MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng vào “làn gió mới” từ OPEC, giá dầu lên đỉnh 7 tuần

26-07-2017 - 09:00 AM | Thị trường

Giá dầu tăng phiên thứ Ba (25/7) lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần do hai nước thành viên OPEC là Saudi Arabia và Nigeria nhượng bộ, làm tăng kỳ vọng thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại.

Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng Chín tăng 1,55 USD, tương đương 3,3%, lên 47,89 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ 6/6 và là phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay.

Diễn biến giá dầu WTI. Biểu đồ: Finviz

Giá dầu Brent giao tháng Chín tăng 1,60 USD, tương đương 3,3%, lên 50,20 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 1/6.

Diễn biến giá dầu Brent. Biểu đồ: Finviz

Tại cuộc họp của OPEC hôm 24/7 tại Nga, Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm lượng xuất khẩu dầu trong tháng Tám xuống 6,6 triệu thùng/ngày, ít hơn 1 triệu thùng so với 1 năm trước. Quốc gia này thường giảm xuất khẩu trong mùa hè do nhu cầu tiêu dùng điện trong nước đạt đỉnh.

Giới phân tích nhìn nhận động thái này có tác dụng lớn đối với việc tái cân bằng thị trường.

Trong khi đó, Nigeria, nước được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC, đã cam kết giới hạn sản lượng ở mức 1,8 triệu thùng/ngày. Số liệu mới nhất cho thấy sản lượng ở Nigeria đã tăng nhanh và đạt 1,64 triệu thùng/ngày.

“Hai yếu tố này là tín hiệu rất tốt đối với thị trường dầu mỏ”, Barnabas Gan, kinh tế gia tại OCBC nói.

Libya, một nước thành viên khác của OPEC không tham gia vào thỏa thuận đóng băng nguồn cung, cũng hạn chế sản lượng ở mức 1,25 triệu thùng/ngày (cao hơn mức hiện tại 25%). Quy mô cắt giảm xuất khẩu của Saudi Arabia tương đương với sản lượng tăng thêm từ Libya và Nigeria.

Tuy nhiên, Jameel Ahmad, Phó tổng giá đốc nghiên cứu tại FXTM, lại ít lạc quan hơn.

OPEC vẫn bị mắc kẹt ở thế “nhiệm vụ bất khả thi”, giữa tình trạng dư cung, chịu áp lực phải cắt giảm sản lượng nữa, và không thể kiểm soát được sản lượng ở các nước khác, Ahmad nói thêm.

Tình trạng dư cung đã đẩy giá dầu liên tiếp giảm trong vòng 3 năm gần đây. Để giảm lượng tồn kho trên toàn cầu, OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn khác như Nga đã đồng ý giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày đến tháng 3/2018.

Tuy nhiên, tác động đến thị trường vẫn quá mờ nhạt do sản lượng ở Mỹ liên tục tăng trong năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng nỗ lực này là giải pháp tích cực để cân bằng cung cầu.

Nhu cầu từ Trung Quốc vẫn hỗ trợ thị trường và có dấu hiệu cho thấy hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ giảm tốc.

Nguồn tin từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn kho của nước này giảm 10,2 triệu thùng dầu thô trong tuần trước.

Theo Minh Tuấn

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên