MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng ngoại tại Việt Nam hiện nay ra sao?

02-06-2018 - 10:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng Việt luôn phải ngó nhìn động thái của nhau để cạnh tranh thì các ngân hàng ngoại lại khá bình chân với các cuộc đua đối với lãi suất.

Để không ảnh hưởng khả năng sinh lời đồng thời vẫn thu hút tiền gửi từ khách hàng, các ngân hàng Việt luôn phải ngó nhìn nhau để cạnh tranh thì các ngân hàng ngoại dường như lại khá bình chân đối với các cuộc đua lãi suất.

Tại Shinhan Bank, lãi suất huy động VNĐ hiện dao động từ 3,3-4,7%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và 4,1-5,6%/năm đối với kỳ hạn 6-12 tháng. Ngoại trừ USD, những loại ngoại tệ khác gửi vào Shinhan Bank đều có lãi suất trền dưới 1%/năm.

Trong khi đó, tại HSBC, lãi suất tiết kiệm đối với kỳ hạn 3 tháng là 1,25%; 6 tháng là 1,74%; 12 tháng là 2,72% và 36 tháng là 2,65%. Ngoài ra, nếu gửi tiền trực tuyến tại ngân hàng, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,25%/năm so với biểu lãi suất niêm yết.

Ngân hàng UOB niêm yết lãi suất ở mức nhỉnh hơn, tiền gửi tiền đồng kỳ hạn 1 tháng là 2,15%; 3 tháng là 3,1%; 6 tháng, 9 tháng từ 3,75-4%/năm; lãi suất đối với kỳ hạn 1 năm là 4,5%.

Có thể thấy, mức lãi suất trên của các ngân hàng ngoại, kể cả khi đã cộng thêm lãi suất theo các chương trình ưu đãi thì vẫn còn thấp hơn so với các ngân hàng Việt, thậm chí thấp hơn VietinBank, hay Vietcombank,… – những ngân hàng TMCP Việt đang có lãi suất tiết kiệm thấp nhất trên thị trường.

Chẳng hạn, tại Vietcombank, đối với khách hàng cá nhân gửi kỳ hạn 3 tháng được hưởng lãi suất 4,6%/năm, 6 tháng là 5,1%, trên 12 tháng hưởng trên 6,4%. Những mức lãi suất này đều cao hơn 1%-2% so với ngân hàng ngoại.

Cạnh tranh về giá dường như không phải là chiến lược trọng tâm của các ngân hàng ngoại khi không chỉ lãi suất huy động thấp mà nhiều loại phí dịch vụ, đặc biệt cho khách VIP cao hơn hẳn mặt bằng chung các ngân hàng nội. Ví dụ dịch vụ thẻ tín dụng, vốn được coi là lợi thế hàng đầu của HSBC, Shinhan hay Standard Chartered Bank,…có mức phí thường niên đối với hạng bạch kim từ 1 triệu – 2 triệu, cao hơn hẳn so với mức 600-800 nghìn đồng phổ biến ở các ngân hàng nội. Tuy nhiên các dịch vụ nhỏ như rút tiền mặt, chuyển tiền cùng hệ thống lại đa số được miễn phí trong nhiều năm trở lại đây.

Một trong những trọng tâm ở ngân hàng ngoại là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng, kinh doanh ngoại hối và quản trị tài sản, chủ yếu hướng tới nhóm khách hàng có thu nhập cao; nhóm khách hàng VIP cũng có xu hướng thích các dịch vụ của ngân hàng ngoại hơn. Có thể thấy, chiến lược của họ không quá chú trọng cạnh tranh về giá mà tập trung tăng cường chất lượng dịch vụ và phục vụ. 

Trong khi ngân hàng Việt vẫn đang chật vật với việc nâng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng thì nguồn thu này đã đem về 30-40% thu nhập hoạt động ở các ngân hàng ngoại (lãi phi tín dụng ở HSBC chiếm 35% thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trong đó lãi từ dịch vụ chiếm trên 15%). 

Lãi suất huy động thấp nên tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập từ tín dụng của các ngân hàng ngoại thấp hơn nhiều so với các ngân hàng nội. Tại HSBC, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 2.986 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi và các chi phí tương tự lại chỉ có 259 tỷ đồng (chỉ bằng 8,6 % thu nhập); tại Shinhan Bank cũng chỉ mức 28%. Trong khi đó, ở những ngân hàng được lợi từ vốn rẻ như Vietcombank, BIDV thì tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi cũng phải đến 50% - 60%.

Đó cũng là lý do mà dù có dư nợ cho vay, thu nhập từ cho vay thấp hơn nhiều so với các ngân hàng cùng quy mô như TPBank, Bắc Á Bank, OCB,...nhưng nhờ có chi phí lãi thấp cộng với nguồn thu từ dịch vụ ổn định và vượt trội, HSBC hay Shinhan Bank vẫn có mức lợi nhuận cạnh tranh. 

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên