MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ký ức từ du thuyền Diamond Princess: Thủy thủ trằn trọc vì tiếng ho khan của đồng nghiệp, chuyên gia dịch tễ cũng sợ mình lây nhiễm virus corona

09-03-2020 - 15:50 PM | Sống

Khi dịch bệnh tràn tới du thuyền Diamond Princess, các thành viên thủy thủ đoàn đã phải tiếp tục làm việc. Đến giờ, họ vẫn nhớ như in khoảng thời gian cách ly chìm trong nỗi sợ hãi và hỗn loạn.

Christian Santos còn nhớ mình đã thức trắng đêm, lo lắng khi nghe tiếng ho của đồng nghiệp. Họ nằm gần nhau dưới boong tàu, trong một phòng ngủ tập thể chật hẹp.

Santos đã dành gần 2 tuần để phục vụ các vị khách bị "giam lỏng" trong cabin và chứng kiến con tàu bị dịch Covid-19 tấn công. Kế đó, những đợt ho khan của đồng nghiệp cảnh báo với Santos rằng, virus corona truyền nhiễm cho hàng trăm người trên tàu, có lẽ đã xâm nhập vào cabin của anh.

Ký ức từ du thuyền Diamond Princess: Thủy thủ trằn trọc vì tiếng ho khan của đồng nghiệp, chuyên gia dịch tễ cũng sợ mình lây nhiễm virus corona - Ảnh 1.

Thứ bao trùm Diamond Princess là sự bất an và sợ hãi

Thứ bao trùm Diamond Princess là sự bất an và sợ hãi

Người thủy thủ muốn đổi sang phòng khác nhưng không thể. "Mỗi lần nghe anh ta ho là tôi lại thấy sợ" - Santos nói. May mắn là sáng hôm sau, anh thủy thủ có triệu chứng bệnh đã được đưa lên bờ điều trị.

Bản thân Santos xét nghiệm âm tính với virus, nhưng anh và một số đồng nghiệp phải tiếp tục cách ly hết đợt này đến đợt khác. Với anh, rõ ràng Diamond Princess nên được sơ tán ngay từ đầu. Các thủy thủ nên được nghỉ ngơi thay vì phải tiếp tục phục vụ, nấu ăn và rửa bát cho khoảng 2.700 hành khách.

"Chúng tôi bị lạm dụng. Mọi người có tưởng tượng được không? Tình trạng lúc đó rất đáng sợ nhưng họ vẫn yêu cầu chúng tôi tiếp tục làm việc" - Santos bày tỏ. Những người như anh vừa dễ tổn thương trước dịch bệnh, vừa sợ rằng mình sẽ mất việc sau cuộc khủng hoảng ngành du thuyền. Cuối cùng, họ vẫn cắn răng phục vụ giữa ổ dịch.

Vấn đề của Diamond Princess đã chính thức nổi lên từ ngày 1/2, với sự kiện một du khách Hong Kong xét nghiệm dương tính với virus corona (sau khi rời khỏi tàu). Ba ngày sau, chính phủ Nhật Bản quyết định cách ly toàn bộ du thuyền chở 3.700 người. Đến ngày 5/2, lại siết chặt quy định cách ly, yêu cầu khoảng 2.700 hành khách hạn chế rời khỏi cabin.

Ký ức từ du thuyền Diamond Princess: Thủy thủ trằn trọc vì tiếng ho khan của đồng nghiệp, chuyên gia dịch tễ cũng sợ mình lây nhiễm virus corona - Ảnh 2.

Hành khách bị "giam lỏng" trong cabin, nhiều phòng còn không có lan can và cửa sổ (Ảnh: Jiji Press/EPA)

Thế nhưng, các biện pháp đó quá muộn và chỉ dành cho hành khách. Thủy thủ vẫn phải ăn chung uống chung, chia sẻ không gian phòng ngủ và toilet. Họ phải phục vụ đến từng cabin của hành khách nhưng khẩu trang y tế lại được phát rất trễ.

Trong thời gian cách ly, Kentaro Itawa - một chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Bệnh viện Đại học Kobe - đã đến thị sát tình hình. Ông mô tả nỗ lực ngăn chặn virus corona trên du thuyền là "hoàn toàn thiếu hụt". Vị chuyên gia nói rằng mình từng đến vùng dịch Ebola hay SARS nhưng chưa bao giờ phải lo lắng cho sự an toàn của bản thân. Còn lúc bước lên Diamond Princess, ông đã sợ rằng mình sẽ lây nhiễm virus.

Các thủy thủ mô tả cảnh tượng trên tàu là hoang mang và hỗn loạn, không có sự tách biệt giữa người bệnh với người khỏe. "Là một thủy thủ, bạn đâu biết ai đang ủ bệnh. Bạn gặp tất cả mọi người khi chạy đôn chạy đáo trên tàu" - James Reyes, một người có nhiệm vụ như quản gia, cho biết.

