MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng “cú nhảy vọt” tăng trưởng xuất khẩu

Từ ngành gỗ đến may mặc, da giày…. đều kỳ vọng tăng trưởng mạnh với mức 10-15% khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam.

Kỳ vọng tăng trưởng hàng tỷ USD…

Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc điều hành Công ty May Minh Trí – đơn vị xuất khẩu 100% ra nước ngoài cho rằng, CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng hơn nữa cho Minh Trí nói riêng và ngành dệt may nói chung. Bà Hương đặt kỳ vọng Minh Trí sẽ tăng trưởng trên 10% trong năm 2019 với lý do sản lượng xuất khẩu 3 năm gần đây vẫn tăng trưởng đều do mở rộng sản xuất, đầu tư thêm các thiết bị tăng năng suất và cũng một phần là do tác động của các hiệp định thương mại. "Tôi nghĩ năm 2019 sẽ tiếp đà tăng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2018 đạt hơn 36 tỷ USD, nhiều kỳ vọng sang năm 2019 con số này sẽ tăng lên 40 tỷ USD", bà Hương nói.

Việt Nam phê chuẩn CPTPP vào ngày 12/11/2018. Hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Như vậy, bắt đầu từ ngày 14/1/2019, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. CPTPP được dự báo sẽ có tác động hai chiều tới các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, được kỳ vọng là động lực đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh ở nước ta như da giày, dệt may, ngành gỗ….

Cũng theo vị Giám đốc điều hành Công ty May Minh Trí, yêu cầu khắt khe của CPTPP về “nguyên tắc xuất xứ” được quy định từ sợi trở đi, chứ không phải là từ vải trở đi như với quy định tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cụ thể, nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần phải chứng minh được nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó hoàn toàn là sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu nguồn nguyên liệu đó từ các nước nội khối tham gia CPTPP. Hiện, nguyên liệu chủ yếu được công ty mua từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… mà các nước này lại không tham gia CPTPP, vì thế bà Hương kỳ vọng khi CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp dệt nhuộm trong nước sẽ đầu tư thêm cho sản xuất để tăng năng lực, lúc đó sẽ có tác động tích cực hơn cho ngành dệt may.

Kỳ vọng “cú nhảy vọt” tăng trưởng xuất khẩu - Ảnh 2.

CPTPP có hiệu lực sẽ đem lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam.

Khẳng định ngành gỗ sẽ được hưởng rất nhiều cái lợi từ CPTPP, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho hay, việc chúng ta được xâm nhập vào thị trường có nguồn nhập khẩu cũng như xuất khẩu lớn như Canada, Nhật Bản, Malaysia, Australia… sẽ giúp Việt Nam vừa mở rộng được thị trường và thị phần. Đơn cử hiện nay, xuất khẩu gỗ sang thị trường Nhật Bản đang đứng ở vị trí thứ 3 (sau Mỹ, Trung Quốc), mức tăng khoảng 13-15%. Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực thì ông tin rằng thị trường gỗ giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc hơn.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, CPTPP có sự tham gia của các nước có kim ngạch xuất khẩu rất tốt như thị trường Nhật Bản chiếm 60%, thị trường khác chiếm từ 2-3%; chúng ta kỳ vọng rằng khi thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sẽ tăng mạnh, dự báo mức tăng trưởng có thể đạt từ 10-15%.

Kỳ vọng “cú nhảy vọt” tăng trưởng xuất khẩu - Ảnh 3.

Năm 2019 sẽ tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu của năm 2018.

Cần sự vào cuộc của cả Nhà nước và doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Lefaso, ngành da giày sản xuất gần 1,2 tỷ đôi giày dép mỗi năm, trong đó 90% là xuất khẩu. Khi tham gia CPTPP, các doanh nghiệp rất phấn khởi nhưng cũng lo lắng vì hiện nay mới chủ động được 50% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Chính phủ Việt Nam phải có cơ chế chính sách để hướng dẫn thực hiện CPTPP làm sao đảm bảo cam kết.

Phó Chủ tịch Vifores Nguyễn Tôn Quyền cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam phải có cơ chế chính sách để hướng dẫn thực hiện CPTPP làm sao đảm bảo cam kết. Quyết định nội lực rất quan trọng bởi doanh nghiệp Việt muốn tiếp cận công nghệ tiên tiến thì phải nâng cao năng lực của chính mình lên. Muốn vậy, phải có đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Anh, trình độ quản trị doanh nghiệp, phải hiểu quy trình sản xuất, kỹ năng lao động… tất cả những cái đó Chính phủ cần có văn bản, cơ chế, chính sách hướng dẫn kịp thời.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, câu chuyện doanh nghiêp Việt cần phải tận dụng các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường là điều không còn gì phải bàn cãi. Nhưng quan trọng hơn, nó cho thấy sự cần thiết phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chăm chăm đi xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới cả đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại ngay trên "sân nhà".

Theo Nguyễn Lê

Infonet

Trở lên trên