MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng từ 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Khoản vốn đầu tư công “khổng lồ” 700.000 tỷ đồng năm 2023 được kỳ vọng giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ tạo việc làm cho người lao động, giúp doanh nghiệp (DN) có thêm doanh thu. Tuy nhiên, để tiêu hết số tiền này cần sự vào cuộc ráo riết của bộ ngành, chính quyền địa phương.

Tốc độ giải ngân vẫn rất chậm

Theo tính toán tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,06%. Mỗi dự án đầu tư công khởi động sẽ tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, giúp DN bán được hàng hóa, sản phẩm.

Kỳ vọng từ 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Dự án đầu tư công chậm tiến độ khiến DN bị chậm thanh toán, cạn vốn (ảnh minh họa)

Đang xảy ra nghịch lý nền kinh tế khát vốn nhưng tiền đầu tư công sẵn có không tiêu được. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, hết tháng 3/2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt khoảng 9%, thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây. Còn tới 31 bộ ngành địa phương chưa giải ngân được đồng nào. 4 địa phương bị bêu tên vì có số lượng dự án giải ngân dưới 5% hoặc giải ngân 0 đồng.

Trước thực tế này, là đơn vị “trông coi” nguồn vốn đầu tư công, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu, địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của dự án ngay từ những tháng đầu năm. Kịp thời, chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng đề nghị địa phương phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành.

Doanh nghiệp khó khăn khi thanh toán giải ngân

Ông Nguyễn Huy Quang - Giám đốc công ty trắc địa tại Lào Cai chia sẻ, doanh nghiệp của ông chuyên thực hiện đo đạc phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư. Nhưng vì dự án đầu tư công chậm thanh toán giải ngân khiến DN của ông Quang gặp nhiều khó khăn vì phải vay mượn tiền trả lương nhân viên.

Cùng cảnh, ông Nguyễn Văn Thức - Giám đốc một doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại Thanh Hoá cho biết.

“Nhiều dự án làm đường mà chúng tôi cung cấp vật liệu làm đường giao thông bị chậm thanh toán hàng năm trời. Cạn vốn, chúng tôi cắt giảm công nhân”, ông Thức ngậm ngùi.

“Cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu.


Cải thiện thể chế để tăng khả năng hấp thụ vốn

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 khoảng 80 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam phải giải ngân 16 tỷ USD.

“Câu chuyện ở đây là kế hoạch quá cao, sức hấp thụ của nền kinh tế thấp hơn mục tiêu. Chỉ tiêu cao gây sức ép lên toàn bộ hệ thống tài chính, thị trường vốn. Tiền được hút qua thị trường vốn, trái phiếu Chính phủ, không giải ngân tiếp được sẽ chuyển sang năm sau, và lại tiếp tục hút vốn, đè sức nặng lên thị trường vốn”, ông Cường lo ngại.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB khuyến nghị, cơ quan chức năng cần tính toán lại khả năng hấp thụ vốn đầu tư công của nền kinh tế. Nếu muốn tăng khả năng hấp thụ vốn, cải thiện thể chế là điều bắt buộc phải làm.

“Năm 2023, trong điều kiện cấp bách phải giải ngân 700 nghìn tỷ đồng (30 tỷ USD), với cả số vốn của chương trình phục hồi. Đây là con số rất lớn. Nếu không cải thiện thể chế, thì giải ngân hết vốn kế hoạch là không thể”, ông Cường nhận định.

Kỳ vọng từ 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc kiểm tra đôn đốc tiến độ dự án đầu tư công

Để phấn đấu thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt cao nhất, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Trong đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Nếu vượt quá thẩm quyền thì cần tổng hợp, báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp xem xét, giải quyết sớm.

“Các địa phương cũng cần thực hiện biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Từ đó, cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đảm bảo đúng quy định của Luật Xây dựng là cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công”, bà Nga chia sẻ.

Kỳ vọng từ 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công - Ảnh 4.

Theo Ngọc Linh - Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên