MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là hàng sao chép, mỹ phẩm Trung Quốc vẫn đương nhiên giành lấy thị phần của "phiên bản gốc" như thế này đây

10-01-2018 - 13:42 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc đang phải vật lộn với hậu quả mà căng thẳng ngoại giao gây ra ở thị trường Trung Quốc, một nhóm người Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội để chiếm thị phần.

Trải qua hơn 1 năm bị cấm vận, ngành công nghiệp làm đẹp Hàn Quốc đã có thêm niềm lạc quan sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đồng thuận bình thường hóa quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực.

Triển vọng sáng sủa đã khuyến khích các nhà sản xuất mỹ phẩm tăng cường tiếp thị để thu hút người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một năm bị cấm vận, thị trường làm đẹp của Trung Quốc đã có thêm người mới. Sự xuất hiện của các hãng mỹ phẩm địa phương đang đe dọa thị trường 53 tỷ USD của họ.

Trong khi các công ty Hàn Quốc đang phải vật lộn với hậu quả mà căng thẳng ngoại giao gây ra ở thị trường Trung Quốc, một nhóm người Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội để chiếm thị phần bằng cách thuê lại các giám đốc kinh doanh của Hàn Quốc, sao chép các sản phẩm mỹ phẩm của Hàn Quốc và sử dụng người nổi tiếng Hàn Quốc để quảng bá sản phẩm.

Mặc dù các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc vẫn được coi là những người định hình xu hướng trong khu vực, các đối thủ đang nhanh chóng chiếm được thị phần từ phân khúc trung cấp đến cao cấp.

"Các công ty Trung Quốc bắt kịp rất nhanh về mảng thiết kế và chất lượng, đẩy mạnh chuỗi giá trị. Các công ty Hàn Quốc bây giờ sẽ phải nhắm mục tiêu tới phân khúc cao cấp nhiều hơn để có thể tăng trưởng hơn nữa ở Trung Quốc", Sohn Sung-min thuộc Viện công nghiệp Mỹ phẩm Hàn Quốc cho biết. Thị trường làm đẹp của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên gần 62 tỷ USD vào năm 2020 khi nhu cầu của nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi và giàu có tăng lên.

Nhờ làn sóng K-pop và sức ảnh hưởng của các ngôi sao Hàn Quốc, ngành công nghiệp mỹ phẩm của xứ sở kim chi cũng được người dân các quốc gia châu Á biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, một số thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc như Shanghai Jahwa United, Shanghai Pehchaolin Daily Chemical và Jala Group mới nổi cũng đang cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Họ tập trung vào nghiên cứu phát triển sự ưa thích của người tiêu dùng đối với thảo dược và y học cổ truyền Trung Quốc. Bên cạnh đó, các công ty này cũng được hưởng lợi từ chính sách nuôi dưỡng các thương hiệu trong nước và bảo vệ ngành công nghiệp địa phương của Bắc Kinh.

"Mỹ phẩm không đòi hỏi công nghệ khổng lồ. Đó là trận chiến của thương hiệu và tiếp thị", Lee Ji-yong - chuyên gia phân tích đến từ Shinhan Investment cho biết. "Các thương hiệu Trung Quốc mới nổi sẽ gây khó khăn cho các công ty Hàn Quốc trong khi khôi phục doanh số từ phân khúc thấp đến trung bình, thậm chí sau khi căng thẳng liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad được xóa bỏ".

Trong 9 tháng đầu năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 20% lên 1,3 tỷ USD. Trung Quốc cũng là thị trường đóng góp khoảng 1/3 tỷ trọng xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc.

So với mức tăng trưởng hàng năm 66% trong 5 năm trước, con số trên cho thấy một sự suy giảm mạnh mẽ. Doanh thu của 21 tập đoàn mỹ phẩm Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm giảm 5,3% với lợi nhuận hoạt động của 2 tập đoàn mỹ phẩm AmorePacific và Clio giảm lần lượt 30% và 70%.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành vẫn khá lạc quan. Yang Ji-hye - chuyên gia phân tích của Meritz Securities nhận định sự ưa thích của người Trung Quốc đối với các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc vẫn còn nguyên vẹn mặc dù có căng thẳng ngoại giao, nhất là trong phân khúc cao cấp.

"Công nghệ và chất lượng rất quan trọng nhưng sức hấp dẫn về cảm xúc và sức mạnh thương hiệu lại càng quan trọng hơn ở thị trường này", chuyên gia Yang cho biết.

Anh Sa

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên