Lại điên đầu vì margin
Khi cổ phiếu sụt giảm kinh hoàng, nhà đầu tư tất nhiên là lo sợ nhất nhưng họ không phải là người duy nhất sợ hãi. Công ty chứng khoán, doanh nghiệp cũng điên đầu vì margin call.
Hàng loạt cổ phiếu lao dốc không phanh
Nhà đầu tư hẳn chưa quên cơn điên cổ phiếu BII của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư. Chỉ trong vòng gần 2 tháng vỏn vẹn, hàng nghìn tỷ của nhà đầu tư đã "bay" cùng sự lao dốc không phanh của cổ phiếu. Từ mức giá 2x, cổ phiếu BII hiện chỉ còn loanh quanh 2-3 nghìn đồng tức chỉ còn khoảng 10% giá trị. 90% giá trị cổ phiếu một doanh nghiệp hình thành, phát triển 8 năm ròng.
Inox Kim Vĩ với mã cổ phiếu KVC cũng lao dốc mạnh, giá cổ phiếu từ mức ổn định xung quanh mệnh giá nhiều năm ròng giờ chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu.
Đó là 2 trong số những câu chuyện chưa kịp cũ trên thị trường chứng khoán vì nhà đầu tư đã mất mát quá nhiều và giá cổ phiếu cũng gần hết chỗ để giảm rồi, tạm loanh quanh ở mức trà đá còn đắt hơn.
Câu chuyện mới, nóng và đang nhức nhối hơn trên thị trường chứng khoán là cổ phiếu HQC của Địa ốc Hoàng Quân. Những ngày này, 10-20% cổ phần của doanh nghiệp đang bị xả sàn mà không ai mua. Cổ phiếu HQC vốn dĩ lâu nay loanh quanh ở mức giá 5.000 đồng và dù thị trường lên bổng xuống trầm thì mức giá 5.000-8.000 đồng vẫn được giữ suốt mấy năm ròng.
Những phiên gần đây, cổ phiếu HQC lao dốc không phanh. 7 phiên giảm sàn liên tiếp và lượng cổ phiếu chất bán sàn khiến ai nhìn vào cũng sợ: Đến 20% vốn của công ty bị đem ra xả sàn mà ít người mua. HQC giảm xuống dưới 3.000 đồng phiên 8/12.
Nhà đầu tư, công ty chứng khoán, doanh nghiệp đều điên đầu vì margin
Thị trường chứng khoán những tháng, những ngày gần đây chứng kiến những cơn sụt giảm kinh hoàng của nhiều cổ phiếu. Cổ phiếu lao dốc không phanh, nhà đầu tư sốt ruột gọi đôn đả khắp nơi tìm lời giải nhưng đều quẩn quanh với phỏng đoán là do áp lực margin-một thứ mà họ không cân, đo, đong đếm được.
Doanh nghiệp cũng đứng ngồi không yên. Nhiều chủ doanh nghiệp nhìn thấy cổ phiếu của mình đang từ hàng 3x, 2x xuống chỉ còn bằng giá cốc trà đá mà đau lòng lắm. Hoạt động kinh doanh không có gì đáng chú ý nhưng giá cổ phiếu thì lao dốc không phanh, cổ đông liên tục gọi điện hỏi dò thông tin, rồi thì đồn nọ, đồn kia. Thực, hư phút chốc thành lẫn lộn. Không giải trình với cổ đông thì có lỗi với những người đã đặt niềm tin vào doanh nghiệp, giải trình thì, người tin, người không. Tệ hơn là có người hỏi thì hỏi đó nhưng khi nhận được câu trả lời thì lại cho rằng là trò lừa đảo khiến họ thua lỗ hơn và quay lưng đi. Tệ nhất là, theo một nguồn tin của chúng tôi, có doanh nghiệp mà cổ phiếu lao dốc đã mất đi cơ hội kinh doanh lớn khi đối tác nhìn thấy cổ phiếu của doanh nghiệp biến động thất thường. Đối tác e ngại công ty có rủi ro lớn và ra đi.
Như BII, lần đầu tiên từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2014 phải chịu cảnh cổ phiếu bất ngờ lao dốc nên có lẽ có phần lúng túng không biết xử lý ra sao cho phải. Nhà đầu tư nháo nhác hỏi nhau lý do, các forum chứng khoán cũng liên tục mổ xẻ vấn đề nhưng cổ phiếu cứ lao dốc. Sau 15 phiên giảm sàn, BII gửi công văn lên HoSE với lời gọi là tự bào chữa cũng đúng, trấn an cũng đúng mà giải trình cũng đúng, rằng là trong thời gian qua, nhà đầu tư trên thị trường đã sử dụng tỷ lệ margin cao để đầu tư vào BII. Khi thị trường có những thông tin không tích cực về nhóm ngành Khoáng sản, các CTCK cho nhà đầu tư sử dụng margin đầu tư BII ngừng cung cấp margin hoặc đưa margin về tỷ lệ thấp đột ngột.
