khi chúng tôi đến, chúng tôi đã phải thực hiện ngay những thay đổi để ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Đóng kín các cửa gỗ ngăn các khu cách ly và bịt kín các khoảng trống quanh cửa bằng băng dính trong khi chờ nâng cấp. Lắp đặt đèn và gương trong phòng thay đồ để nhân viên nhìn thấy mình khi cởi bỏ quần áo bảo hộ. Điều này thực sự hữu ích. Lúc rời đi, chúng tôi đã điều trị được cho tổng cộng 215 bệnh nhân, trong đó có 162 người nguy kịch mà không ai trong đội ngũ y tế bị nhiễm bệnh.

Đối mặt với những triệu chứng lạ chưa từng có, chúng tôi phải thử mọi cách có thể

Ký ức kinh hoàng không thể quên suốt 7 tuần “chiến đấu” trong phòng ICU cứu người của bác sĩ tại Vũ Hán: Trong thời điểm tồi tệ nhất, chúng ta chỉ còn cách dựa vào nhau - Ảnh 2.

Lúc mới đến Vũ Hán, tôi biết rất ít về Covid-19. Tất cả những gì chúng tôi được biết sau khi hỏi ý kiến một số bác sĩ Thượng Hải, người đã đến trước chúng tôi thì đây là căn bệnh gây ra khả năng thiếu oxy cao hơn hẳn so với các trường hợp viêm phổi do virus điển hình. Bệnh nhân H1N1 thường bị sốt và cảm thấy yếu sau khi chỉ 20% phổi bị ảnh hưởng. Nhưng bệnh nhân COVID-19 có thể bị viêm phổi nặng trong khi chỉ gặp các vấn đề về hô hấp nhẹ. Hầu hết bệnh nhân tôi điều trị chỉ bị khó thở trong khi phổi đã ảnh hưởng 60%.

Do đó, phần lớn triệu chứng của bệnh tương đối nhẹ trong tuần đầu tiên nhưng lại nhanh chóng trở nên nguy kịch trong tuần thứ 2. Thậm chí, chúng tôi còn không biết có nên đặt nội khí quản hay không. Một bác sĩ ở thành phố New York nói với tôi rằng tất cả các bệnh nhân mà anh ta đã đặt nội khí quản sau đó đã chết.

Giảm tỷ lệ tử vong là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi. Đối mặt với rất nhiều điều chưa biết, chúng tôi đã thử mọi thứ. Tôi đọc thêm hàng đống tài liệu khoa học mới nhất và trao đổi với đồng nghiệp về việc phải thay đổi kế hoạch điều trị. Chúng tôi thậm chí đã thử nghiệm các loại thuốc như chloroquine, thuốc chống sốt rét mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi là “kẻ thay đổi cuộc chơi”. Nhưng rõ ràng không có cuộc chơi nào vui vẻ, nhiều bệnh nhân của chúng tôi đã có tác dụng phụ và không thể tiếp tục điều trị.

Theo kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, không có loại thuốc nào đặc biệt hữu ích. Thay vào đó, giải pháp hiệu quả nhất là oxy. Đối với khoảng 60% bệnh nhân của chúng tôi, độ bão hòa oxy đã được cải thiện bằng cách sử dụng mặt nạ oxy. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, chúng tôi cũng sẽ sử dụng ống thông mũi và mặt nạ oxy để tăng thể tích oxy.

Nhưng chúng tôi lại thiếu trầm trọng nguồn oxy này. Vì thế, ngay từ đầu, chúng tôi đã cố gắng hết sức để không lãng phí nó.

Cuối cùng, sau rất nhiều đêm đau đầu, chúng tôi đã đặt một nhà máy ở Vũ Hán có thể cung cấp cho chúng tôi những bình oxy khổng lồ 25 kg. Các bình này rất lớn và lại dễ cháy nên việc vận chuyển vào bệnh viện trở nên khá khó khăn. Vào cao điểm dịch, chúng tôi dùng đến 70 – 80 bình mỗi ngày.

Chiến đấu với COVID-19 không khác gì một cuộc chiến, chúng tôi phải liên tục theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Bệnh viện Hankou không có máy ECMO để hỗ trợ cuộc sống cho các bệnh nhân nguy kịch, vì vậy biện pháp cuối cùng của chúng tôi là đặt nội khí quản và máy thở. Điều này đôi khi đòi hỏi phải suy nghĩ nhanh chóng.

