Lãi suất khó giảm vì lạm phát
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có đại biểu đề nghị NHNN tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Phải khẳng định ngay rằng, những đề xuất đó hoàn toàn chính đáng và cũng bắt nguồn từ ý muốn hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Đó cũng chính là mong muốn của NHNN cũng như các NHTM khi mà các nhà băng đều xác định rõ, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới hoạt động an toàn, hiệu quả được. Bằng chứng là ngay tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 diễn ra hồi đầu năm, hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc NHNN, 4 NHTM Nhà nước lớn đã giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn, trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Ảnh minh họa |
Hay như trong các chỉ đạo điều hành của mình, NHNN cũng thường xuyên yêu cầu các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để giảm tiếp lãi suất là điều vô cùng khó khăn, và nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các ngân hàng cho dù họ cũng rất muốn. Về lý thuyết, muốn giảm lãi suất cho vay chỉ có 2 phương cách, đó là tiết giảm chi phí hoạt động để giảm tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và giảm giá vốn đầu vào.
Thế nhưng hiện NIM của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất sau khi mặt bằng lãi suất cho vay được kéo giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong mấy năm gần đây nên khó có thể kéo giảm thêm. Quả vậy, theo Công ty chứng khoán BVSC, NIM của toàn ngành trong năm 2019 được dự báo ở mức khoảng 3,2%; thậm chí một số ngân hàng sẽ gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức cao. Trong khi theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, để hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, NIM phải đạt ít nhất là 3,5%.
Vì vậy muốn giảm thêm lãi suất cho vay, giải pháp duy nhất là phải giảm được lãi suất huy động. Thế nhưng điều đó cũng rất khó trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng cao như hiện nay. Số liệu thống kê cho thấy, CPI tháng 5 tăng tới 0,49% so với tháng trước, là mức tăng hàng tháng cao thứ hai kể từ tháng 10/2018 đến nay, chỉ thua mức tăng 0,8% của tháng 2/2019 là tháng Tết Nguyên đán. Đáng chú ý CPI bình quân tăng liên tục trong 5 tháng đầu năm, hiện tăng lên mức 2,74%.
Trong khi áp lực lên lạm phát vẫn đang rất lớn, xuất phát từ cả bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế. Bên ngoài, mặc dù giá xăng dầu thế giới đã quay đầu giảm trở lại trong thời gian gần đây, song có thể bật tăng trở lại bất cứ lúc nào trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ với Iran và Venezuela. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng đang khiến thị trường tài chính và thị trường hàng hóa toàn cầu biến động mạnh, từ đó ảnh hưởng tới tỷ giá và lạm phát của nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam…
Trong nước, việc giá điện tăng 8,36% chắc chắn sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả trong thời gian tới. Trong khi thâm hụt thương mại quay lại cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá và lạm phát. Đặc biệt là lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý…
Cũng vì lẽ đó mà trong hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát mới nhất của mình, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo lạm phát năm nay thấp nhất là 4,21% và cao nhất là 4,79%; trong đó nguy cơ lạm phát theo kịch bản cao có thể xảy ra nếu sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.
Có thể nói, lạm phát đang khiến lãi suất huy động khó có thể giảm thêm bởi còn phải đảm bảo thực dương mới thu hút được người gửi tiền. Đó là chưa kể, hiện tỷ giá cũng đang chịu nhiều áp lực và để ổn định tỷ giá, cần phải duy trì lãi suất VND chênh lệch ở mức khá cao so với lãi suất USD mới có thể khuyến khích người dân nắm giữ VND.
Cũng xin mượn khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế thuộc VEPR để kết thúc cho bài viết này “để kiềm chế lạm phát, các cơ quan điều hành sẽ cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong nửa sau năm 2019. NHNN cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng trong thời gian tới nếu muốn duy trì mức lạm phát không vượt khỏi mức mục tiêu”.