Nhiều nhà đầu tư chưa thể hạ thấp margin trong ngắn hạn vì thế các CTCK đã đặt lệnh bán BII, do đó làm cổ phiếu liên tiếp giảm sàn trong giai đoạn vừa qua.
Theo BII, việc cổ phiếu bị bán sàn không phải vì hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mà do yếu tố biến động nhất thời thị trường khi các CTCK đồng loạt giảm margin gây khủng hoảng tâm lý.
Sốt ruột vì cổ phiếu lao dốc và có lẽ là học được bài học từ "người đi trước" là BII nên Công ty Hoàng Quân "nhanh chóng" gửi công văn lên Sở giao dịch chứng khoán khẳng định hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty hoàn toàn bình thường và cung cấp thêm thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, nỗ lực này không chặn nổi đà bán tháo khủng khiếp trên sàn chứng khoán. Ngay từ đầu phiên giao dịch, mấy chục triệu cổ phiếu HQC đã bị chất bán sàn. Nhiểu tài khoản, kể cả tài khoản của cổ đông nội bộ là thành viên ban kiểm soát công ty cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp.
Không chỉ nhà đầu tư hay cổ đông đau đầu, công ty chứng khoán cũng hết sức lo ngại với tình trạng cổ phiếu lao dốc không phanh và họ chính là một trong những "xúc tác" bất đắc dĩ cho việc này. Ai cũng biết rằng, khi nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính thì bản chất là họ dùng 1 phần tiền thực của họ và một phần là vay của công ty chứng khoán để đầu tư, dùng chính cổ phiếu họ mua làm tài sản đảm bảo. Khi tài sản đảm bảo giảm đến ngưỡng, công ty chứng khoán ngay lập tức phải bán ra để đảm bảo cho khoản tiền mình đã cho vay đi. Bán không ai mua, họ cũng phải chất lệnh bán sàn, tranh nhau bán. Hành động này vô hình chung khiến cho cổ phiếu đã liên tục sàn lại càng ít cơ hội quay đầu vì lực bán quá lớn.
Trăm sự bởi nhà đầu tư quá lạm dụng margin?
Đòn bẩy (margin) đại diện cho một cách làm giàu nhanh hơn, cũng như con dao hai lưỡi, có thể gây thiệt hại đến nhà đầu tư và làm cháy tài khoản một cách nhanh chóng. Vì vậy, sử dụng hiệu quả đòn bẩy tài chính là một yếu tố quan trọng mà nhiều nhà đầu tư kết hợp chặt chẽ với kế hoạch kinh doanh của họ để gia tăng lợi nhuận mỗi khi thị trường vào sóng lớn. Chính bởi ý nghĩa này, nhiều nhà đầu tư đã hết sức lạm dụng margin.
Lạm dụng và vấn đề là hầu hết nhà đầu tư không kiểm soát, không biết cách kiểm soát rủi ro từ việc sử dụng margin. Nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để mua cổ phiếu trong thị trường giá giảm, hệ lụy tiếp theo là bất lực nhìn các cơ hội tuyệt vời nhất trôi qua mà không còn khả năng mua, bỏ qua những vùng giá hấp dẫn nhất khi cổ phiếu trở nên quá rẻ so với thị trường. Thậm chí, phải bán cắt lỗ khi bị call margin. Sau đó là giai đoạn chấn thương tâm lý kéo dài dẫn tới mất khả năng ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả, mất tiền chỉ là một phần, day dứt vì thua lỗ và nuối tiếc vì lỡ cơ hội còn khiến nhà đầu tư đau đớn hơn.
Một lỗi tiếp theo nhà đầu tư hay mắc phải là quên mất rằng mình đang đi vay tiền công ty chứng khoán và phải trả lãi suất. Dùng margin, muốn có lãi thì họ phải đạt tỷ lệ lợi nhuận cao hơn nhà đầu tư không dùng margin để còn trích tiền trả lãi vay. Có người quên đi điều này, mua, bán cổ phiếu với biên lợi nhuận thấp và rồi khi giật mình nhìn lại phí phải trả cho công ty chứng khoán thì gần như không lãi, thậm chí lỗ.
Lỗi lớn tiếp theo của lạm dụng margin là nhà đầu tư thường có thói quen "full margin" tức, dùng sạch đến những đồng xu cuối cùng mà công ty chứng khoán có thể cho vay để mua cổ phiếu với hy vọng kiếm lãi lớn. Chỉ cần phiên hôm sau cổ phiếu giảm là họ đã cuống cuồng với các tin nhắn call margin của công ty chứng khoán nhưng họ không có tiền để nộp vì có bao nhiêu đã rót sạch vào chứng khoán và còn vay kịch kim trông chờ vào "cơ hội mong đổi đời". Cơ hội chưa thấy đâu thì họ đã phải bán bớt cổ phiếu để trả nợ dần cho công ty chứng khoán. Vòng xoay đó liên tục dăm phiên, lỗ nặng thậm chí cháy tài khoản đã là điều thấy được.