Một đêm nọ, chúng tôi nhận được một bệnh nhân trong tình trạng cực kỳ nguy kịch. Nồng độ oxy trong máu của anh đã giảm xuống 20% ​​và anh đang hôn mê. Chúng tôi ngay lập tức đặt nội khí quản cho anh ấy và đặt máy thở. Dù bệnh nhân đã tỉnh lại nhưng khi chúng tôi tháo ra và lắp vào một cái mới, máy không thể bật trở lại. Bệnh nhân bắt đầu trở nên tím tái – một dấu hiệu thiếu oxy ở bệnh nhân COVID-19. Tôi nhanh chóng rút cái ống ra khỏi mũi anh ta và đưa nó trực tiếp vào miệng, cho phép anh ta bắt đầu thở lại. Tình trạng bệnh nhân ổn định trở lại lúc 2 giờ sáng. Anh ấy gần như đã chết trước mặt tôi.

Thoát khỏi trong gang tấc: Trong lúc tồi tệ nhất, chúng ta phải dựa vào nhau

Ký ức kinh hoàng không thể quên suốt 7 tuần “chiến đấu” trong phòng ICU cứu người của bác sĩ tại Vũ Hán: Trong thời điểm tồi tệ nhất, chúng ta chỉ còn cách dựa vào nhau - Ảnh 3.

Làm việc trong khu vực cách ly trong bộ đồ hazmat là điều không hề dễ dàng. Nó rất ngột ngạt và kém linh động, khiến chúng tôi không thể làm việc riêng hay thậm chí đi vệ sinh cũng phiền phức. Vấn đề chính xuất hiện khi lượng bệnh nhân ngày một đông còn các bộ đồ hazmat thì không đạt tiêu chuẩn. Vì nó quá mỏng nên chúng tôi thậm chí phải mặc cả 2-3 bộ chồng lên nhau. Kết quả là khi làm việc thì khó mà cởi ra thì mất thời gian. Chúng tôi phải chậm rãi cởi từng lớp một nếu không sẽ rách, rửa tay khi cởi qua mỗi lớp và mất đến 45 phút để cởi bỏ được hoàn toàn.

Chúng tôi cũng chỉ biết dựa vào nhau để cố gắng. Một y tá kể là lúc căng thẳng, cô ấy sẽ tỉa lông cho thú cưng của mình để bình tĩnh lại. Vì vậy, các bác sĩ và y tá khác bắt đầu tìm đến cô khi họ cần cắt tóc. Một bác sĩ ở Vũ Hán đã đến gặp cô năm lần để cạo đầu.

Cuối cùng, thành phố đã cho xây dựng 19 bệnh viện dã chiến, hầu hết để xử lý các ca nhẹ và trung bình. Kết hợp với một loạt bác sĩ từ khắp nơi trên đất nước, họ dần giảm bớt một số áp lực của chúng tôi. Và đến tháng 2, một số bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện.

Khi chúng tôi trao lại bệnh viện cho các bác sĩ địa phương vào ngày 19/3, chỉ còn 20 bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện Hankou. Tất cả họ đều đã có xét nghiệm âm tính, mặc dù họ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Nhìn lại và nhìn ra thế giới

Lúc mới nhận được thông báo tình nguyện đến Vũ Hán, tôi chỉ đơn giản nghĩ là nó gần và vì không vướng bận gì nên tôi cũng nghĩ rằng mình có trách nhiệm tìm hiểu thêm về căn bệnh truyền nhiễm hiếm gặp này. Chưa bao giờ tôi có thể nghĩ nó có thể bùng phát thành một đại dịch trên toàn thế giới.

Hiện tại, nhóm của tôi đã trở lại Quảng Đông và thực hiện xong 14 ngày cách ly. Có nhiều thứ của dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát của bác sĩ, nên nếu hệ thống phòng chống dịch bệnh và việc sàng lọc không thực hiện càng sớm càng tốt, thì nhân viên y tế sẽ chỉ biết bất lực mà thôi.

Lưu Ly

Trở lên trên