Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm: Nhẹ gánh ngân sách
Sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đã giúp phát hành TPCP thuận lợi hơn.
- 04-10-2016Huy động được thêm 50 tỷ đồng trái phiếu chính phủ
- 28-09-2016Vì sao trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán nhiều nhất từ trước đến nay?
- 03-09-2016Tháng 8/2016: Nhà đầu tư ngoại mua ròng 2,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Nhiều “đất diễn” cho trái phiếu
Từ đầu tháng 10 đến nay, trên thị trường tài chính tiếp tục chứng kiến sự sôi động trong giao dịch trái phiếu sơ cấp. Đáng chú ý, trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 30 năm đã huy động được 22.383 tỷ đồng, vượt 11,9% so với kế hoạch đề ra.
Nhìn lại 10 tháng qua, thị trường TPCP đã sôi động ngay từ đầu năm. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, trung bình mỗi phiên có khoảng 10 thành viên tham gia đấu giá, khối lượng dự thầu trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên.
Một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường trái phiếu là lãi suất liên NH giảm xuống mức thấp kỷ lục, do thanh khoản VND tại các NH dư thừa, thị trường ngoại hối ổn định. Những thuận lợi từ thị trường tiền tệ như vậy đã giúp Kho bạc Nhà nước huy động thành công gần 70.000 tỷ đồng TPCP trong quý III/2016, hoàn thành kế hoạch 250.000 tỷ đồng ngay trong tháng 9 vừa qua.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước tiếp tục khó khăn, tình trạng thu ngân sách không đủ bù chi tiếp diễn, việc huy động trái phiếu tài trợ thâm hụt ngân sách và chi đầu tư cơ bản được đánh giá là vô cùng quan trọng. Tranh thủ sự thuận lợi từ thị trường tài chính và tận dụng lãi suất trái phiếu đang ở mức thấp, một lần nữa, ngày 30/9 Chính phủ điều chỉnh lần hai kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2016, tăng khối lượng phát hành thêm 31.000 tỷ đồng cho quý IV năm nay.
Ngay những phiên phát hành đầu tháng 10/2016, dù khối lượng dự thầu/chào thầu ở mức cao, lãi suất TPCP tiếp tục giảm mạnh ở các kỳ hạn. Đơn cử, kỳ hạn 5 năm, trong phiên đấu thầu đầu tháng 10 lãi suất đã giảm gần 1%, xuống mức 4,9%/năm.
“Có thể thấy các cơ quan điều hành cũng đã phối hợp tạo điều kiện cho việc phát hành TPCP thuận lợi, đặc biệt ở đây là tác động gián tiếp từ sự điều hành thị trường của NHNN”, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đưa ra nhận định.
Theo quan sát của phóng viên, sau khi Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phát hành 31.000 tỷ đồng TPCP trong quý IV/2016, NHNN đã giảm nhẹ khối lượng tín phiếu chào thầu ở các phiên, lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 70.000 tỷ đồng thay vì tăng phát hành vượt mức 90.000 tỷ đồng trong những phiên cuối tháng 9/2016. Như vậy, có thể thấy NHNN đã gián tiếp hỗ trợ tích cực dòng tiền đầu tư trái phiếu. Vì thế, lượng TPCP đẩy ra thị trường với khối lượng tương đối lớn nhưng đều được hấp thụ hết.
Phối hợp chính sách ngày càng nhuần nhuyễn
Một thành công quan trọng trên thị trường TPCP được ghi nhận trong năm 2016 đó là lãi suất giảm khá mạnh. Dòng tiền đầu tư TPCP tăng đã đẩy lãi suất trái phiếu các kỳ hạn giảm sâu. Tiêu biểu là kỳ hạn 5 năm (chiếm 55% tổng khối lượng phát hành kế hoạch) lãi suất chỉ còn 4,9%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 6,4-6,6%/năm của năm 2015. Và nếu nhìn vào mức lãi suất 9%/năm tại kỳ hạn 3 năm của TPCP giai đoạn 2012-2014 thì thấy lãi suất TPCP đã giảm kỷ lục.
“Lãi suất giảm giúp chi phí đi vay của Chính phủ nhẹ gánh hơn, đồng nghĩa với việc áp lực lên ngân sách sau này cũng sẽ giảm. Đây là sự phối kết hợp rất tốt, góp phần quan trọng giúp cho tình hình huy động vốn để đảm bảo tăng trưởng của nền kinh tế không còn căng thẳng như mọi năm”, một chuyên gia bình luận.
Việc Kho bạc Nhà nước phát hành TPCP rất thuận lợi trong thời gian qua, theo đánh giá của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, là nhờ sự phối hợp hài hoà giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Đây cũng là một trong những thành công lớn trong công tác điều hành 9 tháng đầu năm 2016 của NHNN.
“Có thể nói ít khi phát hành TPCP thuận lợi như vậy, mặc dù tốc độ phát triển kinh tế không cao song vẫn phát hành hết theo kế hoạch. Ngay cả kế hoạch phát hành thêm cũng đều diễn ra rất thành công”, TS. Kiên nhận định. Ông phân tích thêm: NHNN đã chủ động và sẵn sàng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để thị trường “xông xênh” nhất, hấp thụ TPCP kỳ hạn dài với lãi suất thấp như vậy. Mặt tích cực nữa, thời gian qua lãi suất TPCP gần như định hình lãi suất trên thị trường. Hầu như các TCTD đều nhìn vào đó để điều hành lãi suất. Vì vậy, lãi suất TPCP giảm xuống cũng góp phần giữ cho lãi suất trên thị trường 1 không tăng.
Nhưng đừng chất gánh nặng lên NH
Đánh giá tích cực kết quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong một nền kinh tế phát triển bền vững, NH không phải là nhà tài trợ chính cho Chính phủ. Vốn NH phải quay vòng liên tục theo đúng bản chất là cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Tháng 11 tới, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hội nghị cho tất cả các Việt kiều trên thế giới, TS. Hiếu cho biết, ông sẽ kiến nghị Thủ tướng cần phải đẩy nhanh phát triển thị trường vốn, không thể kéo dài mãi gánh nặng trên vai hệ thống NH.
Dù Việt Nam không phải là nước duy nhất chính sách tiền tệ phải gánh đa mục tiêu, nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng hệ thống NH bước vào giai đoạn II của quá trình tái cấu trúc với khối lượng nợ xấu không hề nhỏ nên NH đang chịu nhiều sức ép. Do đó, cần thiết phải giảm áp lực gánh nặng cung cấp vốn trung, dài hạn cho hệ thống NH.
Hiện tại 85-90% người mua TPCP là các NHTM nên trước mắt, theo ông Thành, để phối hợp hiệu quả hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thì các mục tiêu hướng đến cần có tính đồng nhất, xác định rõ mục tiêu của từng công cụ. Mục tiêu chính của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả, chứ không phải để hỗ trợ cho thâm hụt ngân sách. Còn chính sách tài khóa phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau: tăng trưởng, đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô…
Về dài hạn, để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Chính sách tài khóa phải hướng tới việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Trong đó, thu chi ngân sách và tín dụng nhà nước phải gắn chặt với mục tiêu ổn định tiền tệ. Đồng thời, cần đặt kiểm soát giá cả lên hàng đầu, không chỉ trong thời kỳ lạm phát cao mà ngay cả thời kỳ lạm phát thấp, nhằm tạo lập niềm tin cho thị trường, xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Thời báo Ngân hàng