Ký ức từ du thuyền Diamond Princess: Thủy thủ trằn trọc vì tiếng ho khan của đồng nghiệp, chuyên gia dịch tễ cũng sợ mình lây nhiễm virus corona - Ảnh 3.

Một thủy thủ đang tất bật làm việc (Ảnh: Getty)

"Chúng tôi là những người chăm sóc luôn các thủy thủ bị cách ly, rửa bát đĩa bẩn mà họ đã dùng. Rồi một ngày, bạn phát hiện cabin của họ trống rỗng. Điều đó nghĩa là họ đã được xét nghiệm dương tính với virus. Hãy tưởng tượng xem việc lây nhiễm chéo dễ xảy ra như thế nào" - Reyes nói.

Đến ngày 8/3, đã có 696 người nhiễm Covid-19 từ du thuyền Diamond Princess, trong đó bao gồm 7 hành khách tử vong.

Thủy thủ đoàn làm việc tại ổ dịch

Thủy thủ James Reyes không biết phải đổ lỗi cho ai sau 2 tuần bị phong tỏa. Giờ đây, anh tiếp tục bị cách ly với đồng nghiệp Santos ở Philippines - quê nhà của gần một nửa thủy thủ tàu Diamond Princess. Đất nước Đông Nam Á là nơi cung cấp lực lượng lao động chính cho mọi loại tàu thuyền, và cũng trông đợi nguồn kiều hối của các thủy thủ. Ước tính khoảng 330.859 người Philippines có công việc đi biển vào cuối năm 2018. Đây cũng là một nghề nghiệp đáng mơ ước với nhiều người lao động bởi nguồn thu nhập khá cao.

Nhưng sự lệ thuộc về tài chính cũng ngăn các thủy thủ lên tiếng khi họ cảm thấy bất công. Trong trường hợp du thuyền Diamond Princess, sự chỉ đạo dành cho thủy thủ đoàn được cho là không thống nhất, tờ The Guardian cho biết. Có người nói, một phòng ban đã tổ chức gặp mặt và yêu cầu nếu thủy thủ không muốn tiếp tục làm việc thì hãy đăng ký rời khỏi. Theo một nguồn tin khác, các thủy thủ đã không có sự lựa chọn nào ngoại trừ làm việc, thậm chí với cường độ tăng lên. Nhưng mặt khác, họ được chữa trị nếu có triệu chứng bệnh và cho uống vitamin.

Ký ức từ du thuyền Diamond Princess: Thủy thủ trằn trọc vì tiếng ho khan của đồng nghiệp, chuyên gia dịch tễ cũng sợ mình lây nhiễm virus corona - Ảnh 4.

(Ảnh: Getty)

Không chỉ có ràng buộc công việc, những thủy thủ của Diamond Princess còn tràn đầy sự cảm thông và tinh thần trách nhiệm với hành khách của mình. Một thủy thủ có biệt danh RCDG cho biết: "Nếu chúng tôi không tiếp tục thì chẳng có ai mang thức ăn cho hành khách cả. Nhiều hành khách lớn tuổi có bệnh lý nền sẽ rất dễ nhiễm virus".

Hình ảnh lan truyền trên mạng cũng cho thấy hàng loạt thư cảm ơn từ hành khách gửi đến các thủy thủ. Họ tức giận vì bị cách ly, nhưng vô cùng biết ơn những người đã phục vụ và chăm sóc cho mình.

Ký ức từ du thuyền Diamond Princess: Thủy thủ trằn trọc vì tiếng ho khan của đồng nghiệp, chuyên gia dịch tễ cũng sợ mình lây nhiễm virus corona - Ảnh 5.

"Xin cảm ơn tất cả. Chúng tôi hiểu và trân trọng mọi thứ mà các bạn đã làm. Hãy giữ sức khỏe và nhớ rằng: Bạn là anh hùng thật sự" - trích một lá thư gửi thủy thủ (Ảnh: TIME)

"Chúng tôi đã hi sinh sức khỏe của mình vì lợi ích của mọi người. Bây giờ khi đỉnh điểm khủng hoảng đã qua, chúng tôi cảm thấy tự hào về bản thân" - thủy thủ RCDG cho biết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến tranh cãi rằng những hi sinh của thành viên thủy thủ đoàn là không nhất thiết. "Điều đó không phải là công việc của họ. Nó đâu có quy định trong hợp đồng" - bạn gái của một thủy thủ bày tỏ. Hiện anh này vẫn còn điều trị ở Nhật Bản do nhiễm virus.

Trong khi đó, Elsie Lavado có chồng đang bị cách ly ở Philippines, nói rằng chỉ muốn gia đình đoàn tụ. "Bây giờ tính mạng của chồng tôi quan trọng hơn tiền bạc" - Elsie nói.

* Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi.

(Nguồn: The Guardian)

Ký ức từ du thuyền Diamond Princess: Thủy thủ trằn trọc vì tiếng ho khan của đồng nghiệp, chuyên gia dịch tễ cũng sợ mình lây nhiễm virus corona - Ảnh 6.

Theo Jayden

Trí thức trẻ

Trở lên trên